Tác giả: TS. Nguyễn Thị Vân Anh – TS. Nguyễn Văn Cương (Đồng Chủ biên)
Số trang: 296 trang
Giá tiền: 49.000đ
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, mà ở hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, từng bước trưởng thành và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Không thể phủ định được trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến to lớn về kinh tế và xã hội. Để tiếp tục duy trì và phát huy những thành tích ấy, buộc Nhà nước phải đưa ra được những chính sách phát triển mang tính bền vững, trong đó chính sách bảo vệ người tiêu dùng là một trong những chính sách quan trọng nhất. Có thể nói, chính sách bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả sẽ làm cho cuộc sống của người dân trở nên tốt hơn, xã hội phát triển vững chắc hơn. Mặt khác, khi các quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp phát triển nền kinh tế. Vì vậy, bảo vệ người tiêu dùng mà bộ phận quan trọng nhất là pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang là một chính sách được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm xây dựng và thực thi.
Tại Việt Nam, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ, góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và sự phát triển của đất nước, ngày 7-11-2010, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng với các các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành thực sự là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam... Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm trí tính mạng của người tiêu dùng, như hiện tượng nhà sản xuất tung ra thị trường rượu có chứa độc tố, mỹ phẩm chứa hóa chất không được phép sủ dụng, sữa có chứa melanin, thực phẩm chứa chất bảo quản gây độc hại, v.v.. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm này, trong đó phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp còn hạn chế ; các hoạt động kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự có hiệu quả ; ý thức tự bảo vệ của chính người tiêu dùng chưa cao...
Nhằm tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật bảo vệ người quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng ; đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập tham khảo cho giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do TS. Nguyễn Thị Vân Anh và TS. Nguyễn Văn Cương đồng chủ biên. Cuốn sách gồm những nội dung sau :
Chương I : Những vấn đề lý luận về bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương II : Thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương III : Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng
Chương IV : Chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương V : Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh
Chương VI : Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở một số quốc gia trên thế giới.