Giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân trên báo chí
Giữ gìn và bảo vệ nhân phẩm con người là một trong những nhiệm vụ của những người làm báo. Chính vì thế, trước tình trạng xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự các tổ chức và cá nhân trên báo chí, nhất là báo điện tử, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại đối với "căn bệnh" này và có biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Ảnh minh họa
Với sự phát triển của internet, vấn đề can thiệp bất hợp pháp vào "sự riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự và uy tín" của người khác trở nên rất khó lường. Thực tế cho thấy, ngày nay, những vấn đề được đưa lên mạng đều có thể dẫn đến ảnh hưởng xuyên quốc gia.
Lợi dụng ưu thế này, người ta sử dụng báo chí, trang thông tin điện tử và xuất bản phẩm điện tử để tiến công mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Vào tháng 1-2013, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã kiện Media24 và cựu biên tập viên Tim du Plessis của tờ Rapport ra tòa vì đã làm tổn hại uy tín của ông. Cụ thể là, ông Zuma đòi bồi thường danh dự 5 triệu rand vì báo đã đăng ảnh ông đang nướng động vật bên ca sĩ Steve Hofmeyr và diễn viên hài Leon Schuster. Tháng 8-2012, ca sĩ Elton John kiện The Times vì đã sử dụng những câu chữ mà ông cho rằng ám chỉ bóng gió việc ca sĩ trốn thuế. Tháng 3-2014, hàng loạt ngôi sao nữ của Nhật Bản như Norika Fujiwara, Maeda Atsuko, Haruka Ayase,... làm đơn kiện tạp chí Tuần báo sự thật do tùy tiện đăng tải các bức ảnh vòng một của họ và bình luận về các bức ảnh này. Số tiền các ngôi sao đòi bồi thường lên đến 88 triệu yên...
Ở nước ta, phần lớn bạn đọc thường không muốn kiện tụng theo kiểu Elton John. Nhưng ngày càng có nhiều người thể hiện sự bất bình với loại thông tin rẻ tiền, bôi nhọ người khác trên báo chí. Như về hình ảnh chẳng hạn, một số báo và trang tin điện tử sử dụng ảnh hết sức tùy tiện. Những bài báo về chuyện "phòng the" cố làm "sinh động" bằng cách dùng ảnh của ai đó gán vào, và chú thích "ảnh minh họa"! Một số tờ báo lại đăng ảnh của người đang bị cơ quan công an điều tra, dù chưa có kết luận đúng sai. Đăng những bức ảnh đó không khác gì lời kết có tội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín của người trong ảnh. Với những người bị oan sai thì các cơ quan pháp luật phải xin lỗi, còn cơ quan báo chí đăng ảnh của họ cũng cần có lời xin lỗi.
Xin được viện dẫn thí dụ sau để thấy thủ đoạn bôi nhọ danh dự đã được báo chí thiếu thiện chí của nước ngoài sử dụng.
Ngày 19-2-2014, RFA (Radio Free Asia) đăng bài "Ông Trần Nhật Quang chửi ai?" với nội dung bịa đặt, vu cáo một công dân yêu nước lương thiện là ông Trần Nhật Quang, vì ông trực tiếp đứng trước một số "biểu tình viên chuyên nghiệp" để vạch rõ bản chất hành động của họ. Trước sự vu cáo bỉ ổi này, ông Trần Nhật Quang đã gửi thư tới Tổng Giám đốc RFA yêu cầu RFA phải gỡ bài và xin lỗi ông. Ông Trần Nhật Quang thẳng thắn viết: "Tôi hành động từ lòng căm phẫn những kẻ lợi dụng sự hy sinh của các liệt sĩ làm công cụ chống phá đường lối ngoại giao, quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là đường lối mà bản thân tôi cùng gia đình, họ hàng, bạn bè quen biết tôi, đều tin tưởng và ủng hộ... Nếu yêu cầu này không được đáp ứng tôi sẽ gửi đơn kiện về "Tội phỉ báng" đến Tòa án sở tại của Hoa Kỳ". Sau đó, RFA đã lẳng lặng gỡ bỏ bài viết nhưng không đính chính, cũng không một lời xin lỗi ông Trần Nhật Quang. Về sự kiện này, dư luận trên internet cho rằng, chính RFA đã vi phạm Luật phỉ báng của nước Mỹ! Hiện nay, nhiều quốc gia đã thấy rõ sự nguy hại của xu hướng sử dụng báo chí và internet để phỉ báng, hạ nhục người khác, cho nên họ xây dựng, đưa ra các quy định nhằm pháp luật hóa tội danh này. Với Luật hình sự của nước Đức, về những tội liên quan đến hành vi phỉ báng, vu khống lãnh đạo, chính quyền có Điều 90 quy định phỉ báng tổng thống bị phạt tù từ ba tháng tới 5 năm tù; Điều 90a quy định tội phỉ báng chính quyền và các biểu tượng của Nhà nước, cụ thể là phỉ báng mầu biểu tượng, cờ, quốc huy, quốc ca của CHLB Đức hoặc các tiểu bang bị phạt tù tới ba năm hoặc phạt tiền. Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Đạo luật phát ngôn để điều chỉnh các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự.
Các nước Áo, Pháp và Đức có luật cấm nói xấu, cụ thể là cấm tuyên truyền về Đức Quốc xã và sử dụng các biểu tượng của Đức Quốc xã. Tại một số nước khác, pháp luật quy định rõ, cấm phát biểu phủ nhận sự tàn sát, nạn diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại trong lịch sử. Một số quốc gia cũng có những điều luật hình sự hóa những phát ngôn kích động hận thù vì đặc điểm chủng tộc, tôn giáo, dân tộc và nguồn gốc quốc gia. Đã có một số trường hợp các quốc gia sử dụng pháp luật về xúc phạm để dẫn độ công dân của họ từ nước ngoài về xử lý hình sự vì nội dung trên trang web.
Ở Israel, Luật xúc phạm quy định, xúc phạm có thể được coi là tội hình sự hoặc tội dân sự, nhấn mạnh "tìm kiếm sự cân bằng giữa hai giá trị cơ bản, tự do ngôn luận và bảo vệ danh dự, uy tín". Trong pháp luật Israel, tội xúc phạm và tội vu khống được đồng nhất. Báo chí Israel được đánh giá là tự do, nhưng họ rất cẩn trọng trong biên tập để tránh lỗi xúc phạm, nếu không tờ báo hoặc nhà báo có thể bị tòa án phạt số tiền 12.000 USD mà không có bằng chứng về thiệt hại thực tế. Nếu tòa án thấy các xuất bản phẩm cố tình xúc phạm với mục đích làm hại người khác, thì số tiền phạt có thể lên đến 24.000 USD mà không có bằng chứng về thiệt hại thực tế. Để hạn chế sai sót trên báo chí, Chính phủ Israel quy định biên tập viên đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí phải có tuổi đời 25 trở lên, có bằng tốt nghiệp trung học, thành thục trong sử dụng ngôn ngữ báo chí, có lý lịch tư pháp trong sạch.
Pháp luật của Israel giả định rằng, mọi người đều có một danh tiếng tốt, do đó nguyên đơn được bồi thường thiệt hại chung mà không cần phải chứng minh thiệt hại đặc biệt. Nghĩa là, mặc dù người bị xúc phạm đã được xin lỗi, báo chí đã đính chính nhưng danh tiếng của người đó đã bị tổn hại.
Ở nhiều nước, đã ban hành Luật phỉ báng, quy định xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công chức, xúc phạm biểu tượng hoặc các tổ chức nhà nước là hành vi tội phạm hình sự. Tính đến năm 2010, pháp luật của hơn 140 quốc gia quy định xúc phạm nhân phẩm là tội hình sự. Phản ứng quốc tế đầu tiên đối với các hành vi lợi dụng internet để làm việc ám muội là việc thông qua Công ước về tội phạm mạng, còn được gọi là Công ước Budapest. Đến nay, đã có 42 quốc gia phê chuẩn Công ước và 11 quốc gia khác đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Báo điện tử và các ấn phẩm điện tử khác đều phải tuân theo các quy định của Công ước này.
Với pháp luật Việt Nam, Điều 121 Bộ luật hình sự quy định tội làm nhục người khác có thể bị phạt từ cảnh cáo đến ba năm tù; Điều 37, Bộ luật dân sự quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và mức độ bồi thường thiệt hại. Theo Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự thì nguồn chứng cứ được quy định bao gồm "các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được". Còn đối với báo chí, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm được quy định trong Điều 9 Luật báo chí: "1. Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả...".
Đồng thời, Luật báo chí cũng bảo vệ phẩm giá của các nhà báo: "Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả". Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, thì thời gian qua, một số cơ quan báo chí ở nước ta vi phạm Điều 8 của Nghị định quy định về nội dung thông tin. Các tờ báo đó đáng chú ý là báo điện tử đã đăng, phát thông tin sai sự thật, tiết lộ bí mật đời tư, đăng ảnh khi chưa được sự đồng ý. Một số cơ quan báo chí và nhà báo đã bị kỷ luật, bị phạt tiền vì đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân. Tuy nhiên, việc cải chính, xin lỗi chưa được thực hiện nghiêm túc.
Pháp luật về tội xúc phạm không được sử dụng để cản trở tự do ngôn luận, nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là tùy tiện nói xấu, bịa đặt, vu oan. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần cẩn trọng nghiêm túc hơn nữa trong việc bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín của tổ chức và công dân, bảo vệ danh dự quốc gia.
Anh Khôi
(Theo Nhân Dân)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực