Cần có biện pháp bảo vệ giới báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng

Ngày đăng: 22/11/2012 - 10:11

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Cuộc họp mạng lưới báo chí "Vai trò của báo chí và công tác phòng chống tham nhũng”. 

 can co bien phap bao ve gioi bao chi

Các diễn giả tại cuộc họp (Ảnh: KD)

Cuộc họp được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như nâng cao vai trò của báo chí đối với công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển Bền vững, sự kiện này được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả hoạt động đã đạt được, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Dự án "Sáng kiến Xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI)". Ngoài ra, đây cũng là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình tác nghiệp báo chí với các diễn giả, khách mời. Bên cạnh đó, cuộc họp cũng hướng tới thành lập câu lạc bộ báo chí về phòng, chống tham nhũng, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng, hối lộ trong kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bền vững, cạnh trạnh công bằng. 

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, hiện xã hội rất đồng thuận và ủng hộ công tác phòng chống tham nhũng nói chung và nhà báo chống tham nhũng nói riêng, nhưng nhìn chung chưa có biện pháp bảo vệ giới báo chí một cách hữu hiệu khi họ tham gia trực tiếp vào quá trình chống tham nhũng.  

Diễn giả Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, quá trình tác nghiệp liên quan tới phòng chống tham nhũng của nhà báo rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Nhà báo thường bị dọa nạt, thậm chí bị hành hung, đánh đập… Vì vậy, cần có biện pháp để bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp cũng như tránh sự thoái hóa của nhà báo khi tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cũng cần được thường xuyên bổ túc kiến thức, tăng cường giao lưu với các cơ quan chức năng, học hỏi kinh nghiệm… để đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ cũng như hoàn thành sứ mệnh của báo giới đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Cũng tại cuộc họp, các diễn giả đã trao đổi về tình hình kinh tế-xã hội; cách tiếp cận, phân tích nguồn tin và tác nghiệp trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cách tự bảo vệ mình của nhà báo; một số vụ tham nhũng đã được các phóng viên phát hiện, góp sức phanh phui và phối hợp với cơ quan chức năng triệt phá được dư luận ghi nhận, khen ngợi.

Kim Dung

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận