Cuộc đấu tranh trên trận địa dư luận quốc tế về việc đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược VN những năm 1961-1971

Ngày đăng: 10/08/2012 - 15:08


PGS. TS. Vũ Quang Hiển*
Ths. Trần Thị Ngọc Thúy
**

Không phải đến năm 2004, khi diễn ra vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin đối với 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ, dư luận quốc tế mới lên tiếng phản đối Mỹ dùng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mà ngay trong những năm 1961 - 1971, khi Mỹ trực tiếp rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, nhân dân thế giới, bằng nhiều hình thức khác nhau đã tỏ rõ thái độ lên án hành động của Mỹ.

Cách đây nửa thế kỷ, cả thế giới đã xúc động khi nghe tin đế quốc Mỹ dùng chất độc hoá học tàn sát nhân dân miền Nam Việt Nam. Làn sóng phản đối của dư luận thế giới dâng cao khắp các châu lục, từ các nước xã hội chủ nghĩa tới các nước dân tộc chủ nghĩa, từ những nước đang đấu tranh giành độc lập tới các nước tư bản chủ nghĩa, cũng như ngay tại nước Mỹ, từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và đoàn thể đến các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, thanh niên, sinh viên các nước..., hình thành một trận địa dư luận quốc tế rộng rãi, lên án mạnh mẽ hành động dã man của đế quốc Mỹ xâm lược.

1. Sử dụng chất độc hoá học - một hành động bất chấp đạo lý và công lý của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam

Cùng với việc trực tiếp đưa quân xâm lược Việt Nam, tăng cường khủng bố, đàn áp nhân dân miền Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, đế quốc Mỹ tiến hành rải chất độc hóa học, tàn phá rừng và các loại cây trồng, làm nhiều người bị nhiễm độc. Không phải chỉ thế hệ lúc bấy giờ mà nhiều thế hệ sau này vẫn tiếp tục phải gánh chịu những tác hại của chất độc mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.

Từ năm 1961 đến năm 1965, Mỹ sử dụng nhiều chất độc hoá học khác nhau, phá hoại 1.531.820 ha ruộng vườn, làm nhiễm độc 167.549 người, giết chết 589 người[1]. Những năm tiếp theo, Mỹ thường xuyên sử dụng loại máy bay C123 và C130 rải chất độc hóa học trên các vùng đất khác nhau từ khu phi quân sự đến mũi Cà Mau. ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), chỉ trong tháng 2-1968, Mỹ đã rải chất độc hóa học trên 50% diện tích toàn huyện. Trong sáu tháng kể từ khi Nixon bước vào Nhà Trắng, máy bay Mỹ rải chất độc hóa học trên 20 tỉnh ở miền Nam Việt Nam, làm hàng trăm người chết, hàng vạn người bị nhiễm độc và hàng vạn hécta hoa màu bị phá hủy[2].

Sang năm 1970, nhằm phục vụ cuộc càn quét, dồn dân, “bình định cấp tốc” và “bình định đặc biệt”, Mỹ tiếp tục dùng chất độc hóa học trên quy mô lớn ở Trung Trung Bộ. Theo số liệu chưa đầy đủ, trong tám tháng (từ ngày 1-1-1970 đến ngày 30-8-1970), chúng dùng hơn 300 lần chiếc máy bay vận tải và máy bay lên thẳng rải chất độc hóa học và hơi độc giết người vào 157 khu vực, phá hoại hơn 70 vạn ha ruộng rẫy và rừng cây, làm cho hàng chục ngàn người bị nhiễm độc, trong đó có 69 người chết, 1.570 người mắc bệnh hiểm nghèo vì bị nhiễm độc nặng[3]. Đặc biệt, trong những tháng 3, 4, 5 và 8-1970, Mỹ cho từng tốp máy bay vận tải C130 và C123 dàn hàng ngang phun từng luồng chất độc, kết hợp với máy bay phản lực liên tục bắn phá và thả bom trên nhiều vùng đất khắp miền Nam.

Cùng với việc sử dụng các loại chất độc hóa học, Mỹ và tay sai còn dùng các loại hơi độc như CS, CN, DM…, bom hơi độc, thùng hơi độc, đạn đại bác hơi độc gây không khí ngột ngạt hàng tuần, đầu độc các giếng nước, thức ăn, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh mạng con người ở những khu vực dân cư rộng lớn, điển hình là ở Kỳ Phước, Kỳ An, Bình Dương, Sơn Khánh, Sơn Thạch,… (tỉnh Quảng Nam), Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, Đức Lan… (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Tài, Gia Đức, Tà Xôn… (tỉnh Bình Định)… Trong những năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam gần 100 triệu lít chất độc hóa học với hàm lượng khoảng 366 kg dioxin, trong đó chất da cam được sử dụng với khối lượng lớn nhất, khoảng 45.677.937 lít. Có tới 3.181 thôn làng Việt Nam trực tiếp bị rải chất độc hóa học[4]. Dioxin là chất độc hại nhất mà khoa học biết đến. Các nhà khoa học đã chứng minh chỉ cần 80 g dioxin đem hòa vào hệ thống cấp nước đủ giết chết toàn bộ dân một thành phố lớn 7 - 8 triệu người. ở Việt Nam, có khoảng từ 2,1 đến 4,8 triệu người bị nhiễm các chất diệt cỏ, nhất là dioxin. Các nạn nhân phần lớn là dân thường và quân nhân Việt Nam, ngoài ra còn có một số công dân và lính Hoa Kỳ, cùng quân đội đồng minh của họ đến từ Ôxtrâylia, Canađa, Niu Dilân, Hàn Quốc…

Liệu rằng có phải tới nay người ta mới biết được tác hại của chất độc da cam đối với con người và môi trường? Các công ty hóa chất Hoa Kỳ có biết được tác hại của chất dioxin mà họ sản xuất để cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ không? Câu trả lời là: Có. “Các chất diệt cỏ phenoxy như da cam, đỏ tía, trắng, hồng, xanh đều là những chất có tác dụng điều chỉnh khả năng sinh trưởng. Chúng có khả năng tiêu diệt cây cỏ bằng cách gây ra một số rối loạn chức năng của quá trình sinh trưởng sinh học. Ngay từ những năm 40, 50 của thế kỷ XX, các thí nghiệm của các công ty Monsanto, Diamond, Dow và những tai nạn xảy ra tại các nhà máy sản xuất chất diệt cỏ và da cam của những công ty hóa chất
Hoa Kỳ đều chứng tỏ đó là những chất độc hại ghê gớm đối với con người. Trong những năm 60, vấn đề dioxin đã được các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới khẳng định về tính độc hại cho môi trường và sức khỏe con người”[5]. Trong thực nghiệm và trên thực tiễn ở Việt Nam đã chứng minh dioxin có tác dụng gây ra quái thai, đột biến gen, gây độc hại với các tế bào, đặc biệt là tế bào não, thận, gan, tim, gây ngộ độc phổi, ung thư, gây rối loạn nhiều quá trình trao đổi chất khác nhau trong tế bào và tác động gián tiếp trên bộ máy di truyền tế bào. Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những triệu chứng liên quan tới dioxin vẫn xuất hiện thường xuyên ở Việt Nam.

Dùng chất độc hóa học trong chiến tranh, bất kể là ở tiền tuyến hay hậu phương cũng là một tội ác. Các công ước quốc tế Vécxây hay Giơnevơ đều cấm dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Năm 1943, Tổng thống Mỹ Rudơven từng trịnh trọng tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là người đầu tiên dùng hơi độc”. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khi dùng chất độc hóa học, không phải không lo sợ dư luận trong nước và quốc tế lên án. Vì thế, họ cố tình che giấu việc làm vô nhân đạo bằng những giải thích dối trá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, họ đều thừa nhận đã dùng chất độc hóa học “làm rụng lá cây và phá hoại mùa màng” ở miền Nam. Trong một bài trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm coi đó là “một phương tiện chiến tranh hiệu nghiệm”.

Ngày 21-3-1965, Bộ Ngoại giao Mỹ nói liều rằng, hành động dùng hơi độc làm phương tiện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là “không trái với luật lệ thông thường và pháp luật quốc tế” vì Thượng nghị viện Mỹ chưa thông qua Công ước Giơnevơ năm 1925 cấm việc dùng hơi độc, hơi ngạt, vũ khí vi trùng và hóa học trong chiến tranh.

Ngày 22-3-1965, Chính phủ Mỹ công khai tuyên bố dùng hơi độc trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam và thừa nhận đã cung cấp các loại hơi độc để phi công Mỹ thả xuống các làng mạc đông dân cư ở miền Nam Việt Nam. Hãng Thông tấn Mỹ AP tiết lộ rằng, Mỹ đang thí nghiệm nhiều loại hơi độc mới ở miền Nam Việt Nam. Cùng ngày, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Maxwell Taylor trắng trợn tuyên bố: không có một giới hạn nào trong việc mở rộng chiến tranh.

Ngày 23-3-1965, Mc Namara nói toạc ra rằng, từ giữa năm 1962, Mỹ đã cung cấp cho chính quyền Sài Gòn các chất độc và hơi độc sử dụng trên chiến trường miền Nam.

Ngày 25-3-1965, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ trâng tráo nói rằng, việc Mỹ dùng hơi độc “còn nhân đạo hơn việc dùng đại bác”[6].

Sự thật là quân đội Mỹ đã cố tình dùng chiến tranh hóa học giết hại con người và phá huỷ môi trường sống ở Việt Nam, cũng như đã gây thảm họa chiến tranh vi trùng ở Triều Tiên năm 1952. Các hãng thông tin phương Tây khẳng định việc Mỹ tiến hành “các kế hoạch phun thuốc hóa học để phá quang một số đường chiến lược”, đuổi dân, mở rộng các căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… và phá hoại mùa màng ở một số vùng căn cứ kháng chiến cũ. Tạp chí Mỹ Tin trong tuần cũng nói việc thả chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam “đã diệt mọi thứ hoa màu”. Dã man hơn, Mỹ đã không ngần ngại dùng chất độc hóa học để đàn áp cả những cuộc biểu tình tay không của đồng bào miền Nam[7].

Rõ ràng là Chính phủ Mỹ đã vi phạm thô bạo các công ước quốc tế, gây những tội ác không thể tha thứ. Việc Mỹ đi sâu vào con đường dùng chất độc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam bộc lộ rõ hơn chính sách thực dân cực kỳ hiếu chiến và tàn bạo.

2. Một tội ác của đế quốc Mỹ - sự tố cáo mạnh mẽ từ phía Việt Nam trước dư luận quốc tế

Tố cáo việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học ở miền Nam là một nội dung đấu tranh trên trận địa dư luận quốc tế của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 23-2-1962, ủy ban Trung ương chống vụ thảm sát Phú Lợi và chống khủng bố tàn sát đồng bào miền Nam họp Hội nghị mở rộng và ra tuyên bố, tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời yêu cầu hai vị đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam hãy đặc biệt quan tâm và có biện pháp kiên quyết đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt hành động can thiệp vào miền Nam Việt Nam và đình chỉ ngay việc dùng chất độc hóa học để đàn áp nhân dân yêu nước ở miền Nam. Tại Hội nghị, giáo sư hóa học Nguyễn Hoán cực lực tố cáo quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam; kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới, các nhà khoa học Mỹ có lương tâm hãy quyết liệt tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tìm mọi biện pháp ngăn chặn bàn tay hiếu chiến và đẫm máu của họ[8].

Cuối năm 1962, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về việc đế quốc Mỹ và tay sai dùng bom đạn và thuốc độc hoá học sát hại nhân dân và phụ nữ miền Nam Việt Nam. Bản Tuyên bố nêu lên những tội ác đẫm máu của đế quốc Mỹ đối với nhân dân và phụ nữ miền Nam trong 8 năm (1954 - 1962) và vạch rõ: “Hành động tội ác trên đây của đế quốc Mỹ chà đạp một cách thô bạo các công ước quốc tế Giơnevơ và bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc, đồng thời là một thách thức và một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoà bình thế giới.

Chúng tôi kịch liệt tố cáo trước dư luận tiến bộ thế giới những hành vi khát máu, dã man của Mỹ - Diệm, lấy xương máu của những người mẹ, người chị, của con em chúng tôi để làm trò khoe khoang, khoác lác cho những thành tích giết người của chúng. Ngày nào quân đội Mỹ còn xâm lược miền Nam thì ngày ấy máu vẫn còn chảy, đau thương tang tóc còn đe dọa đời sống của người dân miền Nam cũng như phụ nữ miền Nam.

Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế và chị em phụ nữ toàn thế giới hãy lớn tiếng tố cáo trước dư luận thế giới về những tội ác mà bọn xâm lược Mỹ đã gây ra hàng ngày ở miền Nam.

Chúng tôi đặc biệt kêu gọi chị em phụ nữ Mỹ hãy vì hoà bình, hạnh phúc của gia đình, của con em chúng ta mà đòi Chính phủ Kennedy phải ngừng ngay cuộc can thiệp vũ trang vào miền Nam Việt Nam, phải giải tán Bộ Tư lệnh Háckin ở miền Nam và rút hết quân đội và vũ khí Mỹ về nước, để công việc nội bộ của miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy.

… Hãy chặn bàn tay sát nhân lại để cho nhân dân miền Nam Việt Nam được sống một đời sống hoà bình và hạnh phúc như các dân tộc khác trên thế giới, để cho phụ nữ miền Nam Việt Nam chúng tôi thoát khỏi cảnh máu chảy đầu rơi, gia đình ly tán vì bom đạn và thuốc độc Mỹ”[9].

Ngày 15-2-1963, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và ngày 25-2-1963, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra tuyên bố kịch liệt tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới việc Mỹ rải chất độc hóa học, phá hoại mùa màng, giết hại nhân dân nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, yêu cầu Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam và hai vị đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954, kịp thời có những biện pháp thích đáng, buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm không được dùng chất độc hóa học giết người hàng loạt.

Ngày 22-2-1963, Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm gửi công hàm cho hai vị chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954, phân tích việc Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam là một hành động cực kỳ vô nhân đạo. Cái mà phát xít Hítle trước đây đã dùng để giết hại hàng triệu người, cái mà toàn thể nhân loại tiến bộ và luật pháp quốc tế đã ngăn cấm từ mấy chục năm, đang được đế quốc Mỹ điên cuồng áp dụng ở miền Nam Việt Nam. Chính phủ Mỹ bất chấp cả những điều mà chính họ đã cam kết cùng nhiều nước trong Hiệp ước ngày 6-2-1922 và Nghị định thư ngày 17-6-1925 về việc cấm dùng trong chiến tranh các thứ hơi ngạt, hơi độc hay tương tự, các thủ đoạn chiến tranh bằng vi trùng. Họ đã vi phạm thô bạo tinh thần và nguyên tắc của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kịch liệt tố cáo trước dư luận toàn thế giới việc đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, yêu cầu hai vị chủ tịch Hội nghị nghiêm khắc lên án những tội ác dã man của đế quốc Mỹ và can thiệp với Chính phủ Mỹ đòi phải đình chỉ ngay việc dùng chất độc hóa học đối với nhân dân miền Nam[10].

Ngày 23-2-1963, ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam ra Tuyên bố tố cáo trước dư luận tiến bộ trong nước và trên thế giới hành động cực kỳ vô nhân đạo của Mỹ liên tiếp rải chất độc hóa học phá hoại mùa màng và tàn sát nhân dân miền Nam. Bản Tuyên bố kêu gọi Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Hội Liên hiệp Sinh viên thế giới, tất cả nam nữ thanh niên và những người có lương tri trên thế giới, vì nhân đạo, vì hòa bình, vì công lý hãy kịp thời lên án những âm mưu giết người hàng loạt bằng chất độc hóa học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, hãy có những biện pháp cụ thể ngăn chặn bàn tay đẫm máu của đế quốc Mỹ đang tiến hành chiến tranh không tuyên bố ở miền Nam Việt Nam, hãy triệt để ủng hộ nhân dân và thanh niên miền Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc để giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ[11].

Ngày 12-4-1963, Hội đồng Thập tự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi thư ngỏ cho 157 triệu hội viên của 90 Hội đồng Thập tự, Hội Lưỡi liềm đỏ, Hội Sư tử và Mặt trời đỏ trên thế giới, kịch liệt tố cáo tội ác của Mỹ đối với nhân dân miền Nam Việt Nam, và kêu gọi các hội viên Hội đồng Thập tự thế giới hãy lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Sáng ngày 22-5-1963, Ban đấu tranh chống Mỹ - Diệm khủng bố những trí thức miền Nam Việt Nam họp báo giới thiệu cuốn sách Tội ác chiến tranh mới ở Việt Nam với những hình ảnh và tài liệu cụ thể, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, tố cáo trước dư luận thế giới việc Mỹ dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 26-3-1965, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố cực lực tố cáo trước dư luận toàn thế giới tội ác của đế quốc Mỹ; kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước hãy kịp thời ngăn chặn những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo, nghiêm khắc lên án hành động vô nhân đạo của Mỹ. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi Chính phủ Mỹ phải lập tức đình chỉ việc dùng chiến tranh hơi độc ở miền Nam Việt Nam và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do họ gây ra[12].

Ngày 6-4-1966, Chủ tịch Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra tuyên bố, tố cáo và lên án đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học và hơi độc trên quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam; kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các chính phủ, các tổ chức dân chủ, các đoàn thể, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, luật gia, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà tu hành cùng toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới và nhân dân Mỹ hãy hành động kiên quyết hơn nữa để chặn đứng bàn tay sát nhân của đế quốc Mỹ và tay sai; kiên quyết đòi Mỹ phải đình chỉ ngay chiến tranh hủy diệt ở miền Nam Việt Nam, đình chỉ ngay việc dùng chất độc hóa học và hơi độc làm phương tiện chiến tranh giết người hàng loạt.

Tháng 11-1966, Uỷ ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam công bố một tài liệu quan trọng Những tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Đây là một bản cáo trạng đanh thép trước toàn thế giới về những tội ác đẫm máu của đế quốc Mỹ đối với nhân dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam, trong đó có việc rải chất độc hóa học.

Ngày 21-7-1969, nhân dịp 15 năm ngày Hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, Uỷ ban tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam ra Thông báo đặc biệt, lên án mạnh mẽ việc sử dụng chất độc hoá học của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Ngày 12-12-1970, tại Hội nghị quốc tế các nhà khoa học nghiên cứu cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở miền Nam Việt Nam họp tại Trường Đại học khoa học Oócxây (Pari), các giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Tôn Thất Tùng và luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Uỷ ban Điều tra của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đọc báo cáo, đưa ra những bằng chứng cụ thể về tội ác cực kỳ ghê tởm của đế quốc Mỹ trong việc sử dụng với quy mô chưa từng có những chất độc hóa học và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam, hủy hoại nguồn sống và sức khỏe của con người, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ, gây hại trước mắt và để lại những hậu quả lâu dài sau này.

Những tố cáo đanh thép với đầy đủ căn cứ của Chính phủ và các tổ chức xã hội của Việt Nam, cùng với lương tri loài người tiến bộ luôn thức tỉnh, vì đạo lý và công lý, làm dấy lên một làn sóng dư luận rộng lớn, liên tục lên án và đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt hành động vô nhân đạo trong việc sử dụng chất độc hoá học, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

3. Những cáo buộc đanh thép của giới báo chí

Với sự nhạy cảm và bản lĩnh của nhà báo, giới báo chí quốc tế kịp thời lên tiếng vạch rõ, về mặt tàn bạo, đế quốc Mỹ đã vượt cả bọn phát xít Hítle. Nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý không dung thứ những hành động tàn bạo của quân xâm lược Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam, và ngày càng kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Báo chí khắp thế giới, kể cả báo Mỹ và phương Tây, từ cực tả đến cực hữu, đều lên án việc Mỹ dùng hơi độc là trái với các công ước Giơnevơ và La Hay, là “hành động phát xít cực kỳ vô nhân đạo nhằm tàn sát cả phụ nữ và trẻ em”, “là hành động ngu muội đến điên cuồng”, “hành động tự đào huyệt chôn mình của bọn xâm lược trong bước đường cùng”. Đế quốc Mỹ ngày càng bị cô lập và trở thành “tên tội phạm chiến tranh nhơ bẩn” đứng trước những lời buộc tội đanh thép của tòa án công lý thế giới[13].

Báo Ngọn cờ nông dân (Bungari), số ra ngày 7-2-1962, nhấn mạnh: “Điều ghê tởm nhất là người ta đã chế tạo những thứ chất độc ấy trong những viện thí nghiệm đặc biệt, và trong những bộ tham mưu chuyên trách về chiến tranh hóa học và chiến tranh vi trùng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Những thứ chất độc ấy lại được các chuyên gia và huấn luyện viên Mỹ trực tiếp dùng ở miền Nam Việt Nam… Đây là một sự khiêu khích đối với lương tri của cả loài người. Người ta đang phỉ nhổ một cách rất có lý bọn “văn minh dã man” ở Sài Gòn và ở Bộ Quốc phòng Mỹ…”.

Báo Mặt trận Tổ quốc Bungari, số ra ngày 11-2-1962 bình luận về việc đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học để phá hoại cây cối, mùa màng ở miền Nam Việt Nam: “Trong hành động bừa bãi tội lỗi này của chúng, quân đội Mỹ đã quên rằng việc dùng vũ khí hóa học là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với luân lý và công pháp quốc tế. Những bản Tuyên bố La Hay năm 1899 và bản Hiệp định Giơnevơ năm 1925 có mang cả chữ ký của Mỹ đã dứt khoát nghiêm cấm điều đó. Tất cả những người trung thực trên thế giới này không thể không căm phẫn nhận thấy từ đầu năm 1962, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chà đạp lên các quy định của công pháp quốc tế”[14].

Báo Cộng hòa mới (Mỹ), số ra ngày 23-3-1963 viết: “Mỹ đang dùng một số loại chất độc hóa học rất độc, điều này đã được những dòng chữ ghi trên giấy gói chứng minh. Mục đích của việc rải những chất này là để phát hiện du kích và phá hủy mùa màng của họ. Việc đó sẽ giáng một đòn vào những nông dân bất hạnh, những đàn ông, đàn bà và trẻ con…”.
Đó là việc làm độc ác, trái với công pháp quốc tế, trái với nguyên tắc nhân đạo.

Ngày 13-1-1963, báo Thế kỷ, xuất bản ở Xăngtiagô, Thủ đô Sili (Nam Mỹ), đã dành gần hai trang tố cáo đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh ở Việt Nam, vạch rõ đế quốc Mỹ đang “tiến hành một cuộc chiến tranh hèn nhát và bẩn thỉu nhất từ trước tới nay trong lịch sử loài người”. Bài báo nhấn mạnh: “Cách đây gần 30 năm toàn thế giới đã đứng lên tố cáo những tội ác đẫm máu của bọn phát xít Hítle - Mútxôlini. Ngày nay chúng ta cũng phải có thái độ như thế đối với chủ nghĩa phát xít Bắc Mỹ ở châu á về mặt tàn bạo đã vượt xa những tội ác của bọn phát xít trước đây…”[15].

Báo Phép lịch sự (Campuchia), số ra ngày 20-2-1963 và báo Tiền phong (Miến Điện), số ra ngày 1-3-1963 nghiêm khắc lên án Mỹ rải chất độc hóa học xuống hai tỉnh Bến Tre và Mỹ Tho. Các tờ báo đều nhấn mạnh, vì hoảng sợ hóa điên, nên chẳng những đế quốc Mỹ thả chất độc hóa học để phá lúa má, hoa màu, mà còn thả xuống các làng mạc. Hành động vô nhân đạo đó làm cho tất cả mọi người có lương tri đều phải căm phẫn và lên án.

Liên tiếp trong ba tháng 2, 3 và 4-1963, tạp chí Cách mạng châu Phi đăng nhiều bài vạch rõ hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam, đồng thời giới thiệu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ và tay sai. Tờ báo viết: “Hiện nay cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh tiêu diệt chủng tộc. Các lực lượng đàn áp của Mỹ - Diệm đã dùng nhiều chất độc hóa học với quy mô đáng lo ngại. Hành động khủng bố của Mỹ - Diệm ngày càng mang tính chất tàn khốc…”[16].

Tờ báo Mỹ Người bảo vệ quốc gia, số ra ngày 18-3-1963 đăng bài của Cuma Gôsan về việc Mỹ dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Bài báo viết: “Ngày 9-3 vừa rồi, Hà Nội, Bắc Kinh và Mátxcơva đã buộc tội Mỹ dùng chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam… Bộ Quốc phòng Mỹ đã cải chính những lời buộc tội đó…, nhưng thừa nhận rằng phi công Mỹ đã từ các máy bay trang bị đặc biệt C123 của không quân Mỹ rải những chất hóa học diệt cỏ để làm trụi lá cây trong rừng, hy vọng rằng làm cho các chiến sĩ du kích mất chỗ ẩn nấp”[17].

Báo Cờ đỏ, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, số ra ngày 25-3-1965, đăng xã luận vạch rõ: việc đế quốc Mỹ dùng hơi độc ở miền Nam Việt Nam đã phơi bày bản chất xâm lược của chúng.

Tạp chí Cuba xã hội chủ nghĩa, cơ quan lý luận của Đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa thống nhất Cuba, số tháng
4-1963 phân tích: “Việc dư luận thế giới phản đối việc dùng chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam không chỉ là một sự ủng hộ nồng nhiệt và kiên quyết đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh dũng của nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng, mà còn là những hành động chống lại âm mưu đầy tội ác đối với các dân tộc ở Mỹ Latinh, châu á và châu Phi. Cho nên, cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, đòi phải chấm dứt ngay việc dùng chất độc hóa học chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam anh em”[18].

Báo Mỹ Công nhânNgười bảo vệ quốc gia, số ra ngày 19-5-1964 và ngày 23-5-1964 vạch rõ, chính những chất độc hóa học do máy bay Mỹ rải xuống “đã tiêu diệt cây cối trong những vùng sản xuất lương thực ở Nam Việt Nam”. Bài báo nhấn mạnh: “Chưa lúc nào nhân dân ta (nhân dân Mỹ - TG) thấy cần phải lên tiếng phản đối một cách cấp bách như ngày nay. Chỉ có dư luận quần chúng Mỹ mới có thể ngăn chặn một sự can thiệp sâu hơn của Mỹ vào cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Chúng tôi yêu cầu tất cả các bạn đọc hãy viết thư, gửi điện tới Tổng thống Giônxơn và các nghị sĩ Quốc hội đòi phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam…”[19].

Nhiều báo xuất bản ở Anh ngày 23-3-1965 đăng tin và xã luận kịch liệt lên án Mỹ dùng hơi độc hóa học ở Nam Việt Nam. Tờ Thời báo Luân Đôn cho rằng, “chỉ mỗi tiếng “hơi độc” cũng đã khiến cho người ta kinh tởm và phẫn nộ, và dư luận thế giới sẽ không chờ nghe những lời biện bạch của Mỹ nói rằng thứ hơi đó không làm chết người”[20].

Báo Tin nhanh Campuchia ngày 24-3-1965 đăng bình luận vạch rõ việc đế quốc Mỹ dùng chất độc là “vi phạm nghiêm trọng các hiệp nghị quốc tế và là một sự tổn thương tới lòng nhân đạo của tất cả mọi người”. “Ngoài bọn phát xít Hítle ra, không ai còn phạm phải những hành động tội ác như thế. Gây ra tội ác này, những người cầm đầu nước Mỹ phải chịu sự xét xử của một tòa án quốc tế và phải chịu tội một cách đích đáng. Tất cả các dân tộc lên án tội ác mới này đối với loài người”[21].

Báo Tiếng nói Êtiôpi, ngày 24-3-1965 đăng xã luận vạch rõ: việc đế quốc Mỹ dùng hơi độc ở Việt Nam làm cho tình hình nguy hiểm thêm. Biện pháp dã man đó của Mỹ là “một điều hết sức xấu xa đối với thời đại văn minh của chúng ta”.

Ngày 25-3-1965, báo Anbilát (Irắc) viết: “Việc đế quốc Mỹ dùng hơi độc ở Nam Việt Nam là một tội ác đối với toàn thể loài người… Những kẻ hành động như thế phải bị trừng trị đích đáng…”.

Báo chí quốc tế đã làm trỗi dậy một làn sóng dư luận ngày càng rộng lớn, phản đối đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời góp phần hình thành một trận địa dư luận thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

4. Sự lên án mạnh mẽ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế

Ngày 8-3-1963, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới gửi điện cho Chính phủ Mỹ, chính quyền Sài Gòn và Uỷ ban Quốc tế ở Việt Nam, phản đối việc rải chất độc hóa học giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam. Bức điện nhấn mạnh: “Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, thay mặt cho 101 triệu đoàn viên, cực lực lên án tội ác rải chất độc hóa học của đế quốc Mỹ, đòi Mỹ - Diệm phải lập tức chấm dứt những hành động tội ác đó, phải ngừng ngay cuộc chiến tranh đẫm máu chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam…”[22].

Tháng 3-1963, Ban Thường trực Uỷ ban Quốc tế đoàn kết với thanh niên và nhân dân miền Nam Việt Nam của Hội Liên hiệp Thanh niên dân chủ thế giới kêu gọi tổ chức thanh niên ở các nước hãy ra sức đoàn kết, ủng hộ thanh niên và nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi viết: “ở miền Nam Việt Nam, hàng vạn người bị tàn sát, hàng vạn nhà bị đốt cháy, và hàng vạn mẫu ruộng bị chất độc hóa học do bọn đế quốc xâm lược rải tàn phá. Chính đế quốc Mỹ - kẻ thù của hòa bình và giải phóng dân tộc - đã đem lại những nỗi đau khổ ấy cho nhân dân miền Nam Việt Nam”[23]. Hội Liên hiệp Sinh viên thế giới ra tuyên bố phản đối đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải lập tức ngừng ngay những hành động tội ác, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và kêu gọi sinh viên toàn thế giới hãy ra sức ủng hộ nhân dân và sinh viên Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Bản tuyên bố viết: “Đây không những là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, mà còn là một sự vi phạm nghiêm trọng nền văn minh và phẩm giá của loài người”3.

Ngày 24-3-1965, Lôta Bôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã kịch liệt lên án đế quốc Mỹ dùng hơi độc hóa học để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cùng cảnh cáo đế quốc Mỹ rằng: với những hành động tội ác của các người, các người đã tự đào huyệt chôn các người, các người khó mà thoát được”[24].

Ngày 24-3-1963, Bộ Ngoại giao Liên Xô trao cho Đại sứ Anh ở Mátxcơva một bức công hàm nói rõ sự quan tâm của Chính phủ Liên Xô đến việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học ở Việt Nam. Chính phủ Liên Xô kêu gọi Chính phủ Anh cùng Liên Xô là hai chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương có biện pháp xúc tiến điều tra vấn đề này.

Ngày 26-3-1965, Chính phủ Liên Xô gửi Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva một bức công hàm “phản đối việc Chính phủ Mỹ dùng hơi độc chống lại nhân dân miền Nam”, nhấn mạnh: trong chính sách và hoạt động quốc tế của mình, không một nước nào có thể tự cho phép tiến hành bất cứ một việc gì đã bị tất cả các nước khác ngăn cấm. Nếu nguyên tắc đó không được tôn trọng thì rõ ràng là nhiều điều nguy hiểm sẽ xảy ra trên thế giới… Chính phủ Mỹ tất phải hiểu rằng việc dùng hơi ngạt, hơi độc và nhiều thứ khác nữa đã bị nhân dân thế giới ngăn cấm và lên án từ lâu, và việc này đã được công pháp quốc tế quy định và toàn thế giới biết rõ. Chính phủ Mỹ cần phải nhận rõ hết trách nhiệm của mình trước việc gây ra tội ác đối với nhân dân Việt Nam và những hậu quả do việc này gây nên[25].

Ngày 27-3-1965, tại cuộc mít tinh của hàng vạn người ở Xan Giôvani, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italia Lônggô đọc diễn văn kịch liệt lên án Mỹ dùng hơi độc ở Nam Việt Nam.

Trong cuộc mít tinh ngày 30-3-1963 của đảng viên Đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa thống nhất và nhân dân tỉnh Matandát, Thủ tướng Phiđen Caxtơrô kịch liệt lên án đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, khẳng định cuộc đấu tranh tất thắng của nhân dân Việt Nam. Thủ tướng nói: “Nhưng tất cả những chiến thuật ấy đều tỏ ra vô ích, tất cả những chiến thuật ấy đều thất bại, bởi vì những người cách mạng luôn luôn ở thế tiến công trong cuộc đấu tranh cách mạng, bởi vì những người cách mạng không chịu ngồi chờ cho đất nước bị xâm lược từ bên ngoài, bởi vì họ biết rằng họ, và chỉ có họ mà thôi, là kẻ có thể chiến thắng”[26].

Trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc từ ngày 27 đến ngày 30-9-1965, Bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Khắc V. Đavít, Bộ trưởng Ngoại giao Anbani Bêha Xtinla và Bộ trưởng Ngoại giao Mali Uxman Ba cực lực tố cáo và phản đối việc Mỹ vi phạm có hệ thống Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, dùng bom napan và chất độc để giết hại nhân dân Nam Việt Nam.

Các tổ chức hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới cũng có nhiều hoạt động trong việc lên án Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam như: Hội đồng Hòa bình thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Tổ chức Đoàn kết nhân dân á - Phi, Liên đoàn Thanh niên dân chủ quốc tế, Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Hội Luật gia dân chủ quốc tế…

Ngày 14-1-1963, Liên hiệp Công đoàn thế giới ra Lời kêu gọi gửi nhân dân lao động và tất cả các tổ chức công đoàn thế giới cùng sát cánh với nhân dân miền Nam Việt Nam đấu tranh chặn đứng bàn tay man rợ của đế quốc Mỹ đang dùng chất độc hóa học làm một phương tiện chiến tranh ở Việt Nam. Lời kêu gọi nêu rõ: “Nhân danh 120 triệu đoàn viên và những người lao động trên toàn thế giới công phẫn lên án đế quốc Mỹ đang dùng trên quy mô lớn các chất độc hóa học trong cuộc xâm lược vũ trang đầy tội ác của chúng ở miền Nam Việt Nam. Liên hiệp Công đoàn thế giới yêu cầu tất cả các tổ chức công đoàn và tất cả những người lao động yêu chuộng công lý và hòa bình dùng mọi biện pháp để chặn đứng tội ác này đối với nhân loại và củng cố hơn nữa sự đoàn kết gắn bó với cuộc đấu tranh chính nghĩa của những người lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam chống bè lũ Mỹ - Diệm”[27].

Đại hội Đoàn kết nhân dân á - Phi lần thứ III họp ở Moshi (Tanzania) ngày 13-2-1963 ra nghị quyết ủng hộ nhân dân miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi họ phải chấm dứt ngay việc dùng chất độc hóa học đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.

Ngày 30-3-1963, Hội đồng Đoàn kết nhân dân á - Phi họp ở Lơ Ke (Ai Cập) cũng ra tuyên bố lên án đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Bản tuyên bố nhấn mạnh đó là một hành động dã man, vô nhân đạo, chỉ có bọn phát xít Hítle mới dám dùng đến. Hành động đó đã bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm, nó đi ngược lại tinh thần Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương.

Hội đồng Đoàn kết nhân dân á - Phi yêu cầu Uỷ ban Quốc tế ở Việt Nam phải mở ngay một cuộc điều tra để buộc đế quốc Mỹ chấm dứt những hành động dã man của chúng, bồi thường thiệt hại cho nhân dân[28].

Ngày 26-3-1965, Ban Thư ký Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bản tuyên bố của bà Ơgiêni Cốttông, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, lên án đế quốc Mỹ. Bức thư vạch rõ: “Việc dùng bom napan và hơi độc chứng tỏ sự dã man, ghê tởm, và cuối cùng, ý muốn của Chính phủ Mỹ tiếp tục cuộc “vượt tường” là một nguy cơ cho hòa bình thế giới. Đoàn kết với phụ nữ Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam, phẫn nộ trước những tội ác tinh vi mà phụ nữ và nhân dân Việt Nam là nạn nhân, lo ngại trước sự đe dọa chiến tranh đang đè nặng lên loài người, phụ nữ toàn thế giới đoàn kết với tất cả các lực lượng hòa bình đòi chấm dứt ngay các cuộc ném bom và tất cả những hành động xâm lược của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[29].

Cùng ngày, Uỷ ban Liên lạc hòa bình châu á và Thái Bình Dương ra tuyên bố kịch liệt tố cáo đế quốc Mỹ dùng hơi độc làm phương tiện xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới hãy lên tiếng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

ở châu Phi, 11 tổ chức trong đó có Liên minh Dân tộc châu Phi của Kênia, Đảng Đại hội Baxetôlen, Tổ chức nhân dân và Liên minh dân tộc của Tây Nam Phi, Đảng tiến bộ Xuaxilen, các đảng yêu nước ở Dandiba, Bắc Rôđêri và Nam Rôđêri, Môdămbích, Nam Phi… đã ra tuyên bố kịch liệt lên án Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam và đòi Mỹ chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Việt Nam[30].

Ngày 16-11-1966, sau ba ngày làm việc tại Luân Đôn (Anh), Hội nghị trù bị Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ chính thức thành lập Tòa án quốc tế, thông qua bản tuyên bố về mục đích và chương trình hành động, cử người vào Uỷ ban Điều tra và thành lập các tiểu ban nghiên cứu văn kiện, nhân chứng và vật chứng để tiến tới phiên tòa quốc tế xét xử tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Bản tuyên bố nhấn mạnh: lương tâm của loài người hết sức xúc động trước cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ đang tiến hành chống nhân dân Việt Nam. Đồng thời, xúc động trước đau khổ của nhân dân Việt Nam, và tin tưởng rằng loài người phải được biết rõ sự thật và có một sự phê phán nghiêm túc và vô tư về những việc đang diễn ra ở Việt Nam và v?

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả