Tác giả: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (Viện Chính trị học)
Số trang: 468
Giá: 74.000đ
Được biên soạn chủ yếu dành cho học viên cao học chuyên ngành chính trị học, song cuốn sách Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc - chức năng, do TS. Ngô Huy Đức và TS. Trịnh Thị Xuyến đồng chủ biên, cũng là tài liệu hữu ích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc. Thông qua việc phân tích, so sánh sự tương đồng và những khác biệt, thậm chí là tương phản giữa các hệ thống chính trị khác nhau, sẽ cho phép chúng ta rút ra những kết luận mang giá trị chung, toàn cục về từng hệ thống chính trị của các nước qua những thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau. Từ đó, có thể lý giải được những hoạt động thực tiễn của mỗi nền chính trị và xác định vai trò của nó đối với sự phát triển toàn diện của đời sống xã hội, đồng thời giúp mỗi nước tự hoàn thiện các hệ thống, thể chế chính trị của mình.
Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, chính trị, tự nhiên, xã hội…, mỗi nước lựa chọn cho mình một mô hình chính trị với cấu trúc quyền lực và các thiết chế chính trị riêng, phù hợp. Có nước lựa chọn mô hình đại nghị, có nước theo mô hình tổng thống hoặc có những nước lại chọn mô hình hỗn hợp của hai mô hình trên… Mặc dù vậy, ngay cả giữa các nước có cùng mô hình hệ thống chính trị vẫn có những điểm khác nhau.
Trong cuốn sách Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc - chức năng, các tác giả lựa chọn 9 nước thuộc các vùng địa lý khác nhau, có trình độ phát triển và cấu trúc quyền lực khác nhau để nghiên cứu trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, yếu của từng mô hình hệ thống chính trị mà các nước lựa chọn. Hệ thống nghị viện của Anh thường được coi là hình mẫu đầu tiên của các hệ thống chính trị nghị viện khác, với các luật cơ bản có tính hiến pháp mà không có một bản hiến pháp thành văn, thể hiện tính tối cao của Nghị viện và tính pháp trị. Ở Mỹ, dù xuất phát cùng một gốc văn hóa với Anh, nhưng mô hình chính trị của Mỹ là mô hình tổng thống và có nhiều khác biệt như: tổng thống là cá nhân nắm giữ quyền lực lớn nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị hay sự phân chia triệt để giữa các nhánh quyền lực. Còn ở Pháp, nhà nước pháp quyền là trung tâm của hệ thống chính trị và tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị đều được điều chỉnh bởi hiến pháp và các đạo luật. Mô hình thể chế chính trị Đức là mô hình “dân chủ thủ tướng” bởi quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng, mặc dù vẫn có chế định tổng thống. Trong khi hệ thống chính trị Nhật Bản đương đại tuy chưa có bề dày như các nước tư bản phát triển Âu - Mỹ, nhưng vẫn được đánh giá là một hệ thống chính trị hiện đại, cơ bản thể hiện được tính dân chủ, tất cả các hoạt động của các bộ phận cấu thành hệ thống đều tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp và pháp luật…
Giao Linh