Cơ cấu lại nền kinh tế là quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nằm giữa khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm có 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng. Với vị trí, tiềm năng và lợi thế trên nhiều lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được xác định là vùng kinh tế động lực, được ưu tiên đầu tư để trở thành khu vực phát triển năng động, tốc độ nhanh và bền vững.
Cuốn sách do TS. Nguyễn Thị Kim Đoan làm chủ biên, góp phần làm rõ nội hàm khái niệm trung tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định rõ nội dung, phương thức, điều kiện bảo đảm và công cụ để thực hiện. Đồng thời, đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016-2020, chỉ ra kết quả, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra. Từ đó, xác định quan điểm, giải pháp và những kiến nghị nhằm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.