Coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 09/01/2019 - 09:01

Việc phải thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên do những sai phạm trong công tác cán bộ gần đây cho thấy, nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi bị buông lỏng, vi phạm. Không ít cấp ủy có biểu hiện dân chủ hình thức qua một số vụ việc bổ nhiệm người thân, “thăng tiến thần tốc”...

Có trường hợp, việc bổ nhiệm cán bộ tuy có thông qua tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, nhưng thực chất tập thể đó đã bị vô hiệu hóa, mất sức chiến đấu, quy trình khi đó chỉ là “bình phong” để “hợp thức hóa” quyết định của người được trao quyền về công tác cán bộ... Hiện trạng đó đặt ra những vấn đề cấp thiết về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng thời gian qua chưa tốt là do những quy định thực hiện nguyên tắc này còn chung chung, thiếu quy định cụ thể. Chính điều đó cũng dẫn đến sự tùy tiện, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình thực hiện. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc cụ thể hóa, thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ thành các quy chế, quy định, kèm theo các chế tài cần thiết, càng cụ thể càng tạo điều kiện, tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Các cấp ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, qua kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; đề ra biện pháp uốn nắn, khắc phục hạn chế. Song song với đó, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn. Có cơ chế, quy định, chế tài cụ thể về trách nhiệm của tập thể ban thường vụ cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong công tác cán bộ. Làm tốt khâu này sẽ khắc phục tình trạng khuyết điểm của tập thể, cá nhân thoái thác trách nhiệm khi xảy ra sai phạm; ngăn ngừa “chạy chức, chạy quyền”.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong giới thiệu, đánh giá, sử dụng cán bộ; có chế tài cụ thể xử lý kịp thời, nghiêm khắc trường hợp đánh giá, bố trí không đúng cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm cần được làm thường xuyên, khách quan, công tâm, hiệu quả làm cơ sở để đánh giá cán bộ công bằng. Và một giải pháp cần được tổng kết, đánh giá để nhân rộng, đó là thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua thí điểm ở một số ban, bộ, địa phương ghi nhận bước đầu, đó là cách tuyển chọn cán bộ khách quan, chất lượng và hiệu quả.

Đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm bảo đảm lựa chọn người đủ đức, tài; đẩy lùi hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, tạo môi trường bình đẳng để thu hút người tài bổ sung đội ngũ cán bộ các cấp, tạo động lực giúp họ cống hiến và phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận