Giáo dục - Tìm lại niềm tin và hy vọng

Ngày đăng: 08/02/2014 - 09:02

giao ducĐổi mới giáo dục lần này nhấn mạnh hai chữ: "Căn bản" và "toàn diện". Điều này thể hiện sự quyết tâm của những người chủ trương đổi mới, nhằm tìm lại niềm tin dường như đã bị vơi đi trong xã hội. Khi có mục tiêu, có biện pháp, có quyết tâm và niềm tin, chúng ta có quyền hy vọng vào kết quả tốt đẹp.

Đổi mới phải bắt đầu từ việc đánh giá đúng thực trạng giáo dục hiện nay

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ ra 8 thành tựu và 10 hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục khi đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay. Đó là một sự đánhh giá rất nghiêm khắc, nhìn thấy yếu kém nhiều hơn thành tựu, nhưng chỉ mới ở tầm khái quát, có ý nghĩa chỉ đạo, khi triển khai thực hiện đổi mới giáo dục, phải cụ thể hơn để thấy cái gì tốt cần phát huy, cái gì kém phải thay đổi.

Về thành tựu: Đáng kể là hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Hiện nay những người có nguyện vọng học tiếp sau khi tốt nghiệp phổ thông đều có thể học ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và hệ thống trường nghề. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên một bước, trong đó đáng kể nhất là chất lượng giáo dục phổ thông. Khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam được cải thiện đáng kể. Kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có thang bậc cao nhất, được các chuyên gia đánh giá cao. Nhận định về giáo dục Việt Nam, GS. Văn Như Cương đã từng nói: “Chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta không tệ như một số người vẫn nghĩ. Bằng chứng là học sinh của chúng ta ra nước ngoài học tập (hiện có tới gần 100.000 người Việt Nam học ở nước ngoài) không hề thua kém các nước khác”.

Về hạn chế, yếu kém: Dễ thấy nhất là hệ thống giáo dục của Việt Nam còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông, liên kết. Chương trình giáo dục phổ thông còn nặng nề, có một số nội dung không cần thiết. Giáo dục đại học mang nặng tính hàn lâm, lý thuyết, coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; công tác nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng; đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Nội dung, chương trình giáo dục còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp kiểm tra, đánh giá lạc hậu, thi cử nặng nề. Giáo dục Việt Nam chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm, phản ứng linh hoạt. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng không đồng đều, không hợp lý về cơ cấu; một bộ phận khá lớn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp... Những yếu kém này dẫn đến việc chất lượng giáo dục, tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chưa tạo niềm tin cho nhân dân.

Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện?

Đổi mới lần này khác với những lần trước ở hai chữ “toàn diện” và “căn bản”. Đổi mới toàn diện tức là thay đổi toàn bộ, từ nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy, phương pháp học đến cách thức đánh giá chất lượng qua thi cử; thay đổi ở tất cả các cấp học, từ giáo dục mầm non đến đào tạo đại học và sau đại học. Còn đổi mới căn bản nghĩa là nói đến cách thức, chất lượng của đổi mới trong các hợp phần cụ thể của giáo dục. Ví dụ, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn sách giáo khoa phải thay đổi để có thể đạt: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Đây là một yêu cầu mới, nhằm cho phép lựa chọn những gì phù hợp trong khối kiến thức phong phú của các lĩnh vực khoa học cho từng đối tượng. Hoặc, chúng ta phải thay đổi tận gốc việc dạy và học, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, sang phương thức trao đổi hai chiều giữa thầy và trò, nhằm làm cho bài học sinh động hơn, học sinh hiểu sâu và chắc hơn. Như vậy đổi mới giáo dục lần này sâu sắc hơn, quyết liệt hơn, với quyết tâm thay đổi tận gốc rễ nền giáo dục nước nhà.

Vẫn cần những bước đi thích hợp

Dẫu quyết tâm đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà, nhưng khi tiến hành vẫn phải chọn những bước đi thích hợp, vẫn phải dựa trên thực trạng nền giáo dục hiện nay. Không nên xem đổi mới giáo dục lần này như “một trận đánh lớn”, mà xem đây là công việc lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề.

Cụ thể là giáo dục mầm non phải tiếp tục chấn chỉnh và mở rộng để tất cả các cháu ở độ tuổi phải được học ở các trường, lớp bảo đảm tiêu chuẩn, nghĩa là những trường được cấp phép và có các cô nuôi dạy trẻ đã được đào tạo qua trường, lớp. Phải xem giáo dục mầm non là cơ sở, “nền móng” cho việc học tập suốt đời của con người.

 Giáo dục phổ thông của Việt Nam được xem là tương đối bảo đảm về chất lượng, nhưng vẫn cần đổi mới theo hướng tinh giản, học những gì cần thiết, giảm nhẹ chương trình để học sinh thoải thái, nhẹ nhàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Tăng cường việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống ngay ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Đổi mới đào tạo nghề là một vấn đề khá “đau đầu”. Yêu cầu đổi mới đào tạo nghề cũng đang rất gay gắt, bởi trên thực tế đào tạo nghề gần như là khâu yếu nhất của ngành giáo dục và đào tạo. Tổng cục Dạy nghề không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là sự khập khiễng trong nền giáo dục nước ta, gây ít nhiều rắc rối cho việc đổi mới đào tạo nghề. Hiện nay hệ thống các trường nghề đang dạy những gì có thể chứ chưa dạy được những gì xã hội cần. Vì vậy phải đổi mới dạy nghề theo hướng dạy những gì mà các doanh nghiệp cần; dạy theo hướng gắn với sản xuất kinh doanh; đi vào công nghệ cao.

Đổi mới giáo dục đại học (bao gồm cả sau đại học) là nhu cầu bức thiết nhất và quan trọng nhất, bởi vì đây là công đoạn cuối của giáo dục, cho “ra lò” sản phẩm hoàn chỉnh. Những yếu kém của giáo dục đại học bộc lộ rất rõ: Một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng. Thạc sĩ, tiến sĩ của ta rất nhiều nhưng sản phẩm khoa học lại nghèo nàn vì nhiều người chỉ có học vị mà không có kiến thức tương đương. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là sự thụ động của các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ! Sau khi tốt nghiệp, họ chỉ nghĩ tới chuyện “vác” hồ sơ đi xin việc mà không nghĩ tới chuyện tự mình tạo ra việc làm. Có lẽ đây là vấn đề cốt tử của giáo dục đại học ở nước ta. Đổi mới giáo dục đại học phải “cấy” vào đầu các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ý nghĩ họ có thể tự mình tạo ra việc làm. Sự hình thành và phát triển của tập đoàn FPT từ ý tưởng của hơn chục người bạn (chủ yếu tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov): “Chúng ta học hành đến nơi, đến chốn như thế này mà lại không làm được việc gì tử tế hay sao? Tại sao lại cứ phải đi xin việc mà không tự tạo ra việc làm?” là một gợi ý quan trọng cho việc đổi mới giáo dục đại học.

Những thuận lợi và khó khăn khi bước vào đổi mới

Thuận lợi lớn nhất là toàn Đảng, toàn dân đều nhất trí với nhau trong quyết tâm đổi mới giáo dục. Đây là thuận lợi về mặt tinh thần, thuận lợi mang tính chủ quan. Nhưng có một thuận lợi rất lớn, mang tính khách quan. Đó là việc tốc độ tăng dân số ở nước ta đã chậm lại làm giảm áp lực lên giáo dục.

Trước đây khoảng 10 năm, có khoảng 33 triệu người trong độ tuổi đi học (từ tuổi đi học đến 24 tuổi), nay chỉ còn 29 triệu người. Việc giảm 4 triệu người trong độ tuổi đi học khiến vấn đề mở rộng quy mô nền giáo dục không đặt ra nữa, vì vậy chúng ta có nguồn lực để nâng cao chất lượng. Ví dụ, trước đây vài năm, ở nước ta có trên 20 học sinh/giáo viên; hiện nay chỉ còn 17 học sinh/giáo viên (con số này ở Hàn Quốc hiện nay là 18 học sinh/giáo viên). Đây là tỷ lệ vô cùng thuận lợi để chúng ta đổi mới giáo dục một cách có hiệu quả.

Tuy vậy, khó khăn vẫn còn nhiều, mà trước hết là nằm ở tư duy và thói quen của chúng ta. Khi bàn luận, chúng ta đều nhất trí là phải đổi mới toàn diện và căn bản, song khi bắt tay vào thực hiện, chúng ta lại làm theo lối mòn cũ, vì hành vi của chúng ta chưa thay đổi cùng với nhận thức. Thứ hai là một bộ phận không nhỏ trong và ngoài ngành giáo dục vẫn chưa thật sự tin là đổi mới giáo dục “toàn diện” và “căn bản” mang lại kết quả tốt đẹp. Họ hoài nghi bởi vì những lần đổi mới trước không mang lại kết quả như mong muốn. Đó là những thuận lợi và những khó khăn cơ bản trước mắt. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vấn đề hiện nay là phải khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục để tìm lại niềm tin và thắp lên hy vọng về một giai đoạn phát triển mới của đất nước.                               

 TS. Hồ Bất Khuất

Bình luận