Tác giả: TS. Phạm Thanh Hà
Số trang: 200
Giá tiền: 39.000 đồng
Bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, đặc điểm, tính cách, cách thức để tồn tại và biểu hiện của một cộng đồng xã hội - dân tộc cụ thể, riêng biệt mà nhờ đó người ta có thể xác định được một dân tộc giữa quần thể các dân tộc trong cộng đồng nhân loại nói chung. Bản sắc dân tộc thể hiện phẩm chất của một dân tộc trong tính riêng biệt, đặc trưng của dân tộc đó, là hình ảnh trung thực về đời sống của một cộng đồng, tạo thành bản lĩnh, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của một dân tộc. Đối với nước ta, bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn, tự cường dân tộc, lòng nhân ái bao dung, trong nghĩa tình, đạo lý cần cù, sáng tạo… Tất cả đã kết tinh thành sức mạnh và in đậm dấu ấn độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày nay, vấn đề bản sắc dân tộc và việc giữ gìn bản sắc dân tộc là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đang mở rộng quan hệ, giao lưu, hợp tác quốc tế; đây là cơ hội lớn để chúng ta phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; đồng thời, học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Trong quá trình đó, chúng ta phải chủ động tiếp thu những cái hay, cái mới từ bên ngoài có lợi cho sự phát triển đất nước và biết lọc bỏ những gì bất lợi, không phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế, sẽ không tránh khỏi sự va chạm, thậm chí là đụng độ giữa các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với các giá trị bên ngoài. Thực tế đó, đòi hỏi chúng ta không ngừng phải bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống mà còn phải đưa chúng lên một trình độ cao hơn trong hoàn cảnh mới; đồng thời, phải sáng tạo những giá trị mới phù hợp với thời đại.
Cuốn sách Giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay của TS. Phạm Thanh Hà là một công trình nghiên cứu về những vấn đề nêu trên. Từ việc phân tích cơ sở hình thành, những đặc điểm và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc; đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và những tác động hai mặt của toàn cầu hóa, tác giả đã đề ra những định hướng và giải pháp chủ yếu nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, phát triển lành mạnh con người, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế nhất định. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn.
Đinh Trọng Minh