Đánh giá cán bộ cần thực chất

Ngày đăng: 06/09/2018 - 09:09

Đánh giá cán bộ được coi là tiền đề, là khâu trọng yếu nhất trong công tác cán bộ, nhưng đến nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xác định, đổi mới công tác đánh giá cán bộ là một trong năm khâu đột phá, nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

Vẫn còn nể nang, né tránh

Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như các Quyết định của Bộ Chính trị số 50 (ngày 3-5-1999), số 286 (ngày 8-2-2010) về ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp... Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ vẫn được cho là chậm đổi mới, còn nặng tính hình thức.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ nhiệm kỳ khóa IX đến nay, trong tổng số gần 235 nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật có hơn 70 nghìn cấp ủy viên các cấp. Riêng hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XII, có 6.034 cấp ủy viên trong số 26.351 đảng viên bị kỷ luật (chiếm 22,9%); trong đó có 50 cán bộ đương chức và nguyên chức diện Trung ương quản lý. Đáng lưu tâm là phần lớn các cấp ủy viên bị kỷ luật đều vì những sai phạm xảy ra ở nhiệm kỳ trước. Có nghĩa là, thời gian xảy ra sai phạm, họ vẫn được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều người còn được bổ nhiệm, cất nhắc vị trí cao hơn, đóng vai trò chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều đáng nói, những sai phạm đó được kết luận là nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt, lạm quyền trong công tác cán bộ, nâng đỡ không trong sáng, bổ nhiệm người nhà, người thân hoặc gây thất thoát tài sản nhà nước tới hàng nghìn tỷ đồng; ban hành những quyết định không đúng thẩm quyền, thậm chí trái quy định... Nhưng chỉ đến khi báo chí, dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc thì sai phạm mới được chỉ ra.

Thực tế nêu trên cho thấy, việc kiểm điểm, đánh giá định kỳ đối với cán bộ, nhất là người có chức, quyền chưa thực chất, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, khen ngợi lẫn nhau là chính, ít góp ý về khuyết điểm. Nhất là khi nhận xét người đứng đầu, rất hiếm ý kiến thẳng thắn phê bình, dám chỉ ra các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII dẫn đến tình trạng hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý bị đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Qua việc kỷ luật cán bộ ở các cấp thời gian gần đây cho thấy, có những cá nhân bị thi hành kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự nhưng trước đó vẫn được xếp hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Theo một kết quả điều tra năm 2017 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, 58% cán bộ chủ chốt cấp huyện và tương đương trở lên cho rằng, việc đánh giá cán bộ còn nể nang, thiếu công bằng, thiếu minh bạch; 41% cho rằng, nhiều trường hợp làm việc kém hiệu quả nhưng vẫn được tăng lương, được bình bầu các danh hiệu thi đua. Đây thật sự là trở ngại lớn, nếu không có biện pháp đấu tranh thay đổi sẽ làm giảm hiệu quả tiến trình đổi mới toàn diện các khâu trong công tác cán bộ.

Quyết tâm tạo đột phá

Quận Tây Hồ là đơn vị đi đầu trong Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ và phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Từ năm 2013, Quận ủy đã ban hành bộ tiêu chí, quy trình đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Theo đó, quy trình đánh giá cán bộ gồm bảy bước với những tiêu chí cụ thể cho từng vị trí, chức danh gắn với nhiệm vụ, chức trách được phân công, trên nguyên tắc đa chiều (tự đánh giá, đánh giá ngang cấp, dưới lên, trên xuống). Tiêu chí có thang điểm 100 gồm tổng điểm của từng nội dung; trong đó riêng phần “thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao” chiếm 60% tổng số điểm. Với quan điểm đề cao trách nhiệm cá nhân, Ban Thường vụ Quận ủy quy định dù cán bộ đạt tổng điểm hơn 90, nhưng điểm thực hiện chức trách nhiệm vụ không được đánh giá ở mức xuất sắc, thì cũng không xếp loại hoàn thành xuất sắc. Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, cách đánh giá đa chiều, liên tục làm cho mối quan hệ công tác trong đội ngũ cán bộ gắn bó hơn, thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Quy trình chặt chẽ phản ánh thực chất, không cho phép đánh giá tùy tiện, giúp Ban Thường vụ Quận ủy có cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

Quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị, Huyện ủy Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn cắt giảm một số vị trí. Vấn đề đặt ra là quá trình sắp xếp làm sao để người phải rời vị trí đang đảm nhiệm cảm thấy hợp lý, người ở lại là xứng đáng? Đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, Nguyễn Văn Lưu chia sẻ kinh nghiệm: Cần tạo cơ chế đồng bộ, minh bạch, công khai, dân chủ trong đánh giá cán bộ. Việc này phụ thuộc trước hết ở những người có trách nhiệm. Với bộ tiêu chí riêng, thực hiện đánh giá mỗi quý một lần, huyện Nhà Bè đã không bổ nhiệm lại hai cán bộ cấp huyện khi hai năm liền chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ. Theo Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng với huyện Nhà Bè, nhiều địa phương khác cũng có cách làm tốt. Tuy nhiên, một số nơi, tính tự giác của cán bộ chưa cao, khi kiểm điểm thường nêu nhiều về ưu điểm; có cán bộ tự đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ trong khi địa phương, đơn vị hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách còn nhiều tồn tại, thậm chí có sai phạm phải xử lý. Vì vậy, đối với một số trường hợp, khi xem xét đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã điều chỉnh hạ mức phân loại cán bộ… Để khắc phục hạn chế đó, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ cho từng chức danh cụ thể, làm cơ sở cho tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và Ban Thường vụ Thành ủy xem xét đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm đúng thực chất, phục vụ yêu cầu của công tác cán bộ. Đồng thời, Thành ủy chỉ đạo xây dựng quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận xấu, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tỉnh ủy Quảng Trị được Trung ương đánh giá là có giải pháp sáng tạo, thật sự chuyển biến mạnh theo hướng sát thực tế sau hai năm thực hiện Quy chế đánh giá cán bộ, công chức diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá, theo phương châm lượng hóa tối đa. Việc đánh giá các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện là ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp, phải đánh giá đồng thời với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Kết quả là, nếu như trước đây, qua kiểm điểm, đánh giá, 100% số ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì nay con số đó là dưới 30%.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, khâu khó và yếu nhất của công tác cán bộ là đánh giá cán bộ. Để tạo đột phá trong khâu này, theo đồng chí, cần phải đạt năm tiêu chí: Đa chiều, liên tục, lượng hóa, công khai và có khảo sát; bảo đảm việc đánh giá cán bộ sẽ chính xác tới 90%. Quyết tâm đi liền với hành động, ngày 4-8-2017, Bộ Chính trị ban hành đồng thời hai quy định: Quy định số 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quản lý. Trong đó, Quy định số 90 nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể đối với 20 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Việc lần đầu tiên ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá đối với những chức danh cao nhất trong hệ thống chính trị cho thấy quyết tâm của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận