Tác giả: TS. Lê Văn Giảng (Chủ biên)
Số trang: 184
Giá tiền: 28.000 đồng
Trong công tác kiểm tra, giám sát, một nội dung quan trọng là kiểm tra, giám sát cán bộ, để giúp cho cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phòng ngừa những vi phạm phát sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên đóng vai trò là rường cột của hệ thống chính trị, phần lớn phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, phẩm chất đạo đức, lối sống, đủ khả năng và điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ đã và đang có những đóng góp rất lớn cho xã hội.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bên cạnh khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được trọng công tác xây dựng Đảng, cũng đã chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém là: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định phát triển của đất nước… Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chay bằng cập, huân chương chưa được khắc phục”. Đây là nguy cơ lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà nguyên nhân quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức, chưa đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này.
Đảng ta chỉ rõ, cụ thể nguyên nhân về công tác kiểm tra, giám sát là: “Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức. lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…”.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện kiểm tra, giám sát cán bộ thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, cả về nhận thức, hành động; cả về cơ chế, chính sách, các quy định về công tác cán bộ và quy định về kiểm tra, giám sát cán bộ; cả về biện pháp và các điều kiện bảo đảm việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát cán bộ. Vì vậy, cần phải làm rõ cả lý luận và thực tiễn về kiểm tra, giám sát cán bộ trong thời gian qua, chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân; từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát để bảo đảm mục tiêu Đảng ta đã đề ra là: “Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”; “Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống”. Từ đó, xây dựng được đội ngũ “Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Vì vậy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát cán bộ giai đoạn hiện nay của tập thể tác giả cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương do TS. Lê Văn Giảng làm chủ biên.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Một số vấn đề lý luận về kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng.
Chương II: Thực trạng kiểm tra, giám sát cán bộ
Chương III: Mục tiêu, yêu cầu và một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát cán bộ giai đoạn hiện nay.