Từ khi nước ta tiến hành đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tư nhân nói chung và kinh tế tư nhân của người Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành khu vực kinh tế ngày càng lớn mạnh, có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân của người Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, hoạt động trong những lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính, bán lẻ... Các doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam đã thể hiện năng lực cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tư nhân của người Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như: phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam thời gian qua tăng mạnh về số lượng nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; đóng góp của kinh tế tư nhân của người Việt Nam chưa tương xứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng; hiệu quả hoạt động, năng suất lao động xã hội khá thấp; khả năng chống chịu của các chủ thể kinh tế tư nhân của người Việt Nam còn khá hạn chế...
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới (Sách chuyên khảo) do GS.TS. Ngô Thắng Lợi, PGS.TS. Vũ Thành Hưởng và PGS.TS. Bùi Đức Tuân đồng chủ biên.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới.