Đồng chí Võ Văn Kiệt - Trọn cuộc đời vì nhân dân
Với 86 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 11/6/2008) đã để lại cho đời hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên cường, tràn đầy năng lượng, đậm chất cách mạng, có tư duy đổi mới, sâu sát thực tiễn và hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân. Sức cảm hóa, quy tụ nhân tâm và sự truyền lửa, thắp sáng niềm tin nơi ông đối với người dân, đặc biệt với lớp trẻ rất sâu sắc và mạnh mẽ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3/11/1993. (Ảnh TL)
Vùng đất Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long đã sản sinh ra một người con mà tên tuổi, sự nghiệp mang tầm vóc lớn. Với độ lùi của thời gian, công lao, phẩm chất và tính cách đặc biệt của đồng chí Võ Văn Kiệt càng được người đời ngưỡng mộ với tất cả sự kính trọng, thương yêu. Trong suốt cuộc hành trình từ tuổi thiếu thời tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, cướp chính quyền năm 1945 ở Rạch Giá, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu năm 1954, Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định 11 năm trong kháng chiến, làm Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh… cho đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ nào cũng có những minh chứng sáng tạo, những cống hiến to lớn và để lại dấu ấn.
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đồng chí đã chỉ đạo thí điểm việc giao lưu kinh tế giữa hai vùng - vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng, đem lại lợi ích thiết thực cho cách mạng và người dân, góp phần làm thay đổi chủ trương bao vây kinh tế không phù hợp lúc bấy giờ.
Khi làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã cho xây dựng địa bàn chiến lược, đề nghị sáp nhập Gia Định vào Sài Gòn - Chợ Lớn, tạo thế trận, gắn kết chặt chẽ phong trào nội thị, ven đô và vùng nông thôn Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; đã xây dựng lực lượng chính trị, phong trào đô thị, xây dựng lực lượng vũ trang đặc trưng đô thị, tạo nên hệ thống căn cứ “vành đai đỏ”, làm bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân tiến hành hoạt động ở nội đô và sau này là nơi tập kết quân chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nơi triển khai 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn 1975.
Khi làm Bí thư Khu ủy Khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những chỉ đạo sắc bén trong việc “nhổ” đồn bót địch và sau Hiệp định Paris 1973 thì quyết chống địch lấn chiếm, bởi theo đồng chí “để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”.
Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong thời xây dựng đất nước rất nhiều; gắn với những biệt danh “Chủ tịch gạo”, “Tướng xé rào”, “Thủ tướng điện”; người triển khai, thực hiện các công trình, dự án lớn. Từ lo gạo cho dân, lo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, sản xuất “bung ra”, lo cứu ngành y tế và phát triển văn hóa, giáo dục; xây dựng các công trình điện năng lớn như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500 kV Bắc - Nam; các công trình giao thông như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận; khai thác, phát triển Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Nhiều người cho rằng đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn - dấu ấn gắn với công việc được giao qua những chặng đường cách mạng; dấu ấn gắn với công trình ích nước, lợi dân; dấu ấn của con người tiên phong, bất chấp hiểm nguy và thử thách khốc liệt cả thời chiến lẫn thời bình. Dấu ấn cả cách xử sự đối với con người và công việc. Ông như người thắp lửa và truyền lửa, tràn đầy năng lượng, đạp bằng mọi khó khăn, tiến lên phía trước.
Có lần ông đã từ chối làm Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá khi được chọn làm thay ông Nguyễn Thành Nhơn, vì ông không những không chịu lý do (ông Nhơn vốn là một địa chủ) mà còn hiểu rằng, cả về học vấn lẫn khả năng lãnh đạo, ông Nhơn đều có nhiều mặt hơn mình. Ông đã chịu nhận kỷ luật Đảng cảnh cáo, kiên quyết không chịu nhận “thăng chức” khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá… Nhiều lần ông quyết định công việc mà không phải sờ vào ghế, không phải sợ mất ghế như lúc làm đường dây 500kV. Đồng chí Võ Văn Kiệt được xếp là một nhà cải cách, đổi mới mang tầm chiến lược, có những quyết sách có tính mở đường trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Các nhà ngoại giao của đất nước cho rằng ông là người góp phần đưa Việt Nam ra thế giới, thể hiện tư tưởng vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước thoát nghèo, đuổi kịp các nước đi trước. Việc phá thế bị bao vây, cô lập, xúc tiến bình thường hóa với Mỹ, gia nhập ASEAN… có công lớn của đồng chí. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nhận xét: “Như một động lực chính của những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”. Đồng chí Võ Văn Kiệt được mệnh danh là “một tổng công trình sư” của thời kỳ đổi mới cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh và những nhà lãnh đạo cùng thời - lớp học trò kế cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa một thế hệ những nhà lãnh đạo một lòng, một dạ vì dân, luôn có niềm tin vững chắc vào những quyết sách của mình, bởi những quyết sách ấy có lợi ích nhân dân trước hết, trên hết và tất cả.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết - bởi những quyết định có hàm lượng tri thức khoa học, có thực tiễn cuộc sống và còn có cả những ân tình, khát vọng của nhân dân. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có khả năng và cả sức chịu đựng trong lắng nghe, nghe được nhiều chiều, nhiều tiếng nói phản biện, nhiều khi rất “xốn”, rất “rát tai”. Chính vì vậy mà mọi quyết định của đồng chí không ra đời từ kiểu quan liêu, bàn giấy. Đồng chí Võ Văn Kiệt được nhắc nhớ như một con người phi thường mà rất gần gũi, bình dị, thân thương, luôn quý trọng đối với mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam trong và ngoài nước. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc sẽ tạo nên sự đồng thuận vì sự phát triển đi lên của đất nước. Điều mà ông luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước. Ông đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy người trẻ, cán bộ trẻ và luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi “lý lịch” hay quá khứ lỗi lầm. Ông cho rằng “không ai chọn cửa sinh ra”, và luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng trẻ, luôn muốn người trẻ hiểu rằng “giờ này là giờ nào của Tổ quốc chúng ta đây?”. Đồng chí Võ Văn Kiệt là hình ảnh một nhà lãnh đạo có đầu óc canh tân, nụ cười hồn hậu, tấm lòng vì con người, vì đất nước. Đồng chí đã đi xa nhưng trong tâm tưởng người dân Việt Nam vẫn thấy như luôn có nguồn động viên, khích lệ nơi ông. Làm gì cũng sợ trách nhiệm, thiếu lửa nhiệt huyết, thiếu cảm hứng sáng tạo… thì khó có hiệu quả và thành công. Ngày nay, hệ thống pháp luật khá đầy đủ nhưng còn nhiều cơ chế ràng buộc gây cản trở cho sự phát triển đất nước cần được tháo gỡ. Có nhiều vấn đề cần có địa chỉ trách nhiệm. Có những điển hình, nhân tố mới, ý tưởng sáng tạo, đề xuất chính đáng… cần được những nhà lãnh đạo sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu…, xử lý nhanh. Tất cả để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững và cũng để vun đắp thêm niềm tin của nhân dân. Nhiều bài học quý cùng phong cách, phương pháp làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt được người đời chiêm nghiệm. Và có lẽ bài học lớn nhất, từ khóa rõ nhất, đẹp nhất đó chính là từ DÂN - cũng chính là cái tên “ông Sáu Dân” - một con người sống trọn vẹn và nồng ấm nghĩa tình với dân, với nước.
Sau khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ (8/1997), đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Với vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã dồn hết nghị lực và tâm trí cho công cuộc xây dựng Đảng, với nhiều kiến nghị cụ thể, tâm huyết trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, cũng như trong nhiều sinh hoạt quan trọng của Đảng, góp phần thiết thực vào công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta xứng đáng là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực