Giá trị truyền thống trong Tết Nguyên đán
Sen tàn, cúc lại nở hoa,
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân.
Nguyễn Du
Bằng hai câu thơ lục bát, thiên tài Nguyễn Du đã diễn tả một cách tài tình sự luân phiên của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như nhịp điệu của tự nhiên cứ lặp đi lặp lại chạy mãi trên con đường thời gian vô hạn. Sau một thời kỳ ẩn mình tránh cái giá rét của mùa đông khắc nghiệt, vạn vật bừng lên một sức sống mới mỗi độ xuân về. Những cành khô khẳng khiu trụi lá bắt đầu trổ những lộc biếc chồi non, cảnh vật được khoác lên mình một chiếc áo xanh tươi mới. Các loài vật trú đông tỉnh dậy đến mùa sinh sản, từng đàn én chao liệng lưng trời… Nếu mùa đông là thời gian ẩn tàng thì mùa xuân là mùa hồi sinh của thiên nhiên mở đầu cho một chu kỳ sinh trưởng và tàn lụi mới. Mùa xuân từ lâu đã trở thành biểu tượng của hạnh phúc, tình yêu, của những niềm mơ ước và sự phồn vinh. Đó cũng là một trong những lý do người ta đã chọn mùa xuân làm mùa mở đầu của một năm. Tết Nguyên đán được tổ chức long trọng để chào đón sự kiện này. Tết Nguyên đán còn gọi là tết Cả, bởi nó là một lễ hội lớn nhất trong năm. Dường như, Tết thể hiện một cách tập trung, đậm đặc nhất các sinh hoạt tinh thần, các ứng xử văn hóa và các giá trị truyền thống.
Tết – một thời gian thiêng
Là một bộ phận của tự nhiên, con người và đời sống con người chịu sự chi phối chặt chẽ của tự nhiên. Nóng lạnh, mưa nắng, tối sáng… không chỉ là nhịp điệu của thiên nhiên mà còn là nhịp điệu của sự sống. Trên chuỗi thời gian vô hạn, thiên nhiên biểu hiện mình thông qua các hiện tượng có tính chu kỳ: bốn mùa luân phiên, trăng tròn lại khuyết, mặt trời mọc lại lặn… Sự vận hành huyền diệu của guồng máy tạo hóa ấy được người xưa nhận thức như kết quả của bàn tay vô hình nào đó đã điều hành. Các thời điểm chuyển giao một chu kỳ tự nhiên (Sóc, Vọng, đầu các mùa, đầu năm…) được coi như thời gian bàn giao của các vị thần và đương nhiên nó có chi phối đến toàn bộ chu kỳ tiếp theo. Với quan niệm đó, thời gian chuyển tiếp của các chu kỳ tự nhiên được coi là thời gian thiêng, thời gian của thần thánh và do đó nhân gian tổ chức các lễ tế cầu phúc, cầu may.
Tết Nguyên đán xảy ra vào ngày 1 tháng Giêng lịch ta. Thực ra thời điểm này không hoàn toàn trùng khớp với tiết Lập xuân mà dao động trong khoảng trước sau đó 15 ngày. Cũng dễ hiểu, trong lịch âm dương độ dài bốn mùa (365,2422 ngày) không chứa số nguyên tháng Trăng. Năm thường 12 tháng (354 hoặc 355 ngày) ngắn hơn bốn mùa khoảng chục ngày, nên cứ vài ba năm người ta lại cài thêm tháng nhuận để xấp xỉ. Chính vì vậy, Tết Nguyên đán có năm nhanh hơn, có năm chậm hơn thời điểm đầu xuân (4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch). Mặc dù vậy trong tâm thức dân gian, Tết Nguyên đán được xem là điểm mốc đánh dấu một năm mới, một mùa xuân mới. Lúc này, trời đất giao hoà khép lại chu kỳ cũ và mở ra chu kỳ mới của tạo hóa.
Trong thời gian thiêng liêng này, người ta tiến hành cúng tế ở các nơi thờ tự như đình, chùa, quán, điện, phủ… và lễ gia tiên tại nhà. Đặc biệt vào lúc giao thừa điểm, gia đình nào cũng cúng ở giữa sân tiễn ông quan hành khiển năm cũ và đón ông hành khiển năm mới (tống cựu nghinh tân). Những ngày đầu năm mới được coi là thời gian chuẩn mực, những sự kiện xảy ra vào thời gian này có ảnh hưởng tới cả năm đó. Do vậy, người ta kiêng vay mượn, nói điều không hay, mắng chửi nhau, xin lửa… và thực hành các phong tục cầu phúc như: đi lễ, hái lộc, xông đất, chúc tụng lẫn nhau…
Tết và đạo lý uống nước nhớ nguồn
Đạo lý uống nước nhớ nguồn từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nó đã không chỉ đơn thuần là phạm trù đạo đức mà được nâng lên thành đạo lý sống và được cụ thể hóa bằng các chuẩn mực xã hội, các nguyên tắc ứng xử. Trong các dịp Tết, đạo lý uống nước nhớ nguồn được đề cao thông qua sự biểu hiện tập trung các ứng xử trong lĩnh vực tâm linh, gia đình và xã hội. Có thể nói, sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chính là linh hồn của phần lễ trong những ngày Tết, nó nhằm tái khẳng định ý thức về cội nguồn và củng cố mối quan hệ thân tộc. Trước Tết, những thành viên trong họ hàng cùng nhau đi tảo mộ, đắp điếm, tu bổ lại mồ mả và mời các cụ về ăn Tết. Người trưởng họ giải thích cho con cháu về mộ phần, vai vế và các công tích của các cụ khi còn sống. Từ đêm giao thừa cho đến hết Tết, bàn thờ nhà nào cũng đầy ắp lễ vật và không ngớt khói hương. Không chỉ lễ bái ở gia đình mình, người ta còn phải sắm sanh lễ vật đem đến lễ tổ tiên bên ngoại. Một trong những cách biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc của người Việt đối với thầy giáo và những người đã giúp đỡ mình là “sống theo Tết, chết theo giỗ”. Sở dĩ lễ Tết và giỗ chạp chính là trách nhiệm và bổn phận của người làm con đối với ông bà, cha mẹ, nhân hành vi này họ muốn thể hiện sự tôn kính thầy và ân nhân như cha mẹ mình. Việc đi thăm hỏi, chúc tết cũng theo một trình tự nhất định: “Mồng một thì ở nhà cha; Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”.
Người Việt có truyền thống tôn trọng người cao niên, “triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ”. Vào dịp đầu xuân, người ta thường tổ chức kỷ niệm thượng thọ cho ông bà, cha mẹ đến tuổi tròn 70 hoặc 80. Các gia đình bưng lễ ra đình cúng Thành hoàng và làm tiệc tại nhà để con cháu trong gia đình và bạn bè thân hữu đến chúc mừng ngày thượng thọ của các cụ rồi ăn uống vui vẻ.
Tính cộng đồng trong ngày Tết
Là cư dân nông nghiệp lúa nước sống định cư ở vùng đồng bằng châu thổ luôn phải đối mặt với thiên tai và địch họa, người Việt đã liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tính cộng đồng luôn luôn được đề cao và không ngừng được củng cố cả về cấp độ gia tộc, cả về cấp độ làng xã. Như đã trình bày ở trên, các phong tục về thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết là sợi dây tâm linh gắn kết các thành viên trong họ tộc có cùng huyết thống. Việc đi thăm hỏi, chúc tụng họ hàng đằng sau mục đích thể hiện sự quan tâm lẫn nhau là ý thức tái khẳng định mối quan hệ huyết thống. Đây cũng là dịp thể hiện tình làng nghĩa xóm, lối sống coi trọng sự hiếu hòa. Những người làng xóm láng giềng sống liền bờ sát ngạch nhau, hàng ngày ra vào gặp nhau, đi làm gặp nhau nhưng ngày Tết họ vẫn đến thăm hỏi, chúc tụng từng nhà. Làng nào cũng tổ chức các trò chơi dân gian vừa để giải trí như: đánh đu, chọi gà, đánh vật… vừa là giải trí vừa thêm tình thân mật giữa các thành viên trong người làng. Với mong muốn tống tiễn cái rủi ro, cái bất hạnh, đón chờ cái may mắn, cái hạnh phúc, người ta kiêng chửi mắng, xô xát, to tiếng với nhau mà chỉ nói đến những điều tốt đẹp tăng thêm tình đoàn kết mà thôi, ngay cả những hiềm khích trong năm cũ nhiều khi còn được giải quyết trong dịp Tết này.
Tết – dịp nghỉ ngơi tái sức sản xuất sau một chu kỳ lao động
Người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối với việc đồng áng không lúc nào ngơi tay theo nhịp điệu của mùa vụ. Tết chính là thời điểm kết thúc một chu kỳ sản xuất cũ, nghỉ ngơi để chuẩn bị bước vào chu kỳ sản xuất mới. Dù bận rộn đến mấy, các gia đình cũng xếp công việc lại để mua sắm, chuẩn bị ăn Tết, những người đi làm xa quê tất bật khăn gói trở về và công việc lại được bắt đầu sau lễ động thổ, các lễ khai nghề (khai bút, khai ấn, khai lò, khai sơn...) vào những ngày tốt sau Tết. Cả năm ky cóp, thời gian chuẩn bị Tết chính là một mùa mua sắm mạnh nhất trong năm, mọi mặt hàng đều có số lượng bán ra lớn nhất trong năm. Nhà ai cũng muốn đầu xuân nhà mình có một đồ gì đó mới hơn, chẳng hạn: cái tủ, cái sập, bộ bàn ghế... nhìn vào đó, người ta có thể đánh giá được mức độ thành công trong công việc của gia chủ trong năm qua. Người xưa từng nói: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ Giầu có ba mươi Tết mới hay”.
Sẽ là thiếu nếu nói đến Tết mà không đề cập tới phần tiệc, từ lâu khái niệm “chơi Tết” gắn liền với “ăn Tết”. Ẩm thực ngày Tết cũng khác với tất cả các ngày thường, có lẽ không có dịp nào người ta lại làm nhiều loại bánh trái từ nguyên liệu lúa gạo đến như vậy: bánh chưng, bánh chay, bánh gai, bánh chè, bánh gio, bánh giầy... ngoài ra mỗi địa phương lại có các loại bánh đặc sản riêng của mình. Cỗ Tết cũng đủ các loại thức ăn ngon: nem, chả, giò, măng, miến... Tài nghệ chế biến thức ăn có thể nói được thăng hoa cao độ.
Tết Nguyên đán với vai trò là một lễ hội lớn nhất trong năm, nó biểu hiện một cách tập trung nhất những giá trị văn hóa truyền thống thông qua những quan niệm, những phong tục, tập quán. Đúng như Trần Bình Minh viết trong cuốn sách Tết năm mới ở Việt Nam: “Cuộc sống hẳn sẽ tẻ nhạt, con người hẳn sẽ thiếu sự sáng tạo nếu không có Tết... Tết mang đến cho tất cả mọi người (chẳng trừ một ai) một sức mạnh tinh thần mà khó có hoạt động nào có thể thay thế được”. Có lẽ vì vậy mà mỗi độ xuân về trên gương mặt ai cũng tràn đầy niềm vui và hồ hởi chờ đón một năm mới tốt đẹp và hạnh phúc.
Chu Văn Khánh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực