Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, một hiện tượng lịch sử xã hội, một thực thể xã hội và là “một nguồn lực” của sự phát triển xã hội.
Với tư cách là thực thể xã hội, tôn giáo luôn có vai trò và đóng góp nhất định trong các mặt đời sống xã hội, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong nền văn hóa của dân tộc, góp phần hình thành những giá trị đạo đức cho nhân dân ở mỗi giai đoạn lịch sử.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, bên cạnh những tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Thiền phái Trúc Lâm… còn có các tôn giáo được du nhập từ bên ngoài vào như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo…
Nội dung cuốn sách góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về bản chất, nguồn gốc, kết cấu, chức năng, vai trò của tôn giáo; lý giải một cách khoa học các vấn đề lịch sử phát triển, các hình thức tôn giáo khác nhau theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua 7 chương sách, những vấn đề lý luận chung về tôn giáo; hoàn cảnh ra đời, giáo lý, luật lẹ và nghi lễ thờ cúng, quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam của các tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Ki tô, Đạo Islam; cùng một số tôn giáo dân tộc và tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, đã được các tác giả phân tích, làm rõ.