Giữ chủ quyền biển đảo bằng phát triển kinh tế biển bền vững!

Ngày đăng: 16/07/2012 - 14:07

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đề cập đến một vấn đề vừa rộng lớn về quy mô (biển rộng gấp 3 lần đất liền), vừa phức tạp về các mối quan hệ phát triển (kinh tế, quản lý, an ninh, quốc phòng, khoa học-công nghệ, tài nguyên-môi trường...), vừa đòi hỏi tính bao quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như các giải pháp mang tính “đột phá”. Chính vì vậy, quy hoạch không gian biển đang là một nhu cầu cấp thiết đối với nước ta.

Việt Nam phải làm chủ, khai thác nguồn lợi từ biển một cách bền vững 

Nhận diện một “Việt Nam biển”! 

Trong bối cảnh thế giới tiến mạnh ra biển ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển (và đại dương) quốc gia đầy tham vọng, đặc biệt đối với các cường quốc biển như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc,... thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với chiến lược phát triển đất nước không phải là quá sớm - PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu Biển &H ải đảo - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ. “Bởi lẽ biển ẩn chứa nhiều tiềm năng không thể nhìn thấu bằng mắt, tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ và “dùng chung”, biển luôn khắc nghiệt với con người và hoạt động trên biển thường chịu nhiều rủi ro cao...” ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh. 

Nước ta đang tiến hành công cuộc phát triển kinh tế biển trong một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới với các đặc trưng cơ bản: khan hiếm nguyên nhiên liệu, thảm họa của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, an sinh xã hội bị đe dọa, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia trên biển thường xuyên và gay gắt hơn bao giờ hết. 

Để đạt được mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh lam trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển, trong đó, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam. 

Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ khác nhau. Từ quan niệm như vậy sẽ thấy tiềm năng không gian biển cho phát triển kinh tế biển nước ta còn rất lớn, tập trung vào các mảng không gian chính yếu như không gian vùng ven biển (duyên hải); không gian biển; không gian đảo, và không gian đại dương. Đối với kinh tế biển cả bốn mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển. 

Vì vậy, Việt Nam cần gấp rút xác lập cơ sở pháp lý về không gian biển, lấy đó làm cơ sở để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển. Nhu cầu phát triển không gian biển ở Việt Nam rất lớn, qua đó đảm bảo phân quyền định kỳ không gian biển, tạo kết nối giữa các vùng kinh tế biển. Các yếu tố vùng miền cũng cần được tính đến. Trên cơ sở qui hoạch không gian biển, cần xác định “chế độ pháp lý” cho từng không gian nhỏ cho các ngành, người sử dụng để tránh đụng chạm, chồng lấn giữa các ngành trong khai thác, quản lý tài nguyên, môi trường biển. 

Phát triển khu kinh tế biển: Tránh "lạc quan ảo" 

Tầm nhìn phát triển các khu kinh tế biển (KKTB) thấp trong suốt 1 thời gian dài đã dẫn đến sức đóng góp hạn hẹp. So sánh với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản. Dù sớm hay muộn các KKTB cần định hình lại mô hình phát triển. 

Hiện nay diện tích đất của các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KKTB mới đạt khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho sản xuất kinh doanh. Nếu so với các KCN trong cả nước, quy mô các KKTB lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKTB thấp hơn rất nhiều. Trong vài năm gần đây, tổng doanh thu hằng năm của các KKTB khoảng 6 - 8 tỷ USD. Đóng góp ngân sách hàng năm chỉ khoảng 500 - 600 triệu USD. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế khẳng định: "Ngay bây giờ phải xem xét lại quy hoạch KKTB. Để KKTB phát triển thông thoáng, đúng tầm thì chỉ nên phát triển khoảng 3 KKTB là đủ". Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, hiện tầm nhìn phát triển KKTB thấp, không tạo cơ sở cho sự phân công và liên kết phát triển hợp lý giữa các KKT và ít gắn với logic kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, hai lực lượng nòng cốt để phát triển hiệu quả các KKTB là lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao lại bị thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Vì vậy, theo ông Thiên việc phát triển KKTB trong thời gian tới chỉ nên tập trung cho 4 KKTB quy mô lớn gắn với 4 vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, dù chỉ nên phát triển 3 KKTB theo ý kiến của các chuyên gia hay tập trung 5, 6 KKTB theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu Tư Bùi Quang Vinh thì trước hết đã đến lúc cũng cần nhận ra rằng về quản lý đầu tư, về tuyển chọn và thành lập mới các KKTB đang còn nhiều bất cập. Các KKTB được quy hoạch hiện nay phân bố gần nhau đã khiến cho việc đầu tư nhang nhác giống nhau. Tình trạng tỉnh nào cũng cố gắng đầu tư cảng biển, khu kinh tế mở, khu đô thị... trong vài năm gần đây khiến cho nhiều "công trình” bị dở dang và trở thành "lạc quan ảo”. 

Việt Nam có thế mạnh về biển, việc phát triển KKTB cũng là tất yếu nhưng cần hướng sự phát triển của mỗi khu vào một lĩnh vực được chuyên môn hóa. 


Phát biểu tại Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2012 được tổ chức vào đầu tháng 6/2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh sẽ mở rộng quan hệ hợp tác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, pháp luật quốc tế, bảo đảo an ninh và an toàn hàng hải. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tiếp tục khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo; đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982; kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời kiên quyết đấu tranh trước các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển đảo.


 

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Bình luận