Nói đến công tác tư tưởng, người ta thường nghĩ ngay đến đây là hoạt động mang tính cách mạng và mang tính chính trị rõ nét, bởi “công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính đảng nhằm hình thành và phát triển hệ tư tưởng, truyền bá hệ tư tưởng trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng hành động vì lợi ích của chủ thể hệ tư tưởng”. Để hoạt động đó thực sự có hiệu quả, cần phải chú ý tới tính khoa học của nó bởi làm công tác tư tưởng là đem đến cho quần chúng tri thức và tình cảm cách mạng. Tri thức cách mạng giúp quần chúng hiểu sự vật và hành động phù hợp với quy luật phát triển của sự vật. Tình cảm cách mạng là động lực thúc đẩy quần chúng, nhằm biến chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực.
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, học tập, hiểu sâu sắc hơn về công tác tư tưởng và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách chuyên khảo Công tác tư tưởng và vấn đề đào tạo cán bộ làm công tác tư tưởng của TS. Trần Thị Anh Đào.
Cuốn sách trình bày một cách hệ thống các vấn đề về công tác tư tưởng như các khái niệm về tư tưởng, công tác tư tưởng, tính khoa học và tính cách mạng trong công tác tư tưởng; phân tích sâu sắc nội dung và các phương thức hoạt động của công tác tư tưởng; nêu rõ một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Đồng thời, cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng thông qua thực tiễn đào tạo đội ngũ này ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mạnh dạn phê phán một số hạn chế trong công tác báo chí - xuất bản như khuynh hướng thương mại hoá, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chủ quản, chưa coi trọng việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về chính trị, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức,…