Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học

Ngày đăng: 10/08/2012 - 09:08

PGS. TS. Vũ Quang Hiển*

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải chất độc hoá học xuống rừng núi, đồng ruộng; hủy diệt thiên nhiên, cây cỏ; tàn phá mùa màng, nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống; gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhất là đối với người tham gia kháng chiến và nhân dân chịu tác động trực tiếp của chất độc hóa học. Hàng triệu người bị nhiễm dioxin, trong đó hàng trăm ngàn người đã chết, nhiều người mắc các chứng bệnh nan y, phải sống trong đau khổ, nghèo khó, từng giờ, từng phút vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc hoá học làm biến đổi gen di truyền, dẫn tới tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, tâm thần… ở những thế hệ con cháu. Nhiều gia tộc đứng trước nguy cơ tuyệt tự.

Các vùng đất bị nhiễm chất độc nặng nhất thuộc các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học[1].

Thảm họa chất độc da cam là một trong những vấn đề xã hội vừa cấp bách, vừa lâu dài mà Đảng và Chính phủ Việt Nam phải quan tâm giải quyết. Đó cũng là vấn đề lương tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.

1. Xác định chủ trương và ban hành chính sách ưu đãi những người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ bị dị tật

Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại hội lần thứ IV (12-1976) và các đại hội tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương chú ý thích đáng đời sống của những người tàn tật. Tháng 10-1980, Uỷ ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam[2] được thành lập. Uỷ ban này đã tổ chức các công trình nghiên cứu và nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhằm xác định quy mô và hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học đối với con người và môi trường sống.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) nâng các vấn đề xã hội lên tầm chính sách xã hội, gắn kết chính sách kinh tế với chính sách xã hội. Ngày 3-4-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nhằm tạo cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp khắc phục hậu quả. Trong hai năm 1998 - 1999, cuộc điều tra được tiến hành trên phạm vi cả nước, và tiếp tục điều tra bổ sung vào các năm 2002, 2004. Đối tượng điều tra là những người từng công tác, chiến đấu, sinh sống ở những vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hoá học, mà bản thân hoặc con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo do chất độc hoá học gây nên.

Ngày 1-3-1999, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam[3]. Chức năng, nhiệm vụ của Ban này là xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hoá học từ trung ương đến địa phương.

Chia sẻ với nỗi đau và mất mát mà những nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải chịu đựng, Đảng và Nhà nước Việt Nam ban hành các chế độ, chính sách xã hội đối với những người tham gia kháng chiến và con, cháu họ bị nhiễm chất độc hóa học Mỹ. Ngày 8-4-1981, Bộ Thương binh và Xã hội có công văn hướng dẫn các sở thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm độc. Ngày 23-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ trợ cấp cho các nạn nhân bị nhiễm độc.

Những năm gần đây, chính sách xã hội nói chung, chính sách đối với những người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng càng được quan tâm giải quyết. Trong Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005, Đảng nhấn mạnh việc “chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân do hậu quả chiến tranh để lại”.

Năm 2002, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận: giải quyết hậu quả chất độc da cam là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách. Vì thế, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả; có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân; tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân[4].

Ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam[5].

Đối tượng được hưởng trợ cấp là những người tham gia kháng chiến bị hậu quả trực tiếp của chất độc hoá học bao gồm: cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân; cán bộ thôn, ấp, xã, phường; cán bộ, công nhân, viên chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cách mạng; thanh niên xung phong tập trung theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg, ngày 14-4-1999 của Thủ tướng Chính phủ; dân công hỏa tuyến (gọi chung là người tham gia kháng chiến); con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến bị hậu quả của chất độc hoá học.

Người tham gia kháng chiến đã từng tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ tháng 8-1961 đến tháng 4-1975; đang không hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động; bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hoá học sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh; bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hoá học. Con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến (bao gồm cả con đẻ của bệnh binh, công nhân, viên chức nghỉ mất sức lao động) bị dị dạng, dị tật nặng do nhiễm chất độc hoá học không còn khả năng lao động. Người tham gia kháng chiến bị mắc các bệnh và con của họ bị dị dạng, dị tật do chất độc hoá học thuộc Danh mục bệnh tật và dị dạng, dị tật do chất độc hoá học ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC được hưởng trợ cấp và các chế độ khác như sau:

Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động được trợ cấp 300.000 đồng/người/tháng; trường hợp suy giảm khả năng lao động được trợ cấp 165.000 đồng/người/tháng.

Con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị dị dạng, dị tật nặng không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt được trợ cấp 170.000 đồng/người/tháng. Con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động, còn tự lực được trong sinh hoạt được trợ cấp 85.000 đồng/người/tháng.

Đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng nêu trên nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được Nhà nước mua bảo hiểm y tế với mức 3% tiền lương tối thiểu hiện hành.

Học sinh, sinh viên là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động đang học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước (có khóa học từ 1 năm trở lên) mà không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí thì được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, đào tạo như đối với con của bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 70%.

Người tham gia kháng chiến đang hưởng trợ cấp 300.000 đồng/người/tháng khi chết nếu không thuộc diện có chế độ mai táng phí thì người đảm nhiệm việc chôn cất được trợ cấp mai táng phí như đối với bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 70%.

Người tham gia kháng chiến suy giảm khả năng lao động và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật, còn tự lực được trong sinh hoạt thuộc diện đói nghèo được ưu tiên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm dành cho người tàn tật từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống.

Người tham gia kháng chiến già yếu, cô đơn không nơi nương tựa và con đẻ của người tham gia kháng chiến mồ côi cả cha và mẹ nếu không có thân nhân chăm sóc, nuôi dưỡng, không tự bảo đảm được cuộc sống tại cộng đồng thì được xem xét tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành lao động - thương binh và xã hội.

Ngày 8-11-2004, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ra Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 29-6-2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động được xác định là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi.

Tại Đại hội lần thứ X của Đảng (4-2006), Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 nêu rõ: “Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật nặng, tạo thuận lợi để họ hoà nhập với cộng đồng”.

Ngày 25-7-2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/2006/QĐ-TTg, ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg, ngày 3-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở bao gồm cả người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Nếu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở. Trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là nhà ở một tầng hoặc nhà ở nhiều tầng có một hộ ở thì được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất. Những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 61% đến 80% được hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất.

Ngày 18-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 292-TB/TW về giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tổ chức hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bản Thông báo chỉ rõ: “Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Khắc phục hậu quả chất độc da cam là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi người dân; cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và phải được lồng ghép với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương.

Ngày 6-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP. Theo đó, mức trợ cấp chính của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gần bằng mức trợ cấp của bệnh binh.

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26-5-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Y tế ra Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT, ngày 11-9-2010, quy định những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng chế độ điều dưỡng mỗi năm một lần.

Những chính sách của Đảng và Nhà nước được các cấp ủy đảng và chính quyền, các bộ, ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện, nhất là từ năm 2000. Hằng năm, Nhà nước đã dành những khoản chi phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân chất độc da cam; triển khai nhiều dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái.

Các địa phương đặc biệt quan tâm tới việc trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai. Uỷ ban nhân dân các tỉnh đều có kế hoạch thực hiện chế độ, chính sách đối với những người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; tổ chức tiếp nhận, xét duyệt và giám định bệnh tật có liên quan đến chất độc dioxin cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học trên địa bàn; giao trách nhiệm cho chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các sở lao động - thương binh và xã hội, sở y tế, hội đồng giám định y khoa, công an, bộ chỉ huy quân sự, tỉnh đoàn, hội cựu chiến binh, hội cựu thanh niên xung phong và hội nạn nhân chất độc da cam rà soát đúng người, đúng đối tượng để thực hiện đúng chính sách.

Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam; chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân.

Tính đến tháng 7-2011, trong cả nước có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có trên 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí; có 12 làng hòa bình, hữu nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam[6].

2. Chỉ đạo thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Để vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tư vấn, phản biện các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân; thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập. Hội là tổ chức duy nhất đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, trong đấu tranh yêu cầu chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do họ đã gây ra.

Tổ chức Hội từng bước được xây dựng. Đến năm 2010 đã có 25 tỉnh/thành có tổ chức Hội, trong đó 24 tỉnh, thành xây dựng xong tổ chức Hội ở cấp quận, huyện[7].

 Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn là nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty Mỹ cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam lên Tòa án Liên bang Mỹ tại Brooklyn (New York - Mỹ)[8]. Ngày 10-3-2004, sau 10 ngày kể từ phiên tranh tụng của vụ kiện, Chánh Tòa án Liên bang Mỹ Jack B.Weistein đã ra phán quyết: bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam, bởi họ cho rằng: đặc trưng của chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người.

Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tuy chưa đạt kết quả mong muốn, nhưng đã làm cho nhân dân trong nước và trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, hình thành phong trào đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam[9], và bước đầu đã có tác động tích cực đến thái độ và hành động của các ngành lập pháp và hành pháp Mỹ[10].

Nhằm đáp ứng yêu cầu về phối hợp hoạt động của Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tạo điều kiện cho tổ chức và hội viên tham gia có hiệu quả vào các hoạt động chính trị, xã hội, các chương trình chăm lo giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cựu chiến binh, đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, ngày 4-6-2010, hai Hội thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động với 5 nội dung chính là: 1- Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả của chất độc hóa học, về các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, về hoàn cảnh sống và gương điển hình các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng... 2- Chỉ đạo hội các địa phương phối hợp các phong trào, hoạt động có liên quan đến nạn nhân chất độc da cam và cựu chiến binh Việt Nam; 3- Hội Cựu chiến binh địa phương giúp đỡ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành lập Hội ở huyện, quận và xã, phường, nơi có đủ điều kiện và vận động hội viên Hội Cựu chiến binh là nạn nhân tham gia hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; nơi chưa có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì Hội Cựu chiến binh giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam; 4- Chỉ đạo cơ quan chức năng của mình phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; phối hợp thực hiện các nội dung, chương trình như được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xây nhà theo chương trình của Chính phủ, an dưỡng, điều dưỡng, phục hồi chức năng, phối hợp học hỏi kinh nghiệm nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề cho nạn nhân... 5- Phối hợp và chủ động đẩy mạnh công tác đối ngoại, vận động quốc tế giúp đỡ nạn nhân và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi Mỹ phải có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền về hậu quả chất độc da cam/dioxin và việc khắc phục đối với con người và môi trường; cung cấp cho Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin những ấn phẩm báo chí, thông tin các gương người tốt, việc tốt của cựu chiến binh về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, sự vươn lên của nạn nhân cựu chiến binh... và hoạt động của các nhóm đối thoại Việt - Mỹ qua góc nhìn của cựu chiến binh Việt Nam[11].

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các hội hữu nghị với Việt Nam của các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Hội đồng Hòa bình thế giới, Uỷ ban Hòa bình Braxin, Hiệp hội Hòa Tài của Trung Quốc, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA), Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP), các tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở Mỹ (VAORRC), Nhịp cầu hòa bình hữu nghị giữa Nam Osaka và châu á của Nhật Bản (NPO-MOA), Hòa bình xanh của ấn Độ (GIS), Vì trẻ em dioxin của Pháp, Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đại sứ quán một số nước ở Hà Nội...

Thông báo kết luận số 292-TB/TW, ngày 18-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã mang lại một tinh thần mới cho phong trào chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Công tác tuyên truyền đối ngoại được đẩy mạnh. Cơ quan Trung ương Hội đã tổ chức các cuộc họp báo, gặp mặt, diễn đàn nhân dịp sự kiện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Đoàn Cựu chiến binh Hoa Kỳ ký Tuyên bố chung (7-4-2010) xác định quyết tâm ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2010... Lãnh đạo VAVA đã nhiều lần trả lời phỏng vấn của báo chí. Cơ quan Trung ương Hội cung cấp tài liệu cho phóng viên
các báo Trung ương và địa phương; phối hợp với Công ty Cổ phần Thái Sơn làm bộ phim Nỗi đau còn lại; phối hợp với Ban Truyền hình đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) làm phim phóng sự tài liệu.

Trung ương Hội đã tiếp nhiều đoàn khách và cá nhân quốc tế đến tìm hiểu và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trao đổi hàng trăm thư điện tử mỗi tuần, giữ mối liên hệ thường xuyên với hơn 60 tổ chức và cá nhân bạn bè quốc tế. Hội đã cử một số đoàn đi công tác nước ngoài, tuyên truyền và vận động sự ủng hộ quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam[12].

ở trong nước, nhiều tỉnh hội, thành hội làm tốt công tác tuyên truyền vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày vì người tàn tật Việt Nam (18-4), Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6)...

Tỉnh Vĩnh Phúc phát hành cuốn sách Thực trạng nạn nhân chất độc da cam tỉnh Vĩnh Phúc. Chuyên mục “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” được Đài Truyền hình tỉnh phát mỗi tuần 4 lần, mỗi lần 10 phút. Thành phố Hải Phòng phối hợp với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Lê Quốc Cường, tuyên truyền về thảm họa da cam trước buổi biểu diễn ở 50 địa phương đoàn đến phục vụ. Tỉnh Tiền Giang tiến hành hơn 300 lần tuyên truyền miệng với gần 7.600 lượt người nghe. Hậu Giang kết hợp với Bảo tàng tỉnh triển lãm hình ảnh nạn nhân. Thành phố Hồ Chí Minh làm phim phóng sự Nỗi đau còn đó. Hội còn cùng với báo Quân đội nhân dân, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh triển lãm hình ảnh nạn nhân chất độc da cam…

Các chương trình “Nhịp cầu nhân ái” (của các tỉnh Bến Tre, Hải Phòng, Hà Tĩnh); “Nối vòng tay nhân ái” (Bắc Ninh); “Chia sẻ nỗi đau” (Tây Ninh); “Nỗi đau da cam - tiếng nói của trái tim” (Hòa Bình)… và hàng trăm tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng đã làm lay động lòng người, thức tỉnh lương tri, tạo nên sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Quyên góp để giúp đỡ nạn nhân là một trong những hoạt động chính được hội các cấp quan tâm[13]. Từ nguồn tài chính và vật chất quyên góp được, công tác chăm sóc nạn nhân được đẩy mạnh, giúp đỡ nạn nhân làm và sửa nhà, hỗ trợ sản xuất, chăm sóc sức khỏe, tặng quà ngày lễ tết…

Trong khoảng 10 năm (2000 - 2010), Nhà nước đã thực hiện chính sách cho khoảng 162.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học hưởng chế độ ưu đãi. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân đối với những nạn nhân chất độc hoá học là biểu hiện cụ thể của lương tâm và trách nhiệm. Chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân chất độc hoá học còn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện, không chỉ hướng tới những người tham gia kháng chiến, mà cần hướng tới tất cả nhân dân bị hậu quả chất độc da cam; không chỉ những người đang sống, mà cả thế hệ con cháu của họ sau này.



* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1]. Không chỉ là người Việt Nam, mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân đã từng tham chiến ở Việt Nam cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Đô đốc E. Zumwalt, nguyên Tư lệnh các lực lượng hải quân, không quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA) cho biết: có 100.000/300.000 lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam, trong đó 20.000 người đã chết... Xem Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Thảm họa chất độc da cam - trách nhiệm, lương tâm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, http://tapchiqptd.vn, ngày 11-7-2011.

[2]. Gọi tắt là Uỷ ban 10-80.

[3]. Gọi tắt là Ban Chỉ đạo 33.

[1]. Nội dung Quyết định này trích theo http://thuvienluat.com.vn. Quyết định này thay thế Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, ngày 23-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thời gian bắt đầu thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định của Quyết định này từ ngày 1-7-2004.

[7]. Đến tháng 12-2008, có 15 tỉnh hội/thành hội hoàn thành việc tổ chức hội cấp huyện/quận, năm 2009 thêm 4 hội, 6 tháng đầu năm 2010 thêm 5 hội. Hiện có 24 tỉnh hội/thành hội có tổ chức ở 100% huyện/quận: Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Phước và 5 tỉnh mới hoàn thành: Lâm Đồng, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Trị.

[8]. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam đã được Giáo sư Tôn Thất Tùng đưa ra diễn đàn quốc tế từ năm 1970. Từ năm 1980, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu về hậu quả chất độc này và yêu cầu phía Mỹ phải chịu trách nhiệm.

[9]. Tháng 5-2009, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Pari (Pháp) khẳng định Chính phủ Mỹ sử dụng chất dioxin ở Việt Nam mà hậu quả của nó là “diệt chủng môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ; yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân và gia đình họ; phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch chất độc da cam khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam...[10]. Tháng 11-2006, Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa chất độc dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”. Tháng 2-2007, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine họp báo, thừa nhận có nhiễm độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Từ đó, Quỹ Ford, Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Atlantic Philanthropies của Mỹ đã tài trợ một số dự án, như: xây dựng các công trình chống lan tỏa tạm thời tại sân bay Đà Nẵng; xây dựng phòng thí nghiệm dioxin; nghiên cứu các công nghệ sinh học tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng; lượng hoá toàn diện ô nhiễm, phơi nhiễm và đề xuất biện pháp giảm thiểu từ năm 2010 đến năm 2012... Những năm 2007, 2009, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm; năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam và năm 2011, Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo khoản tài trợ 34 triệu USD để tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Song, những đóng góp đó còn quá nhỏ so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam, http://tapchiqptd.vn.

[12]. Đáng chú ý là Đoàn Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gồm bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch VAVA Đà Nẵng và anh Phạm Thế Minh, nạn nhân thế hệ 2 ở Hải Phòng, đi vận động dư luận ở Mỹ. Hơn 1 tháng (từ ngày 14-4 đến ngày 16-5-2010), Đoàn đã đi tuyên truyền ở 7 thành phố lớn của Mỹ, gặp gỡ hàng trăm người Mỹ, kiều bào cùng nhiều quan chức của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đoàn đã nhận được sự ủng hộ của công luận và dư luận Mỹ đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đoàn cán bộ VAVA do Phó Chủ tịch VAVA, GS. TS. Nguyễn Trọng Nhân dẫn đầu tham dự Hội nghị Quốc tế các nạn nhân vũ khí giết người hàng loạt tại Tehran, Iran từ ngày 28-6 đến ngày 3-7-2010. Tại đây, Đoàn đã trưng bày hơn 30 ảnh và tranh cổ động, 100 đĩa hình, hơn 50 cuốn sách, 200 tờ gấp và hàng chục các bài viết, lời tuyên bố… kết hợp với trả lời phỏng vấn, phát biểu tại hội thảo, chiếu phim minh họa để nói lên thảm họa chất độc da cam/dioxin mà nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu, gây xúc động thật sự đối với bạn bè quốc tế.

[13]. Trong 6 tháng đầu năm 2010, 35 tỉnh hội/thành hội và Trung ương Hội quyên góp được 12,6 tỷ đồng tiền mặt. Những hội quyên góp được từ 450 triệu đồng tiền mặt trở lên là: Tiền Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Bình Thuận, Bắc Giang, Thanh Hoá, Thái Bình, Đà Nẵng.

Trích trong cuốn Nỗi đau da cam, Nhà xuất bản  Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012

Bình luận