Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Cuối năm, không hẹn mà nên, giới khoa học ở hai đầu đất nước cùng tổ chức hội thảo về tiếng Việt. Cả hai cuộc ấy, dù có giới hạn riêng về chủ đề, thành phần học giả, nội dung đề cập nhưng thống nhất mục tiêu là: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đó là một chủ đề đã được bàn đi bàn lại, khi ồn ào lúc lại lắng xuống nhưng chưa bao giờ giảm sức "nóng", đặc biệt là trong thời buổi hội nhập sâu rộng, "thế giới phẳng" như hiện nay. Với một nội dung được lặp đi lặp lại, cả những kiến nghị mang tính học thuật và giải pháp hành chính đi kèm mà sự thể không có sự khác biệt đáng kể so với trước, tức là tiếng Việt và vấn đề sử dụng nó ngày càng rõ xu hướng lệch chuẩn, câu hỏi đặt ra là vì sao?
Có mấy yếu tố dẫn đến sự thể không mong muốn, liên quan đến ý thức, trình độ văn hóa của người sử dụng tiếng Việt. Đó là: Định chuẩn chưa rõ ràng, thiếu văn bản mang tính pháp lý liên quan; xu hướng tuyệt đối hóa vai trò ngoại ngữ của một bộ phận dân chúng trong quá trình giao lưu hội nhập ngày càng rộng mở; hạn chế trong công tác dạy - học tiếng Việt; ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông - đặc biệt là truyền thông qua mạng internet… Những nguyên nhân nói trên dẫn đến vô số "bệnh" về tiếng Việt, từ nói - viết sai, sính dùng từ ngoại đến các "bệnh" về chính tả, viết hoa, viết tắt, phiên âm... Thực trạng đã ở mức "báo động đỏ". Kết quả khảo sát gần đây đối với việc sử dụng tiếng Việt của học sinh tại một số địa phương cho thấy các loại lỗi xuất hiện với mức độ rất cao. Trong đời sống thường nhật, ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt là ở giới trẻ có sự lai tạp rất đáng lo ngại…
Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, không bất biến mà phát triển liên tục. Quá trình giao thoa, va đập của ngôn ngữ bao hàm cả sự dung nạp, thải loại những gì không phù hợp. Trong quá trình ấy, với tiếng Việt, điều cần nhất là nâng cao khả năng tự điều chỉnh dựa trên nền tảng có tính chuẩn mực được vun đắp qua bao đời nay. Cơ sở cho việc đó, không có gì khác là khung chính sách ở tầm vĩ mô nhằm bảo đảm giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Từ khung chính sách ấy, bao gồm cả việc xây dựng pháp luật về ngôn ngữ, cần có một hội đồng quốc gia gồm các chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ, nhà quản lý giáo dục với nhiệm vụ trọng tâm là thực hành điều tra, xác định chuẩn mực tiếng Việt một cách có hệ thống, cả về ngữ pháp tiếng Việt, ngôn ngữ của các nhóm xã hội, phương ngữ, cách thức viết hoa, phiên âm - phiên tự… và cụ thể hóa bằng những văn bản hướng dẫn mang tính pháp lý. Đó là cơ sở vững chắc cho mọi dạng thực hành ngôn ngữ trong đời sống, học tập, nghiên cứu.
Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số người Việt Nam, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Tiếng Việt có lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào, trong đó đáng kể nhất là khả năng tiếp nhận vốn từ vựng từ bên ngoài, tự điều chỉnh chúng một cách chủ động, biến thành cái riêng, cái đặc biệt của người Việt, thực sự đã là tài sản quốc gia quý giá. Để truyền thống ấy được phát huy trong giai đoạn hiện nay, giúp tiếng Việt phát triển mà vẫn giữ được bản sắc thì không thể thiếu giải pháp phù hợp, đặc biệt là về định chuẩn, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, tính tiền phong gương mẫu trong giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ phía các phương tiện truyền thông.
Đã bàn nhiều về thực trạng không mấy sáng sủa, giờ là lúc phải hành động khẩn trương.
Theo Báo Hà Nội mới
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực