Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống cơ sở lý luận về kinh tế tuần hoàn; phân tích lợi ích và các đặc trưng của kinh tế tuần hoàn; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; phân tích thực trạng về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như: tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và phát sinh chất thải; những chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; lựa chọn ngành, lĩnh vực sản phẩm ưu tiên thực hiện kế hoạch hành động áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, cuốn sách cũng chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ thống đo lường phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia điển hình ở châu Âu như Hà Lan, Pháp và ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản; phân tích một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp thông qua khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam như mô hình kinh tế tuần hoàn tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), Khu công nghiệp Thăng Long II. Trên cơ sở đó, đề xuất một số quan điểm và giải pháp để thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và tương lai.