Giữ vững mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân để nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày đăng: 23/04/2015 - 15:04

Giữ vững mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân để nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề rất lớn, hệ trọng và có ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn trong điều kiện một đảng cầm quyền ở Việt Nam. Giải quyết được vấn đề này sẽ góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

17hcm

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm một cuộc cách mạng về thế giới quan và nhân sinh quan trong đời sống xã hội khi khẳng định vai trò to lớn của nhân dân với luận điểm “Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử”


Theo C. Mác, cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, người lao động. V.I. Lênin cho rằng, nếu không có sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình thì giai cấp vô sản sẽ không thể thực hiện cách mạng thành công. Chân lý đó khẳng định rõ, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và nhân dân là mối quan hệ máu thịt, không tách rời nhau và đòi hỏi đảng có trách nhiệm dẫn dắt toàn thể quần chúng nhân dân tiến hành theo Cương lĩnh chính trị của Đảng. Vấn đề đảng cầm quyền đã được V.I. Lênin đặt ra rất sớm, từ trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra năm 1917, theo tư tưởng: Đảng “bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra nắm toàn bộ chính quyền”. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, ngày 27-3-1922, lần đầu tiên V.I. Lênin đưa ra khái niệm “Đảng Cộng sản cầm quyền” có nghĩa là Đảng lãnh đạo chính quyền, làm cho mọi hoạt động của chính quyền được thực hiện theo Cương lĩnh chính trị của Đảng và phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động.


V. I. Lênin cho rằng, giữ vững mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản với nhân dân là thể hiện sâu sắc nhất bản chất giai cấp công nhân của Đảng và đáp ứng đòi hỏi Đảng dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Đây chính là nguyên lý cơ bản, nguyên tắc bất di bất dịch đối với việc xây dựng một chính đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Theo V.I. Lê-nin, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản lãnh đạo với nhân dân là không thể tách rời, và Đảng không những không được tách rời quần chúng mà còn phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng, sống trong quần chúng, biết tâm trạng quần chúng, hiểu quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng. Do đó, một trong những nguy cơ lớn nhất, đáng sợ nhất và sẽ là một tai họa thật sự của một Đảng Cộng sản cầm quyền là nguy cơ xa rời quần chúng. Vì thế, vấn đề then chốt là cần phải xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh và tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.


2. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận và phương pháp luận cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ Đảng - Dân.

Hồ Chí Minh luôn gọi Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc là “Đảng ta”, gọi một cách mộc mạc và thân thiết, hai từ chứa đựng nội dung sâu sắc và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sự kiện “Đảng ta” ra đời đầu năm 1930 có đặc điểm riêng không giống các đảng cộng sản ra đời ở phương Tây, đó là có thêm một yếu tố mới là dân tộc trong ba bộ phận cấu thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời và phát triển của Đảng bởi ba bộ phận cấu thành là chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc hóa, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ cội nguồn dân tộc và ăn sâu bám rễ, phát triển trong lòng dân tộc. Đặc điểm đó khẳng định Đảng tồn tại và lớn mạnh vì lợi ích của dân tộc, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, kết hợp sự tự nỗ lực đầy trách nhiệm của Đảng với trách nhiệm của nhân dân để xây dựng Đảng, để có sức mạnh của Đảng và của nhân dân ta. Hồ Chí Minh nói “Đảng ta” là vừa nói đến đặc điểm ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là của giai cấp công nhân hay của đội ngũ đảng viên mà còn là Đảng của toàn dân tộc.


Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”1, khẳng định Đảng ta có cơ sở xã hội sâu rộng và mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân trong thực tế ngay từ buổi bình minh của Đảng, đòi hỏi Đảng ta phải có trách nhiệm với dân tộc và là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”2 vì “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin”3. Thực hiện tư tưởng Dân là gốc của nước, của cách mạng, là chủ của đất nước, của xã hội và là chủ vận mệnh của chính mình; nhân dân có tiềm năng to lớn, tiềm năng vô tận, nhưng không thuần nhất mà có nhiều tầng lớp khác nhau và nhiều dân tộc, có trình độ phát triển chênh lệch nhau; cách mạng muốn thành công phải đoàn kết, phải dựa vào lực lượng công nông làm gốc và phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dành tất cả nỗ lực và tâm huyết xây dựng được một đảng cách mạng chân chính, một đảng tiên phong của dân tộc và cùng toàn dân tộc Việt Nam làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong 85 năm qua.


Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh, chúng ta thấu hiểu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình phát triển của Đảng với mục đích là phấn đấu hy sinh đến cùng vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Đảng tồn tại vì quyền làm chủ thực sự của nhân dân và làm thay đổi vị thế của người dân từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ. Hồ Chí Minh nói “Đảng ta là Đảng cầm quyền” có nghĩa là, Người khẳng định bước ngoặt vĩ đại đánh dấu sự chuyển biến về chất trong vị thế của Đảng và Dân, từ chưa có chính quyền trở thành có chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, xây dựng và thực hiện một đường lối chính trị đúng đắn với những bước đi và phương pháp thích hợp để “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, Dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hồ Chí Minh nói “Đảng ta là Đảng cầm quyền” là nói Đảng ta lãnh đạo toàn diện xã hội, sử dụng bộ máy chính quyền quy tụ và phát huy sức mạnh của nhân dân, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng do Đảng đề ra vì lợi ích của nhân dân. Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của mình, phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao vai trò lãnh đạo và vị thế cầm quyền của Đảng, làm tốt công tác xây dựng Đảng mà đội ngũ cán bộ là mấu chốt.


3. Vì Dân và dựa vào Dân để xây dựng Đảng là một trong những tư tưởng lớn, ở tầm chiến lược, định hình trong chủ thuyết xây dựng Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh, làm nên lịch sử vẻ vang của Đảng ta


Để có một chính đảng lãnh đạo được quần chúng nhân dân các dân tộc ở Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân. Vì Dân và dựa vào Dân mà xây dựng Đảng luôn được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đích thân Người chỉ đạo thực hiện và xem đây là điều kiện cốt yếu của lý luận về xây dựng Đảng, cũng như định hình rõ ràng mối quan hệ giữa Đảng với Dân và yêu cầu Đảng phải chăm lo xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận, trí tuệ, đạo đức cách mạng vì mục đích phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, xứng đáng hơn với niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng của mình. Tư tưởng chiến lược đó đã được Hồ Chí Minh thể hiện cô đọng trong 456 từ ở 12 điều “Xây dựng Đảng cách mạng chân chính” tại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, do Người viết vào năm 1947.


Với quan điểm Đảng nhất thiết phải gắn bó máu thịt với nhân dân, Hồ Chí Minh coi đây không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mối quan hệ giữa Đảng và Dân được Hồ Chí Minh xác định là mối quan hệ biện chứng, nó hình thành và phát triển gắn với quá trình cách mạng. Người luôn nhắc nhở chúng ta phải hiểu sâu sắc ý nghĩa, vai trò của nhân dân trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Theo Người, để giữ gìn và phát triển bền vững mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, Đảng ta phải luôn nhận thức đầy đủ và giải quyết tốt bốn vấn đề cơ bản: Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác; Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân; Đảng phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, lãnh đạo quần chúng; Đảng phải là người tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Di chúc thiêng liêng của Hồ Chí Minh, Người nói rõ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” mà hạt nhân, cốt yếu và hệ trọng là sự gắn bó giữa Đảng với Dân.


Nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, đã làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, minh chứng cho sức mạnh của Đảng và sức mạnh của nhân dân. Tổng kết những bài học lớn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi”. Cho nên, điều cốt yếu và hệ trọng của lý luận về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền là xây dựng và phát triển mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, bảo đảm cho ý Đảng phản ánh đúng lòng Dân và đường lối của Đảng thuận lòng Dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt gần 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng về xây dựng mối quan hệ Đảng - Dân là: Đảng lắng nghe Dân, vì Dân, dựa vào Dân và Dân tin Đảng trở thành nhân tố bảo đảm sự đúng đắn và thành công của đường lối cách mạng của Đảng; Đảng gắn bó với Dân và được Dân ủng hộ, đã làm nên những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; Đảng chăm lo xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc tạo nên sức mạnh của Đảng; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và thực hiện ngày càng có hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo nên niềm tin của Dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Trong khó khăn, thử thách của cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn lắng nghe ý kiến và sáng kiến của nhân dân, xem xét cách giải quyết của quần chúng và nghiên cứu học tập những nhân tố mới trong nhân dân. Trước yêu cầu lịch sử và thử thách to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy ở thời kỳ nào công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng cũng có ý nghĩa chiến lược”4. Do đó, mối quan hệ Đảng - Dân không chỉ là lý luận công tác dân vận của Đảng mà còn là chỗ kết tinh, là hợp điểm của toàn bộ nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và tổ chức cán bộ của Đảng ta.


4. Phát huy vai trò của Đảng và vai trò của Dân trong mối quan hệ Đảng - Dân để nâng cao vị thế của Đảng


Vai trò của Đảng thể hiện rõ ở chỗ, đi đôi với xây dựng đường lối đúng đắn, Đảng ta đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ của một đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn kiên định vai trò lãnh đạo và coi trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, nâng cao trình độ trí tuệ và chất lượng công tác nghiên cứu tổng kết lý luận của Đảng, chú trọng đổi mới tổ chức và cán bộ bảo đảm giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Vai trò của Đảng thể hiện ở chỗ, Đảng lãnh đạo phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” theo Chỉ thị số 30-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa VIII, ngày 18-02-1998, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-02-2010, của Bộ Chính trị, “Về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đảng lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị. Đảng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo đối với nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng.


Vai trò của nhân dân thể hiện rõ trong việc góp ý xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; trong việc tham gia xây dựng Đảng, hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình của nhân dân, thật thà góp ý và phê bình Đảng; tham gia phòng, chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng và lãng phí; giám sát cán bộ và đại biểu dân cử.


Trong giai đoạn hiện nay, phải thực hiện tốt các giải pháp xây dựng Đảng về tiềm lực tư tưởng, lý luận, trí tuệ và tổ chức cán bộ; mở rộng công khai và dân chủ trong Đảng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và khối đoàn kết liên minh công nhân - nông dân - trí thức; giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu bức xúc chính đáng của nhân dân.

TS. Thào Xuân Sùng

Ủy viên Trung ương Đảng

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

(Theo TCCS)



------------

1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 6, tr. 175; t. 10, tr. 323; t. 12, tr. 672.

4. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 43, tr. 119.

 




 

Bình luận