Cải cách giáo dục từ góc nhìn của hai nhà nghiên cứu

Ngày đăng: 19/05/2016 - 09:05

Giáo dục là chìa khóa, là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, các chính phủ đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và cải cách giáo dục là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nền giáo dục. Quanội dung cuốn sách “Cải cách giáo dục: Một số vấn đề chung và thực tiễn ở Việt nam”, bạn đọc sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh về công cuộc cải cách giáo dục của các nước tiêu biểu trên thế giới và ở Việt Nam qua góc nhìn của hai nhà nghiên cứu: PGS. TS. Nghiêm Đình Vỳ và TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến.

cai cach giao duc


Cải cách giáo dục toàn cầu

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như ngày nay, cải cách giáo dục ở từng quốc gia là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Bốn thập kỷ qua, nhiều nước đã tiến hành ít nhất hai hoặc ba vòng cải cách. Giáo dục ở từng nước đều có những bước tiến mới và rõ ràng là tốt hơn cả về quy mô và chất lượng so với bốn chục năm trước. Tuy nhiên, công cuộc cải cách chưa bao giờ là việc làm đơn giản, dù đối với nước phát triển, đang phát triển, hay nước kém phát triển. Phần thứ nhất - Cải cách giáo dục toàn cầu trong bước chuyển sang thế kỷ XXI của cuốn sách, các tác giả giới thiệu cho bạn đọc tiến trình cải cách giáo dục của một số nước trên thế giới với nhiều điểm nhấn, thông tin hữu ích.

Đầu tiên phải kể đến là nước Mỹ với khẩu hiệu “Vì sự ưu tú trong giáo dục”. Vào tháng 4-1983, trong bản báo cáo “Đất nước lâm nguy” do Ủy ban quốc gia về sự ưu tú trong giáo dục trình Bộ trưởng Giáo dục Mỹ đã có đoạn viết: Điều không thể tưởng tượng được cách đây một thế hệ đã xảy ra: các nước khác đang đuổi kịp và vượt các thành tựu giáo dục của chúng ta. Tình trạng mù chữ chức năng đang gia tăng trong thanh, thiếu niên và người lớn tuổi Mỹ; sự sút kém về chất lượng học các môn toán và khoa học, ngay cả đối với học sinh năng khiếu; tình trạng giáo viên không đạt chuẩn đối với các môn toán, khoa học và tiếng Anh, tiền lương thấp,…1. Những nhận định, đánh giá trong bản báo cáo này có phần cường điệu hóa qua cụm từ “không thể tưởng tượng được”, tuy nhiên, nó đã phản ánh đúng tình trạng giáo dục khi ấy của nước Mỹ. Mặc dù xét về mặt bằng chung, giáo dục của Mỹ ở thời điểm nào cũng luôn là một trong số ít nước đi đầu trên thế giới, nhưng không vì thế mà họ ngủ yên dưới bóng vòng nguyệt quế đã có của mình. Họ vẫn nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng nền giáo dục của nước mình với những hạn chế, bất cập đang hiện hữu. Và để thoát khỏi tình trạng nguy ngập nêu trên, cải cách giáo dục Mỹ phải hướng tới sự ưu tú trong giáo dục. Vậy, sự ưu tú đó được xem xét ở mặt nào, phương pháp gì?... Các tác giả cuốn sách đã chỉ ra rất rõ ràng, đó là ưu tú trên ba bình diện: người học, nhà trường và xã hội. Cụ thể là người học phải được dạy và học sao cho có thể phát huy tốt nhất năng lực cá nhân; nhà trường phải đặt ra những yêu cầu về chuẩn cao hơn thay cho những yêu cầu tối thiểu; xã hội phải hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Khắc phục hai khoảng cách giáo dục, một mặt là khoảng cách giáo dục bên trong nước Mỹ giữa những nhóm cư dân khác nhau, mặt khác là khoảng cách giáo dục giữa nước Mỹ với những nước khác có nền giáo dục thành công hơn… Đây là bài học kinh nghiệm thiết thực đối với nền giáo dục của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với nhiều năm nghiên cứu về các nền giáo dục trên thế giới, nhóm tác giả đã phân tích, đánh giá tiến trình cải cách của các quốc gia một cách lôgích, cụ thể; các luận chứng, luận cứ đưa ra sinh động, thuyết phục. Không chỉ phân tích nền giáo dục tiên tiến ở các nước thuộc Liên minh châu Âu, mà các tác giả còn cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về cải cách giáo dục ở Nga và các nước châu Á. Ví dụ như công cuộc cải cách giáo dục của Nga với khẩu hiệu “Đảm bảo chất lượng hiện đại của giáo dục, góp phần khôi phục vị trí hàng đầu của Nga trên thế giới”; hoặc quá trình cải cách giáo dục của nước làng giềng Trung Quốc với phương châm “Kế lớn trăm năm giáo dục là gốc”; tiếp đến là các nước: Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan... Qua đó, có nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực, bổ ích được rút ra.

Đặc biệt, ở chương III của phần này, các tác giả đã phân tích, đúc rút một số bài học lớn trong phát triển giáo dục của các nước trên thế giới và những bài học đối với Việt Nam. Đó là những bài học thiết thực và giá trị, như: xác định đúng vị trí của đất nước trong các làn sóng cải cách giáo dục; xây dựng mục tiêu phù hợp và khả thi trong tương quan với trình độ phát triển kinh tế và giáo dục đất nước; cải cách là quá trình hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên, cần được giải quyết hài hòa; tái cơ cấu nhà trường;…

Xét ở khía cạnh cải cách giáo dục thì những bài học trên rất hữu ích cho Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng chúng ở mức độ nhất định, phù hợp với đặc điểm, tình hình giáo dục ở nước ta.

Giáo dục Việt Nam: từ cải cách đến đổi mới căn bản, toàn diện

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chương trình giáo dục phổ thông của nước ta đã trải qua nhiều lần xây dựng và điều chỉnh, chủ yếu thông qua ba cuộc cải cách giáo dục lớn vào các năm 1950, 1956, 1981 và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 ngày 9-12-2000. Có thể nói, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ, quản lý, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Phần thứ hai - Tổng quan về quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam, các tác giả trình bày rất cụ thể về từng cuộc cải cách, đổi mới giáo dục ở nước ta, bao gồm: mục tiêu đào tạo; nguyên tắc, phương châm đào tạo; nội dung đào tạo; hệ thống giáo dục; công tác quản lý; nhận xét, đánh giá cái được và chưa được. Ví dụ như cải cách giáo dục năm 1950 xác định: giáo dục phải là công cụ của một giai cấp nhất định, giáo dục sẽ phục vụ chính trị, cần xây dựng cơ sở tư tưởng mới về nền giáo dục dân chủ nhân dân; mục tiêu đào tạo của nhà trường là giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người công dân lao động tương lai, trung thành với chế độ dân chủ và có đủ phẩm chất năng lực phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân; hệ thống giáo dục gồm: giáo dục phổ thông, bình dân học vụ phụ vụ; giáo dục chuyên nghiệp… Nhờ có sự phân tích cụ thể, lôgích chặt chẽ của nhóm tác giả, bạn đọc hiểu được tiến trình cải cách giáo dục ở nước ta trong vòng nửa thế kỷ qua, từ đó có những đánh giá riêng về tình hình giáo dục của đất nước trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

doi moi gd195

Việc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản và toàn diện là một nhu cầu cấp bách

Tiếp theo mạch của tiến trình cải cách giáo dục, các tác giả đã đi sâu nghiên cứu quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam, tìm hiểu về đường lối phát triển giáo dục của Đảng ta từ Đại hội đại biểu lần thứ II (1951) đến nay; làm rõ những vấn đề lý luận, đồng thời đưa ra một số giải pháp, kiến nghị mang tính đột phá trong việc tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Nội dung này được trình bày rất cụ thể trong Phần thứ ba - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam của cuốn sách.

Phần thứ ba với dung lượng hơn 100 trang sách, các tác giả đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, bao gồm: nhận thức về bản chất, tính hệ thống của đổi mới giáo dục; định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục; chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục đào tạo,… Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn mang nhiều giá trị để giúp ngành giáo dục nước ta tiến hành đổi mới một cách bài bản và toàn diện, gặt hái được nhiều thành quả.

Đặc biệt, trong nội dung Chương VIII - Đột phá trong tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, xuất phát từ thực trạng của quá trình đổi mới giáo dục - đào tạo nước ta hiện nay, các tác giả đã đề xuất những giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục mang tính cốt lõi, cấp thiết, như: đổi mới từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở đào tạo và sự tham gia của cả gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Những đề xuất này thực sự rất có giá trị đối với ngành giáo dục nước ta hiện nay. Bởi qua những lần đổi mới giáo dục gần đây, từ đổi mới chương trình, sách giáo khoa,… cho đến công tác quản lý đã vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi lần đổi mới trong giáo dục được ví như “một trận đánh lớn” và tất nhiên nguy cơ “vỡ trận” là rất cao, nếu không có sự nghiên cứu kỹ lượng, chuẩn bị chu đáo cũng như sự đồng thuận, lòng quyết tâm chung của toàn xã hội.

Cuốn sách Cải cách giáo dục: Một số vấn đề chung và thực tiễn ở Việt Nam được viết dưới góc nhìn của hai nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực giáo dục thực sự là một tài liệu hay, có giá trị đối với những nhà hoạch định chính sách, những người hoạt động trong ngành giáo dục và đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Nguyễn Thúy

Chú thích

  1. 1.PSG. TS. Nghiêm Đình Vỳ, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Cải cách giáo dục: Một số vấn đề chung và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 32-33.

 

 

Bình luận