Cần bảo đảm sự chính xác khi dùng từ ngữ trên sách báo

Ngày đăng: 14/08/2012 - 09:08

1. Như nhiều người biết, sách, báo là phương tiện thông tin có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương đường lối  của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp kiến thức toàn diện; nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh cho toàn dân. Mặc dù hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ thông tin, trong đó có internet, văn hóa đọc bị thu hẹp phạm vi, đối tượng sử dụng, nhưng nó vẫn là công cụ thông tin quen thuộc, đã và đang tác động tới ý chí và tình cảm của đông đảo người Việt Nam. Về những kết quả, thành tích của các cơ quan xuất bản, phát hành sách, báo đã được khẳng định trong các dịp tổng kết công tác của mỗi ngành. Trong bài viết này, chỉ xin nói về bệnh sính “nói chữ”, lạm dụng quá đáng tiếng nước ngoài mà tiếng Việt có sẵn hoặc dùng từ ngữ sai nghĩa, dùng thừa hay dùng sai một số địa danh, tên dân tộc quen thuộc... trên các ấn phẩm sách, báo.

DSCN7460

Cách đây 53 năm, ngày 16-4-1959, tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đã cảnh báo: “Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó”. Rồi tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962, Người nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý giá của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp… Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”.

Cố Thủ tướng, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng, ngay trong thời kỳ khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (tháng 2-1966) đã phát biểu rất sâu sắc, tâm huyết về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng chí đã nghiêm khắc phê bình: “… Nhà văn, nhà báo, những người đáng lẽ phải làm mẫu mực trong việc viết và nói tiếng ta thì lại chưa phát huy được đầy đủ tác dụng đó…”.

Tiếc rằng, những khuyết điểm nói trên của những người viết báo, làm văn đến nay vẫn còn trầm trọng, chưa được ngăn chặn và đẩy lùi ở nhiều cơ quan báo chí, xuất bản. Vì vậy, những lời dạy của Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn còn giữ nguyên tính thời sự đối với việc trau di văn phong trong sáng của sách, báo.

2. Hiện nay, đại đa số người đọc, nguời xem rất khó chịu về tình trạng các sách, báo, đài đã và đang dùng quá nhiều từ nước ngoài một cách không cần thiết, nhất là các từ Hán - Việt như: danh tính, hiện diện, quốc nội, thường niên, thường nhật, chiến đấu cơ, phi trường… Tại sao không dùng các từ tiếng Việt vừa dễ hiểu vừa trong sáng sau đây để thay thế các từ Hán - Việt nói trên như: họ, tên; có mặt, trong nước, hằng năm, hằng ngày, máy bay chiến đấu, sân bay…

Xin đi sâu về việc dùng từ danh tính. Danh tên, tính họ, danh tính nghĩa là tên và họ. Hiện nay, trong các biểu mẫu thống kê, sổ sách của các cơ quan Nhà nước vẫn có dòng chữ Họ và tên. Vậy thì tại sao nhiều sách, báo vẫn dùng vô tội vạ từ danh tính? Thử hỏi các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 chưa học chữ Hán thì làm sao mà hiểu được danh tính nghĩa là gì? Nếu dùng họ, tên thì chắc chắn các cháu sẽ hiểu đúng nghĩa của từ ấy.

Điều đáng nói nữa là một số phóng viên sử dụng tiếng Anh mà không có giải nghĩa như: hot, liveshow, chat, shop… Điều đó khiến cho công chúng, nhất là những người không biết tiếng Anh phải bực mình, vì không biết nghĩa của các từ đó là gì? Tại sao không viết: “Thị trường đang nóng lên” mà lại viết: “Thị trường đang hot”? Phải chăng là các tác giả này chạy theo “mốt” dùng tiếng nước ngoài cho mới lạ, cho “oách” và dễ “lòe thiên hạ”.

Một hiện tượng nữa cũng đáng báo động là tình trạng dùng từ sai nghĩa. Xin đơn cử các từ như: khiêm tốn, tồn tại, cứu cánh, bất cập…

 Khiêm tốn là từ để chỉ một đức tính tốt đẹp của con người. Khiêm tốn, khiêm nhường trái nghĩa với kiêu ngạo, kiêu căng. Vì vậy, người viết sách, báo, kể cả một số nhà văn cần phải bỏ thói quen dùng khiêm tốn rất sai nghĩa như: kết quả (thành tích) khiêm tốn, con số khiêm tốn, căn phòng khiêm tốn, vị trí khiêm tốn, tiêu dùng khiêm tốn, “một lượng phát hành tăng dần, dù còn rất khiêm tốn”, “thu nhập bình quân vẫn ở mức khiêm tốn”

 Tồn tại là từ để chỉ những sự vật, hiện tượng, những cái hiện có hoặc đang xuất hiện, bao gồm cả ưu điểm, thành tích lẫn khuyết điểm, vướng mắc, sai lầm. Vậy mà nhiều người vẫn cứ dùng tồn tại theo nghĩa phiến diện, chỉ có một nghĩa là xấu xa, sai lầm, thiếu sót, khuyết điểm. Theo chúng tôi, cần phải nêu thật cụ thể nghĩa của từ tồn tại mà người viết sử dụng, chứ không thể nêu chung chung là tồn tại, cốt để người đọc chỉ được hiểu từ ấy với nghĩa xấu.

 Cứu cánh nghĩa là mục đích cuối cùng. Vậy mà nhiều người dùng từ này với nghĩa là giải pháp cấp bách, cứu rỗi, trợ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 Bất cập nghĩa là không bằng (Lợi bất cập hại), không kịp (Phải cẩn trọng kẻo hối không kịp) hoặc không đúng mức và điều kiện cần thiết (Đừng thái quá, chớ bất cập. Ý đồ thì lớn nhưng tài thì bất cập). Vậy mà hiện nay trong văn nói, văn viết, người ta đang dùng bất cập một cách tràn lan, sai hẳn nghĩa của nó như tình hình bất cập, vấn đề bất cập; những bất cập, yếu kém…

Còn phải kể đến việc dùng từ ngữ thừa, không cần thiết trong các sách, báo. Ví dụ:

 Bổ sung nghĩa là thêm; đề cập nghĩa là xem đến, nhắc đến; sinh nhật nghĩa là ngày sinh. Vậy mà vẫn có người viết “bổ sung thêm”, “đề cập đến”, “ngày sinh nhật”. Rõ ràng các từ: thêm, đến, nhật là thừa.

 Nỗ lực là từ Hán-Việt có nghĩa là cố gắng. Đã dùng nỗ lực thì thôi dùng cố gắng và ngược lại. Thế mà một số người vẫn thích nói chữ, dùng cả 2 cặp từ đồng nghĩa nỗ lực cố gắng đi liền với nhau.

Cuối cùng, xin nói về một số từ ngữ đang bị dùng không đúng nguyên văn và việc viết sai một số địa danh, tên dân tộc. Ví dụ:

Trong bản Di chúc của Bác Hồ và trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước có cụm từ “cuộc chống Mỹ, cứu nước…” (có dấu phảy ở giữa cụm từ này). Thế nhưng, một số tác giả đã bỏ dấu phảy trong cụm từ đó. Như vậy là dùng từ ngữ chưa chính xác. Xin đề nghị viết đúng nguyên văn 4 từ nói trên, có dấu phảy ở giữa để hiểu đúng nghĩa mà Bác Hồ đã dùng trong bản Di chúc thiêng liêng của Người.

Về các từ phòng, chống, như “phòng, chống tham nhũng”, “phòng, chống lụt, bão”… Có lẽ do thói quen nên một số tác giả đã viết liền, bỏ dấu phảy ở giữa hai từ “phòng, chống”. Bỏ như vậy sẽ làm cho nghĩa của từ dễ bị người đọc hiểu hoàn toàn ngược lại, có nghĩa là “đề phòng” việc “chống” ấy. Do đó, chúng tôi đề nghị phải giữ nguyên dấu phảy quan trọng này.

Về địa danh Pác Bó (Cao Bằng). Chúng tôi đã mấy lần về thăm xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nơi có địa danh trên, gặp gỡ bà con người dân tộc địa phương để tìm hiểu về tên gọi đó. Bà con đều cho rằng gọi Pác Bó mới đúng. Pác Bó là miệng mỏ nước hay đầu nguồn nước. Còn Pắc tiếng Tày là đâm, cắm, nếu Pắc ghép với thì nghĩa khác xa lắm, không còn nghĩa là miệng mỏ nước hay đầu nguồn nước. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên, người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị viết là Pác Bó, chứ không phải là Pắc Bó hay Pắc Pó (xem báo Văn nghệ số 49, ngày 8-12-2007).

Về tên dân tộc Mông. Hiện nay, trên một số sách, báo vẫn viết là H’Mông. Nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa X Cư Hòa Vần, người dân tộc Mông, quê ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Nếu viết H’Mông thì phụ âm H’ không có nghĩa. Tên dân tộc chúng tôi viết đúng là Mông. Tại Thông báo số 02/TB ngày 3-1-1992 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ), đã dùng từ “dân tộc Mông” và tại Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 23-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ghi rõ “Chỉ thị về một số công tác ở vùng dân tộc Mông” (Xem Tạp chí Người đại biểu nhân dân số 5 (134), tháng 3-2001).

Vì vậy, đề nghị các sách, báo nên thống nhất dùng chữ Mông để gọi tên dân tộc Mông như ý kiến của ông Cư Hòa Vần.

3. Với thiện ý xây dựng, nhằm bảo đảm sự chính xác khi dùng từ ngữ, góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung, của văn phong sách báo nói riêng nên chúng tôi đã thẳng thắn nêu ra mấy căn bệnh của sách, báo đã và đang mắc phải cần nhanh chóng khắc phục. Những căn bệnh trầm kha này, nếu các tác giả và các cơ quan quản lý sách, báo không kiên quyết sửa chữa đến nơi đến chốn, nhằm đạt cho được kết quả cao thì nó sẽ gây tác hại đáng kể cho văn viết, văn nói của nhiều người, làm hỏng tiếng Việt. Đã đến lúc chúng ta phải ráo riết bắt tay làm ngay công việc rất quan trọng và cần kíp này, không thể nào chậm trễ được.

NGUYỄN HUY THÔNG

Nhà phê bình văn học


 

 

Bình luận