Đồng chí Võ Văn Kiệt - Con người của đổi mới

Ngày đăng: 15/11/2022 - 00:11

Lịch sử của dân tộc, của Đảng ta là lịch sử của con người, những con người tiên phong, những người biết lo cho Đảng, cho dân, cho sự hồi sinh và phát triển bền vững đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhân vật lịch sử có bản lĩnh chính trị, một con người của đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng chí là một trong những người đưa sinh khí phát triển bền vững cho Việt Nam, nhằm đạt tới hoài bão cháy bỏng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam tháng 5/1994. Ảnh: Tư liệu

Dũng cảm tiên phong phá bỏ cơ chế quản lý không phù hợp

Đồng chí Võ Văn Kiệt, trong cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM lại thể hiện tư duy đổi mới sắc sảo tiếp tục thể hiện đặc tính của ông, một con người năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điển hình nhất cho tư duy đổi mới của đồng chí Võ Văn Kiệt rõ nhất ở hai việc: giải quyết vấn đề lương thực (gạo) và “xé rào” cơ chế.

Sau 30/4/1975, lương thực của TPH.CM không đủ ăn trong khi kề bên là vựa lúa đồng bằng miền Tây, chưa bao giờ hơn 4 triệu dân TP.HCM bị khổ về cái ăn đến như vậy: phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì, bo bo thay cho lượng gạo. Đồng chí Võ Văn Kiệt thẳng thắn và dứt khoát tuyên bố: “Không để một người dân nào chết đói”.

Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Với bản lĩnh và tư duy đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi tới quyết định “xé rào”. Đương nhiên là có sự bàn bạc tập thể, nhưng phải có người khởi xướng và chịu trách nhiệm chính. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người như thế, đi tiên phong và chịu trách nhiệm không những trước Đảng mà còn là trách nhiệm với nhân dân.

Giờ đây có thể dễ dàng đưa ra những nhận định, đánh giá, nhưng lúc đó quả thật rất khó. Sự kiện đồng chí Võ Văn Kiệt với sự lo gạo của bà Ba Thi là ví dụ điển hình nhất của sự “xé rào”, trăn trở và đầy trách nhiệm đúng với tên gọi thân mật Sáu Dân của đồng chí Võ Văn Kiệt. Tính cách của ông Sáu Dân là quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt, nhưng đầy tình nghĩa khi có dự tính nếu “xé rào” để giải quyết vấn đề gạo cho dân mà bà Ba Thi bị đi tù thì ông “sẽ mang cơm nuôi bà Ba Thi trong tù”.

Cơ chế được sinh ra từ đâu? Là do từ con người, là do từ Đảng và Nhà nước, nhưng để phá nó không dễ, nó cần tới 3 điều: 1-Con người có bản lĩnh phá tan nó. 2-Con người ấy phải biết cách phá, biết chọn những người đi phá cùng mình. 3-Con người biết kiên nhẫn giải thích và biết chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không tự tư tự lợi.  Đó chính là con người đồng chí Võ Văn Kiệt.

Một cơ chế quản lý phân phối thị trường không phù hợp trong thời bình và chỉ có những người có bộ óc thực tế, gần dân, sát dân mới đưa đến những quyết định lịch sử “xé rào”, xé toang những cái cũ kỹ, lạc hậu để không những nhân dân, mà còn Trung ương Đảng, trong đó có những đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhất của Đảng, tổng kết lại thành đường lối đổi mới.

Con người của những công trình lớn

Đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước, như các công trình điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Phú Mỹ, đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam, các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, nhà máy lọc dầu Dung Quất… Gọi là “một trong những người”, nhưng kỳ thực có những công trình mà không có sự quyết định táo bạo của ông thì không thành công. Bản lĩnh và tấm lòng chân thành là đức tính quý báu của ông làm nên những quyết định đổi mới như thế.

Đồng chí Võ Văn Kiệt có vị trí để đưa ra những quyết định, đó là vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng, không phải khi đã có vị trí đó rồi thì muốn làm gì cũng được. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đó là một nguyên tắc trong xây dựng Đảng ta. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, nhưng chân lý lại có lý thuyết hình thành của nó. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một điển hình giữa sự kết hợp lý luận với thực tiễn, chịu lắng nghe, tự tổng kết để tìm chân lý, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: chân lý là những gì có lợi cho Tổ quốc, cho Đảng, cho cách mạng, cho dân.

Chỉ nhìn vào quyết định xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam thôi cũng đủ thấy tính phức tạp trong thực tế. Nếu theo đúng quy định thì làm hay không phải do Quốc hội quyết định bằng bỏ phiếu, nhiệm vụ của đồng chí Võ Văn Kiệt là người trình cho Quốc hội, rồi cơ quan thẩm tra giải trình để các đại biểu ấn nút. Dám làm, dám chịu đổi mới, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt chọn một lối khác, chịu “sóng gió” giữa sinh hoạt nghị trường. Còn nữa, khi hỏi ý kiến của các nhà khoa học thì lại có hai loại ý kiến đối ngược nhau: nên làm và không nên làm đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam, bên nào cũng đưa ra những lập luận có sức nặng. Bản lĩnh của đổi mới sáng tạo, bản lĩnh của người lãnh đạo là ở đây, ở cái quyết định: làm.

Thực tế từ đó tới nay, và từ nay về sau nữa, hiệu quả tốt, tác dụng tuyệt vời của đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Người thụ hưởng là thế hệ cùng đồng chí Võ Văn Kiệt, là các thế hệ sau.

Người trăn trở cho đổi mới

Một con người như đồng chí Võ Văn Kiệt không bao giờ ngồi yên khi thời cuộc cần. Do đó, địa bàn ĐBSCL luôn in đậm dấu chân của ông. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên để đề ra quyết sách “sống chung với lũ” nổi tiếng vừa hợp với thiên nhiên vừa hợp với lòng người. ĐBSCL là vựa nông sản của cả nước, có vai trò rất quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực, do đó đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản ở đây. Đặc biệt là vấn đề lập Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL để khai sinh một định chế tài chính mới, mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng với mục tiêu khai thác, huy động, tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở ĐBSCL, góp phần ổn định nhà ở cho người dân, nhất là người dân ở vùng lũ lụt; góp phần chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ cho sự phát triển toàn bộ khu vực này.

Đến cuối đời, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn còn đau đáu nỗi lòng đối với nhân dân trong việc giải quyết vấn đề ngập lụt, nước biển dâng của TPHCM và vùng Nam bộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt nghiên cứu trường hợp của Hà Lan với hệ thống đê biển để tìm kiếm kinh nghiệm cho Việt Nam. Chỉ đến khi nhắm mắt, đồng chí Võ Văn Kiệt mới ngưng nghỉ việc giúp dân, giúp nước. Con người đổi mới mang tên Sáu Dân sống mãi với đồng bào, đồng chí, với Đảng, với dân, với nước!

Theo SGGP

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả