Có tuổi 20 không tiếc đời mình
"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Thanh Thảo). Hàng vạn Thanh niên xung phong đã lên đường với tinh thần như thế, bình thản nhận mọi nhiệm vụ, để rồi trong khoảnh khắc nhìn lại, có người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, có người trở về với cuộc sống đầy khó khăn, dù nhiều xót xa, vẫn tự hào về tuổi thanh xuân của mình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tượng trưng 200 ngôi nhà tình nghĩa
cho 200 cựu TNXP với số tiền 60 triệu đồng/căn nhà. (Ảnh: Trần Hải).
Chương trình “Tri ân và Chia sẻ” nhân Kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam ra đời đã diễn ra đầy xúc động.
“Đồng đội chúng tôi đã chọn lấy cái chết để nhường sự sống cho đồng đội”, cô Hà Thị Thục, nguyên là Đại đội trưởng C534 (Hà Tĩnh) nghẹn ngào khi nhớ lại những kỷ niệm một thời lửa đạn. Đó là kỷ niệm về đồng chí Võ Triều Chung, Bí thư Chi bộ Đại đội 7, là đồng đội của cô. Năm 1967 - 1968, Mỹ đánh phá ác liệt tại các cung đường khu 4. Cầu Tùng Cóc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - trọng điểm mà đại đội 7 phụ trách ngày đó mỗi ngày chịu 30 đến 40 trận bom. Đây là đoạn đường được coi là “cuống họng” trong cung đường vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam. Dù vậy, đường vẫn thông, chi viện kịp thời cho tiền tuyến.
Ngày 20-8-1968, như thường lệ Mỹ đánh phá ác liệt vào trọng điểm này, phá đoạn đường thành nhiều mảnh, đặc biệt có ba quả bom nổ chậm. Ngay lúc đó, đơn vị nhận được lệnh có đoàn công tác đặc biệt của T.Ư Đảng và Chính phủ vài giờ nữa sẽ qua đoạn đường này. Chi bộ họp khẩn cấp, bằng mọi giá phải thông đường, không có sự lựa chọn nào khác ngoài phá ba quả bom nổ chậm.
Nhiều đồng chí đã bật khóc khi nghe đồng chí Võ Triều Chung nói rằng: “Tôi nghĩ rồi, tôi hơn các đồng chí vì đã có gia đình, nếu không may có mệnh hệ gì thì tôi còn có người chống gậy, còn các em trẻ quá”.
Đồng chí Võ Triều Chung và đồng chí Bốn lên đường làm nhiệm vụ, những người còn lại căng thẳng chờ đợi. Hai quả bom được phá an toàn, nhưng có một quả bom đã nổ. Đoạn đường được thông, sau hai tiếng, đoàn xe của T.Ư Đảng và Chính phủ an toàn vượt qua cầu Tùng Cốc.
Ba ngày sau, đơn vị tìm được xác đồng chí Bốn. Bảy ngày ròng rã tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy đồng chí Võ Triều Chung, đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. “Những chiến công thầm lặng như thế, lúc còn trẻ, tôi không nghĩ gì sâu xa, nhưng càng có tuổi chúng tôi mới thấm thía hết ý nghĩa nhân văn đó”, cô Thục xúc động chia sẻ.
Ghi dấu sự hy sinh mất mát cùng những chiến công vang dội của lực lượng TNXP không chỉ có những địa danh đã thuộc về lịch sử như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ, phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết thắng, hang Tám Cô, trạm Chín Cô… mà còn nhiều, rất nhiều tên đất, tên người bị quên lãng, chưa được thế hệ hôm nay biết tới. Đó là sự hy sinh, mất mát không gì so sánh được của lực lượng Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Máu của họ đã thấm trên hầu khắp các chiến trường ác liệt nhất một thời.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng gặp mặt và thăm hỏi cựu TNXP. (Ảnh: Trần Hải).
Tri ân quá khứ
Nhiều người nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất mẹ. Hàng trăm cựu Thanh niên xung phong hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ. Hàng chục vạn người trở về sau chiến tranh mang trong mình thương tật và rất nhiều trong số họ sống trong cảnh khó khăn nghèo đói, cô đơn trong cảnh xế chiều.
Con số thật đáng giật mình: 150.000 cựu TNXP, chiếm một nửa toàn bộ số người từng tham gia lực lượng này hiện còn sống, chưa được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ nào; 10.000 người và con cái họ đang bị phơi nhiễm chất độc da cam, phải vật lộn sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất về tinh thần cũng như vật chất. Gần 6.000 phụ nữ từng là TNXP, dân công hỏa tuyến đang sống đơn thân hoặc lâm vào cảnh cô đơn, thiếu nơi nương tựa, không ít người trong số họ thuộc bộ phận nghèo nhất xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đó là một thực tế rất đau lòng, làm tổn thương truyền thống thương người như thể thương thân, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Bởi vì hơn ai hết, những cựu Thanh niên xung phong Việt Nam rất xứng đáng được nhận sự bù đắp vô điều kiện về cả vật chất lẫn tinh thần của xã hội. Họ xứng đáng có nhà để ở, xứng đáng được chăm sóc y tế, xứng đáng được xã hội chung tay nuôi dưỡng, giáo dục những đứa con tàn tật, bị nhiễm độc ngay từ khi còn chưa sinh ra của họ”.
Với tinh thần tri ân với các cựu TNXP đang chịu nhiều thiệt thòi bằng việc chia sẻ với họ một phần cuộc sống mà chúng ta đang có, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Quỹ Xã hội - từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Công đoàn GTVT Việt Nam đã nhận được sự đóng góp của các đơn vị trong và ngoài ngành với số tiền đã lên tới hơn 72 tỷ đồng. Ngay sau khi xem chương trình được tường thuật trực tiếp trên VTV2, có khán giả đã xúc động nhắn tin gọi điện tài trợ. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã tổ chức thăm hỏi tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các TNXP có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác. Trong chương trình này, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam đã trao tặng 2.000 sổ tiết kiệm, giá trị mỗi sổ 5 triệu đồng cho 2.000 gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời công bố trao 200 ngôi nhà tình nghĩa cho 200 cựu thanh niên xung phong, mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng.
Nhưng với những cựu TNXP có lẽ thời gian không còn nhiều. Nếu chậm trễ, nhiều người trong số họ không thể chờ đợi cho tới ngày tên mình được bổ sung vào danh sách những người có công. Bởi vậy, nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Từ Chương trình này, chúng ta cần làm dấy lên mạnh mẽ phong trào đền ơn đáp nghĩa, biến nó thành hành động thường ngày, thành nhu cầu đạo đức của mỗi người. Hôm nay, chúng ta tri ân quá khứ, chính là để chuẩn bị cho mai sau của chúng ta và con cháu một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
AN NGUYÊN
(Theo Nhân dân)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực