Dư luận quốc tế về hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày đăng: 12/05/2014 - 09:05

Các lãnh đạo cấp cao cũng như các học giả uy tín trên thế giới đều lên tiếng bày tỏ ủng hộ Việt Nam và chỉ trích mạnh mẽ hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông những ngày vừa qua.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng.

Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam

Ngày 8-5-2014, trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương Đa-ni-en Rút-xen (Daniel Russel) đang thăm làm việc tại Việt Nam nhắc lại bài phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan tới giàn khoan HD-981 của Trung Quốc; nhấn mạnh mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền nhưng Mỹ phản đối các hành động làm thay đổi nguyên trạng, ảnh hưởng tới tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như các hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày 8-5, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông An-béc-tô A-na-gia Gu-ti-ê-rết (Alberto Anaya Gutiérrez), Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-xi-cô (PT), Hạ nghị sĩ Liên bang, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Mê-xi-cô - Việt Nam, cho rằng thế giới đang trải qua một quá trình định hình địa chính trị và kinh tế lớn. Thế giới đơn cực đã lùi vào quá khứ và nổi lên một thế giới đa cực, với nhiều cường quốc mới nổi như Nga, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, cũng như Trung Quốc hay Bra-xin.

Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong những ngày này, ông A. Gu-ti-ê-rết khẳng định: “Sự việc đang xảy ra ở vùng biển quốc tế của Việt Nam là điều đáng tiếc. Chúng tôi kêu gọi vấn đề này nên được giải quyết giữa hai đảng anh em, hai dân tộc anh em”. Ông nhấn mạnh: “Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam, luật pháp quốc tế ủng hộ Việt Nam và vấn đề này cần phải thảo luận tại các tổ chức quốc tế trên bình diện đa phương”.

Tổng Bí thư A. Gu-ti-ê-rết kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông tại các thể chế quốc tế và dựa trên luật pháp quốc tế và bày tỏ sự ủng hộ quyền được bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng

Mạng tin của Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) cũng đăng bài viết của học giả Ấn Độ, Tiến sĩ Xu-hát Ca-pi-la (Subhash Kapila), trong đó nhận định rằng Trung Quốc lại gây sức ép quân sự và áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chống Việt Nam, một lần nữa đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại Biển Đông.

Theo Tiến sĩ X. Ca-pi-la, trong những động thái được coi như một chiến lược có tính toán, hành động khiêu khích mới của Trung Quốc tại biển Đông nhằm chống Việt Nam trong những ngày qua, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) tới châu Á - Thái Bình Dương, theo đó tái khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và Phi-líp-pin, cho thấy Trung Quốc có thể tiến hành thêm hành động khiêu khích và đe dọa quân sự.

Trung Quốc dấy lên cuộc đụng độ hiện nay thông qua hành động đơn phương và gây kích động khi kéo giàn khoan HD-981, cùng hàng chục tàu lớn nhỏ vào vùng biển Việt Nam.

Trước đó, ngày 7-5, Tiến sĩ S.D. Pra-han (S.D. Pradhan) - chuyên gia về Biển Đông có bài bình luận với tựa đề “Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng” đăng trên tờ The Time of India.

Tiến sĩ S.D. Pra-han cho rằng cách “hành xử hung hăng” hiện tại của Trung Quốc đối với Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc đối với Nhật Bản, những nước có tranh chấp chủ yếu đối với Trung Quốc trên Biển Đông và với Ấn Độ trong các khu vực lân cận Trung Quốc.

Tại các khu vực trên, những thủ đoạn tương tự cũng đã được tiến hành. Chiến lược trên của Trung Quốc xuất phát từ nhận thức cho rằng các nước láng giềng không thể liên kết lại để chống lại Trung Quốc và sẽ chấp nhận những sự thay đổi trong hiện trạng sau khi có vài tiếng nói phản ứng yếu ớt. Ngoài ra, Trung Quốc hiện tại cho rằng việc chiếm đóng trên thực tế tại các khu vực liền kề là rất quan trọng đối với an ninh nước này.

Chiến lược chính trên của Trung Quốc bao gồm 3 mục tiêu an ninh cốt lõi tại Đông Á: tạo lập sự kiểm soát đối với “các vùng biển gần” và các khu vực biên giới của Trung Quốc; thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực mà Trung Quốc là trung tâm thông qua biện pháp ngoại giao; bảo vệ và tăng cường các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngay cả khi phải áp dụng các biện pháp vũ lực mạnh mẽ.

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc đã trở thành một đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại và bành trướng của nước này.

Kết thúc bài viết, Tiến sĩ S.D. Pra-han bày tỏ hy vọng Trung Quốc cũng nhận ra rằng những hành động hiếu chiến của nước này đã đẩy những nước láng giềng vào việc hình thành các liên minh nhằm chống lại Trung Quốc và rằng Trung Quốc cần từ bỏ chính sách thiếu thân thiện quá mức đang hủy hoại hòa bình trong khu vực và ép buộc các nước lớn bên ngoài phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của các nước này.

HB tổng hợp

(Theo tapchicongsan.org.vn)


 

 

Bình luận