Giải Nobel Văn học năm 2014: Thắng lợi thuộc về thể loại truyện hồi ức

Ngày đăng: 30/10/2014 - 09:10

Nhà văn người Pháp Patrick Modiano đã kể lại những hồi ức của mình về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi ấy, Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, vừa đoạt Giải Nobel Văn học năm 2014.

Modiano radiovietnam.vn

Nhà văn Pháp P. Modiano (Ảnh Reuters)

Những bất ngờ thú vị 

Vượt qua hàng loạt những ứng viên sáng giá khác như: Haruki Murakami (Nhật Bản), Ngugi Wa Thiong'o (Kenya), Svetlana Aleksijevitj (Belarus), Adonis (Syria), Ismail Kadare (Albania)... để đoạt Giải Nobel Văn chương mang tầm cỡ quốc tế năm 2014 là nhà văn người Pháp P. Modiano. Trong suốt cuộc đời hoạt động văn chương của mình, ông đã từng nổi tiếng qua nhiều tác phẩm. Sách của ông cũng được dịch sang tiếng Việt từ năm 1989: Quảng trường ngôi sao, Những đại lộ ngoại vi, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Phố những cửa hiệu u tối,… Đặc biệt là cuốn Quảng trường ngôi sao từng bán chạy trong một thời gian dài hàng chục năm trên khắp thế giới, từng đoạt các giải Roger-Nimier và Feneon của Pháp và cuốn Phố những cửa hiệu u tối đoạt Giải thưởng Goncourt. Năm 2010, P. Modiano giành Giải thưởng Văn học trọn đời Paul - Morand của Pháp.

Nhà văn P. Modiano sinh năm 1945 tại Paris (Pháp). Cha ông là một người Italia gốc Do thái, đã từng tham gia quân đội trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đã gặp và kết hôn với mẹ ông, một diễn viên người Bỉ, tại Paris trong thời kỳ nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng.

Phát biểu trước báo giới, vị Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông Peter Englund đã nói: Bạn có thể gọi ông ấy là một Marcel Proust của thời đại chúng ta (Marcel Proust (1871 - 1922) là một nhà văn người Pháp nổi tiếng từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất. Marcel Proust được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX của Pháp, vì đã để lại nhiều ảnh hưởng cho các thế hệ nhà văn Pháp sau này).

Việc Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố trao Giải Nobel Văn học cho nhà văn Pháp P. Modiano vào ngày 9-10 đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ và bàn tán xôn xao, vì ông là nhà văn người Pháp thứ 11 giành được giải thưởng cao quý này. P. Modiano là nhà văn đương đại số một của nước Pháp từ nửa sau thế kỷ XX đến thập niên đầu thế kỷ XXI. Nhiều tác phẩm của ông không chỉ nhận được các giải thưởng danh giá của Pháp, mà còn được cả thế giới biết đến.

Đến phút chót, giới chuyên môn vẫn cho rằng P. Modiano khó lòng vượt qua các đối thủ nặng ký trong danh sách đề cử, đặc biệt là nhà văn người Nhật Bản Haruki Murakami đã từng được cả thế giới biết đến với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Rừng Na Uy; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời; Biên niên ký chim vặn giây cót; Người tình Sputnik; Kafka bên bờ biển; 1Q84,... và từng là ứng viên sáng giá của giải này trong nhiều năm liền. Nhưng có lẽ vận may chưa đến với người Nhật Bản cũng như nhiều nhà văn khác. Cùng với Bằng chứng nhận, chiếc Cúp vàng và 1,1 triệu dollar là số tiền nhà văn đoạt Giải Nobel Văn học được nhận theo di thư của nhà sáng chế Nobel từ cách đây 113 năm về trước (1901 - 2014). Thực ra, trong quãng thời gian ấy, tính cả năm nay, chỉ có 106 lần Giải Nobel Văn học được trao, vì có một số năm do chiến tranh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu (đó là các năm: 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942, 1943), Hội đồng xét chọn không làm việc. Theo quy định của Ban tổ chức Giải Nobel Văn học, không ai được trao giải hai lần, người cao niên nhất được trao Nobel Văn học 2007 là nữ nhà văn Anh, bà Doris Lessing, đoạt giải ở tuổi 87 và người trẻ nhất cũng là một nhà văn Anh, ông Rudyard Kipling, đoạt Giải Nobel Văn học năm 1907, ở tuổi 42.

Có lẽ vì những điều vừa nói mà Giải Nobel Văn học bao giờ cũng tạo nên những sự bất ngờ thú vị, làm nên sức hút lớn cả về văn chương lẫn kinh tế.

Patrick Modiano và phong cách văn chương hồi ức

Vị đại diện Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển cho rằng, với nghệ thuật hồi tưởng, P. Modiano đã tái hiện những số phận bấp bênh nhất và khám phá thế giới - cuộc sống dưới sự chiếm đóng của ngoại bang... Nghệ thuật ký ức đã giúp mô tả những thân phận con người và phơi bày cuộc sống trong thời Đức quốc xã chiếm đóng.

Còn dịch giả Dương Tường, người đã từng dịch hai tác phẩm của P. Modiano là Những đại lộ ngoại vi (năm 1989) và Phố những cửa hiệu u tối (năm 1992) đã đánh giá rất cao phong cách nghệ thuật của nhà văn người Pháp này: P. Modiano không chỉ đơn thuần mô tả cái hãi hùng của những lò thiêu người trong Thế chiến thứ hai hay sự tàn bạo của những cuộc bắn giết tập thể dã man mà là đang tháo ra, lắp lại, ghép từng chi tiết trong bức tranh ký ức vương vãi đâu đó của những người đã từng buộc phải đi qua thời đại ấy... Điểm nổi bật trong tác phẩm của nhà văn là các nhân vật thường loay hoay định vị mình. Các nhân vật luôn băn khoăn, day dứt về bản thể và hiện hữu bản thân. Họ tìm về lịch sử, mong có thể cắt nghĩa được hiện tại. Bởi thế, họ luôn tìm hiểu quá khứ của mình và dưới ánh sáng ấy, họ hình dung rõ hơn những đường nét của tương lai.

Tuy nhiên, truyện hồi ức là một thể loại rất khó viết hay. Bởi lẽ, văn chương hồi ức gần giống với hồi ký hay tự truyện, nhớ lại những trải nghiệm cá nhân của tác giả mà giới chuyên môn thường gọi là thể loại cận văn học. Nếu chọn lọc không kỹ rất dễ sa vào lối kể lể dài dòng, đưa vào tác phẩm những chi tiết vụn vặt nhằm mục đích giải tỏa những ẩn ức cá nhân với gia đình, bạn bè và xã hội, làm hạn chế đáng kể những tưởng tượng bay bổng mang tính hư cấu, như một đặc trưng không thể thiếu đối với thể loại tiểu thuyết. Do vậy, các tác phẩm cận văn học thường rất ít giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Trong tác phẩm Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, là nơi hội tụ của một nhóm trẻ đặc biệt gồm: một cậu sinh viên, một thám tử, cô Jacqueline và người tình của cô. Mỗi người có một cuộc sống riêng, nhưng lại có chung một điểm là đều quen biết một cô Louki nào đó đã chết. Vậy là họ thi nhau kể về những gì mà họ tin là thuộc về Louki. Nhưng Louki là ai và có thật sự tồn tại trên cõi đời này hay không thì tất cả bọn họ đều không biết rõ, bởi lẽ, mỗi người chỉ biết được những chi tiết vụn vặt, những tưởng tượng hết sức mơ hồ về cô ấy. Còn chàng sinh viên luôn quả quyết rằng: Louki tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thể muốn chạy trốn điều gì đó...

Hay tiểu thuyết Phố những cửa hiệu u tối, đoạt Giải Goncourt, đã mô tả lại quá trình tìm cội nguồn của nhân vật chính Guy Roland, nhân viên của một công ty thám tử tư. Từ tính chất của nghề nghiệp mà anh ta luôn khắc khoải, day dứt về nguy cơ đánh mất danh tính, cũng như nhân cách cá nhân, khi hằng ngày luôn phải đóng giả một người khác, những mong tiếp cận sớm nhất những điều mình cần tìm. Guy Roland đã phải bỏ ra khá nhiều thì giờ để bám theo dấu vết của một người mất tích từ lâu mà anh ta không hề quen biết. Do quá trình tìm kiếm kéo dài, nên có lúc anh ta nghĩ rằng người ấy, rất có thể là chính mình trước đây. Trong vòng xoáy của công việc, những mẩu ký ức ẩn hiện chập chờn, rời rạc khiến anh ta không còn nhận ra được mình nữa, đến mức thi thoảng Guy Rolanda lại tự cật vấn rằng mình là ai và có thực mình đã tồn tại trên cõi đời này. Đây không chỉ là nỗi trăn trở của cá nhân anh ta, mà hơn thế, đây còn là sự day dứt của tất thảy chúng ta khi đang phải sống trong một thế giới đầy rẫy rủi ro, trắc ẩn và những vòng quay chóng mặt của kinh tế thị trường.

Phong cách kể chuyện của P. Modiano quả là rất độc đáo, đến mức trong từ điển văn học đã hình thành một thuật ngữ (khái niệm) modianienne, để chỉ những người theo hay ảnh hưởng phong cách thể loại văn chương hồi ức của P. Modiano. Đấy là lối kể về sự ám ảnh trong quá trình tìm lại danh tính đích thực của mỗi cá nhân, sự bất lực khi phải đối mặt với những rối loạn tâm thần do chiến tranh hay tốc độ phát triển quá nhanh về kinh tế, xã hội và văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa gây nên. Tuy nhiên, P. Modiano đã định vị cho mình một lối kể những câu chuyện thuộc về quá khứ rất đặc sắc, tạo nên được sự cuốn hút mạnh mẽ với đông đảo công chúng yêu thích thể loại văn chương này.

Đỗ Ngọc Yên

Nhà lý luận phê bình

(Theo TCCS)



Bình luận