Có một Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, có một chú Sáu Thọ

Ngày đăng: 01/11/2011 - 16:11

Nguyễn Thị Ngọc Liên*

Năm 1969, tôi được Đảng và Nhà nước cử làm trưởng đoàn Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, thăm các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước để tuyên truyền cho cuộc chiến đấu chính nghĩa giải phóng dân tộc đang ở giai đoạn cao trào tại miền Nam Việt Nam. Sau cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị Pari. Hồi đó, những cuộc đấu trí nổi tiếng của phái đoàn ta trên mặt trận ngoại giao - đặc biệt vai trò của đồng chí Lê Đức Thọ - được bạn bè khắp thế giới biết đến như một điểm son của cuộc kháng chiến.

lDT16a

Đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí cán bộ chủ chốt của Ban Tổ chức Trung ương

... Ra tới Hà Nội, tôi được sắp xếp ở khu nhà 103 Quán Thánh. Mọi việc, từ khâu tổ chức và tham gia các Hội nghị quốc tế đến khâu tuyên truyền vận động, đối với tôi còn hết sức mới mẻ. Ngoài chương trình thăm các nước, tôi còn được giao tham gia Hội nghị liên hoan Thanh niên Dân chủ thế giới tổ chức tại Henxinki (Phần Lan). Đang lo lắng cho chuyến đi thì được thông báo chú Sáu Lê Đức Thọ tới thăm tôi. Chú mới từ Pari về. Tiếng tăm của chú Sáu từ các cuộc đối thoại với Kítxinhgiơ, tôi đã từng nghe và kính nể. Đó là lần đầu tiên tôi gặp chú Sáu; một cuộc gặp gỡ ngắn và thân thương như đứa con đi xa về gặp lại người cha. Chú hỏi thăm tình hình, căn dặn vài nét chính yếu của công tác ngoại giao: "Cuộc chiến đấu của nhân dân ta rất vĩ đại. Cháu đi lần này là một con người thật việc thật từ cuộc chiến đấu ấy. Qua cháu, bạn bè và nhân dân thế giới hiểu được thực chất cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam". Tôi nghe trong lời căn dặn đó như hơi thở hào hùng của dân tộc, một dân tộc nhỏ đang đứng ở mũi nhọn của dòng thác cách mạng vĩ đại của lương tri loài người đối diện với thách thức cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc...

Từ đó, mỗi lần đi công tác về, chú Sáu Thọ đều đến thăm tôi. Chú khen: "Cháu làm ngoại giao khá lắm, để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè năm châu". Năm 1971, tôi báo cáo xin chú cho về miền Nam tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. Chú nhìn tôi rất lâu và nói sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị, vì ý định của cấp trên muốn giữ một số anh hùng, dũng sĩ để cho đi học, xây dựng nguồn cán bộ lâu dài. Cuối cùng, tôi cũng được chấp thuận cho trở lại chiến trường và cùng đồng đội tiếp tục chặng chót của cuộc chiến đấu 30 năm.

Sau ngày miền Nam giải phóng, lúc tôi được cử làm Bí thư Huyện uỷ Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, địa bàn có đông đồng bào Công giáo di cư năm 1954, tôi lại được vinh dự tiếp chú Sáu Thọ về thăm và làm việc. Chú ở lại ba ngày, vừa nắm tình hình, vừa theo dõi sát sao công tác lãnh đạo của Huyện uỷ. Chú lắng nghe, xem xét từng việc, từng chủ trương, theo dõi phong cách điều hành từng cuộc họp giao ban, từng buổi sinh hoạt Thường vụ. Sau này, khi được đưa vào danh sách ứng cử và được Đại hội Đảng toàn quốc bầu vào cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, tôi mới biết chuyến đi đó của chú Sáu là chuyến đi thiết kế nhân sự trước Đại hội Đảng. Suốt nhiều nhiệm kỳ, chú Sáu tận tụy đến tận nơi xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi giới thiệu cán bộ vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Sức mạnh của Đảng trước hết là ở đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương, và tham mưu cho việc nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có phần trách nhiệm rất lớn của bộ máy đảm trách công tác tổ chức. công tác tổ chức là yếu tố quyết định, là khâu then chốt, cơ bản nhất bảo đảm cho mọi thắng lợi của công cuộc cách mạng dù ở bất kỳ thời kỳ nào.

Lênin đã từng nói: "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên"[1], mà công tác tổ chức thực chất là việc sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách hết sức cụ thể, tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực (đức, tài) của từng người vào những cương vị thích hợp.

Bởi có chủ trương, đường lối, chính sách đúng chưa đủ, mà cái quan trọng là ai là người chỉ đạo, triển khai thực hiện?

Thực tế cho thấy, không ít địa phương, ban, ngành nhiều khi chủ trương một đằng, thực hiện lại một nẻo.

Nhân dân tin và làm theo hay không là họ nhìn vào đạo đức, tác phong của từng cán bộ hằng ngày.

Điều ấy đã được Bác Hồ đúc kết: "Cán bộ nào, phong trào ấy".

Trong mọi thứ "nhầm" thì "nhầm" người không có gì cứu chữa nổi. Thực tế diễn biến ở Liên Xô những năm gần đây là một bài học đau xót cho chúng ta rút kinh nghiệm.

Muốn công tác tổ chức cán bộ được tốt, trước tiên đòi hỏi những người làm công tác tổ chức cán bộ phải thực sự là tấm gương cho mọi người soi vào, nghĩa là phải trung thực, trong sáng, công tâm, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, có một tư duy sắc sảo, tác phong sâu sát quần chúng và cơ sở.

Tôi càng hiểu vì sao chú Sáu Thọ lại tận tụy đến từng nơi xem xét, cân nhắc trước khi giới thiệu cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Phong cách làm việc của chú Sáu Thọ - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng để lại nhiều bài học cho công tác xây dựng Đảng; trong đó, khâu nhận xét cán bộ phải xuất phát từ phong trào cách mạng của quần chúng. Chính chú Sáu Thọ, chứ không phải chỉ dựa trên một hệ thống báo cáo nhiều khi mang tính hình thức mà đích thân chú đến tận nơi xem xét cụ thể từng việc và từng con người khi cần phải cân nhắc.

Với những kỷ niệm không quên về chú Sáu Thọ, tôi tâm niệm tiêu chuẩn đáng quan tâm nhất đối với cán bộ Đảng trong mọi thời kỳ là phải được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Đảng chỉ có thể phát triển và giữ vững ngọn cờ lãnh đạo với một đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững vàng mà mỗi người phải là một hạt nhân, một địa chỉ tin cậy gửi gắm của quần chúng nhân dân.



* Nguyên: - Uỷ viên Trung ương Đảng,

         - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai.

[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 162.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả