Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hoài Văn, ThS. Đặng Duy Thìn
Số trang: 188
Giá tiền: 34.000đ
Vua Lê Thánh Tông, trong “lễ ăn thề” với thượng thư các bộ vào mùa đông năm Quang Thuận thứ 4 (1463), đã dẫn lại lời của Tư Mã Quang: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn”, cho nên: “Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi”. Dẫn lại câu chuyện trên trong cuốn sách Chính sách đào tạo, sử dụng quan lại thời Lê Thánh Tông và công tác cán bộ hiện nay để thấy được phương châm “kén kẻ sĩ làm trước tiên phong trong phép trị nước” cũng như sự anh minh, trọng dụng hiền tài của vị vua này.
Chính sách đào tạo thời Lê Thánh Tông dựa trên nền tảng tư tưởng chính trị Nho giáo, nhằm nâng cao trình độ văn hóa trong toàn xã hội, đặc biệt là những người được giao giữ các vị trí trong các cấp chính quyền, đồng thời nhằm phát hiện và đào tạo nhân tài cho đất nước. Tất nhiên, các triều đại trước Lê Thánh Tông cũng đã chú ý đến điều này, nhưng có thể nói, tư tưởng trọng dụng nhân tài chỉ trở thành một chủ trương lớn dưới thời Lê Thánh Tông, được xây dựng thành chính sách và cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể. Thời Lê Thánh Tông, chế độ bổ dụng vương hầu, quý tộc vào các trọng trách của triều đình bị bãi bỏ, chỉ lấy những người có khả năng thực sự. Tầng lớp vương hầu không còn đặc quyền về chính trị, chỉ còn ưu đãi về kinh tế, việc đó là nhằm ngăn chặn tệ thao túng quyền lực từ tầng lớp này.
Tinh thần nhất quán của vua Lê Thánh Tông trong khoa cử là các vấn đề chính sự, tìm nhân tài quản lý đất nước và đề xuất các giải pháp cai trị đất nước. Ông đòi hỏi các Nho sĩ phải đưa ra được kế thuật trị nước an dân. Sự thịnh trị của giáo dục khoa cử thời kỳ này thể hiện qua việc các kỳ thi tuyển nhân tài thường xuyên, liên tục được tổ chức (trong vòng 40 năm), và hầu hết số tiến sĩ tuyển chọn qua các kỳ thi này đã tham gia vào bộ máy của nhà nước, được bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực ở kinh đô và ở các đạo, trấn.
Chính sách sử dụng quan lại thời Lê Thánh Tông có nhiều điểm mới, đáng nghiên cứu, học hỏi, thể hiện trên các mặt: tuyển dụng, sắp xếp, bố trí và đổi mới đội ngũ quan lại. Hai đối tượng chính mà thời Lê Thánh Tông tuyển dụng gồm những người chưa từng làm quan và những người đang làm quan nhưng cần thăng giáng, thuyên chuyển hoặc phải “đào tạo lại”. Trong đó, những người chưa từng làm quan chủ yếu gồm những người được đào tạo bằng con đường học hành, khoa cử là đối tượng được triều đình chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển dụng. Về cách thức tuyển dụng, so với hai cách tuyển là nhiệm tử, là định lệ của nhà nước dựa vào ân trạch của cha ông mà được bổ vào một chức quan nào đó (tuy nhiên, Lê Thánh Tông chỉ thực hiện rất ít chế độ nhiệm tử); và tiến cử (chọn nhân tài từ trong nhân dân, không căn cứ vào thân phận), bảo cử (chọn những quan lại có quá trình công tác tốt, có tài năng và kinh nghiệm thực tiễn quan trường mà bổ vào những chức vị quan trọng), thì khoa cử là phương thức chủ yếu được sử dụng để tuyển lựa quan lại.
Trong việc sắp xếp, bố trí quan lại, đáng chú ý là luật hồi tỵ. Theo luật hồi tỵ, những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở. Đây là một chính sách quản lý quan lại giúp ngăn chặn tệ lợi dụng quan hệ thân tộc để gây bè, kéo cánh, được lịch sử đánh giá là chế độ quản lý quan lại thành công của thời đại phong kiến Việt Nam.
Nhiều biện pháp nhằm đổi mới đội ngũ quan lại thời Lê Thánh Tông có nghĩa sâu sắc không chỉ trong giai đoạn lịch sử đó, mà còn là những bài học đúng đắn, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đã và đang được ứng dụng và thực hiện trong công tác cán bộ hiện nay của nước ta, như khảo khóa (đánh giá, xem xét hiệu quả công việc của quan lại theo định kỳ, theo khóa); luân quan (luân chuyển quan lại); lệ giản thải (quan lại nếu không đáp ứng được yêu cầu hoặc bất tài đều bị bãi)…
Những chính sách đào tạo, sử dụng quan lại đúng đắn, đầy sáng suốt mà các tác giả cuốn sách cung cấp cho thấy, Lê Thánh Tông là một vị vua rất có bản lĩnh và quyết đoán, có nhãn quan chính trị sâu sắc, tầm nhìn chiến lược về vị trí, vai trò của con người chính trị trong bộ máy quyền lực nhà nước. Đúng như lời nhận xét của Phan Huy Chú: “Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức vận nước tươi sáng do khoa mục xuất thân, nhân tài đầy rẫy, đủ cung cho nước dùng”.