GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Xây dựng văn hóa trước hết phải tập trung xây dựng con người

Ngày đăng: 15/04/2014 - 09:04

“Nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa mắc bệnh hình thức, bệnh phong trào, chạy theo thành tích, chưa thực sự dựa vào dân, nên nhiều khi gây phản tác dụng, tốn kém, lãng phí”. Đó là nhận định của Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học (GS. VS. TSKH) Trần Ngọc Thêm, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trong cuộc trao đổi với Tạp chí Nhịp cầu Tri thức về nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

1sua

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm

Kết quả của một quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng

Phóng viên (PV): Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Giáo sư có đánh giá gì về những thành tựu chúng ta đã đạt được?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Những thành tựu về xây dựng và phát triển văn hóa mà chúng ta đạt được trong 15 năm qua là kết quả của cả một quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Thành tựu lý luận quan trọng nhất là sự chuyển biến mang tính chiến lược từ quan niệm “xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” ở Đại hội IV (năm 1976) sang quan niệm về việc xây dựng và phát triển “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã được hình thành tại Đại hội VII (năm 1991). Một thành tựu lý luận quan trọng khác là quan điểm coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” cũng đã hình thành tại Hội nghị Trung ương 4, khóa VII (năm 1993). Chính trên cơ sở hai luận điểm ấy mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được ra đời năm 1998 với hệ thống 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở những thành tựu lý luận ấy, trong 15 năm qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả cụ thể mà trong đó nổi bật là: Thứ nhất, nhận thức về văn hóa, giá trị của truyền thống văn hóa và giá trị của di sản văn hóa trong toàn xã hội ngày càng được nâng cao. Hai là, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hưng và phát huy: Nhiều đền chùa miếu mạo được phục dựng, tu bổ; nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa bác học Việt Nam và văn hóa dân gian của các dân tộc được sưu tầm, tư liệu hóa và công bố; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Ba là, những giá trị văn hóa mới đang từng bước hình thành: Một số công trình kiến trúc, điêu khắc với vốn đầu tư của nhà nước và tư nhân được xây dựng; nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật ra đời; văn hóa nghe nhìn, văn hóa đại chúng có bước tiến vượt bậc; thị trường sách báo và văn hóa phẩm sôi động và đa dạng; văn hóa mạng hình thành và phát triển nhanh chóng, góp phần tích cực vào quá trình dân chủ hóa xã hội. Bốn là, việc giảng dạy văn hóa truyền thống với môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam được đưa vào toàn bộ hệ thống đại học và cao đẳng; việc nghiên cứu văn hóa phát triển cả về lượng lẫn về chất. Năm là, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hóa thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Trong phát triển văn hóa, chúng ta đã nói nhiều hơn làm

PV: Theo Giáo sư, đâu là những hạn chế chúng ta cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Những hạn chế mà chúng ta cần tập trung giải quyết trong thời gian tới nằm cả ở lý luận lẫn thực tiễn.

Về lý luận, hạn chế lớn nhất là việc khái niệm nền tảng văn hóa được sử dụng trong các văn bản còn thiên về cảm tính; thiếu một cách hiểu mang tính hệ thống, nhất quán. Khái niệm văn hóa hiện được sử dụng trong các văn kiện và nghị quyết của Đảng theo 5 nghĩa khác nhau: Một là, văn hóa là hệ thống các giá trị do con người sáng tạo ra trong lịch sử (ví dụ: “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”); Hai là, văn hóa được hiểu là một thành tố của văn hóa theo quan niệm thứ nhất, tức chỉ lĩnh vực giáo dục, khoa học (ví dụ: “trình độ văn hóa”); Ba là, văn hóa là một thành tố của quan niệm văn hóa theo quan niệm thứ nhất, tức chỉ phần giá trị tinh thần tinh hoa của nó (ví dụ: “nhu cầu hưởng thụ văn hóa”); Bốn là, văn hóa được hiểu là một bộ phận của khái niệm văn hóa theo quan niệm thứ ba, tức chỉ phần giá trị tinh thần, tinh hoa, không bao gồm văn học, nghệ thuật (ví dụ: “gia đình văn hóa”, “đường lối văn hóa, văn nghệ”); Năm là, văn hóa là lĩnh vực quản lý nhà nước (ví dụ: “mạng lưới văn hóa cơ sở”).

Hạn chế thứ hai về mặt lý luận là các văn kiện Đảng đề cập đến vấn đề văn hóa còn chứa đựng một số mâu thuẫn. Trong đó phổ biến hơn cả là loại mâu thuẫn do sử dụng cùng lúc khái niệm văn hóa theo nhiều nghĩa khác nhau trong cùng một văn kiện, thậm chí cùng một câu. Loại mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn lôgic, chẳng hạn, cùng một nội dung “yêu nước” đã được dùng làm nội hàm để giải thích cho hai khái niệm ngược nhau là “đậm đà bản sắc dân tộc” (bảo tồn truyền thống) và “tiên tiến” (phát triển thêm những giá trị tinh hoa mới). Một mâu thuẫn lôgíc khác là trong khi phương pháp biện chứng và thực tiễn dạy chúng ta rằng mọi lý luận luôn được điều chỉnh, bổ sung, phát triển theo thời gian và không gian, thì nội dung “chủ nghĩa xã hội” lại thường giới hạn trong một số tên tuổi quá cụ thể.

Hạn chế thứ ba về mặt lý luận là trong khi nội dung quan trọng nhất của xây dựng văn hóa là xây dựng con người thì mô hình con người lại chưa được nghiên cứu và phát triển một cách hoàn thiện. Hạn chế này đã được ghi nhận trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” công bố năm 2009: “Nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng; chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng…”.

Hạn chế thứ tư là hệ thống lý luận xây dựng và phát triển văn hóa của chúng ta còn thiếu một khung lý thuyết hợp lý và hữu hiệu. Nhìn từ bên ngoài, trong các văn kiện của chúng ta không có một quan niệm cố định nào về các trụ cột của một xã hội phát triển bền vững. Nhìn từ bên trong thì các văn kiện đánh giá thực trạng văn hóa nước ta như một phép cộng cơ giới của nhiều lĩnh vực khác nhau (tư tưởng, đạo đức và lối sống; giáo dục và khoa học; văn học và nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với nước ngoài; thể chế văn hóa; thiết chế văn hóa).

Về mặt thực tiễn, những hạn chế cơ bản cũng bộc lộ rất rõ:

Trước hết, chức năng quan trọng nhất của văn hóa là xây dựng con người mới chưa đạt được. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng thực dụng do kinh tế thị trường mang lại, các thói hư tật xấu không những không giảm đi mà còn có xu hướng gia tăng. Sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong xã hội đang gây ảnh hưởng rất xấu đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh và làm sụt giảm lòng tin của dân chúng.

Nhiều cơ sở dịch vụ văn hóa được mở tràn lan, chạy theo lợi nhuận, hoạt động biến tướng, trá hình... Một số sản phẩm văn hóa chất lượng kém được phát hành, truyền bá. Việc phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống (như trùng tu, xây dựng đình chùa, tổ chức lễ hội…), phần nhiều mang tính tự phát, tính phong trào; chưa khai thác và phát huy được nhiều những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Có những trường hợp thậm chí còn xâm hại nghiêm trọng các di sản văn hóa cổ. Tệ nạn mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng, kể cả trong đội ngũ cán bộ công chức. Ăn theo tệ nạn này, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi ngày càng lan tràn… Do quản lý thiếu chặt chẽ, phối hợp chưa đồng bộ và thường xuyên nên những sản phẩm văn hóa nước ngoài không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, thậm chí độc hại, xâm nhập vào nước ta với số lượng khá lớn, làm xói mòn đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc.

Nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa mắc bệnh hình thức, bệnh phong trào, chạy theo thành tích, chưa thực sự dựa vào dân, nên nhiều khi gây phản tác dụng, tốn kém, lãng phí. Việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, xây dựng các văn bản pháp quy về văn hóa còn thiếu đồng bộ, nhiều khi chứa đựng những quy định không hợp lý, gây phản ứng trong dư luận; nên nhiều quy phạm pháp luật về văn hóa chưa đi được vào cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 21-10-2013 đã nhận định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội”. Nói cách khác, việc phát triển văn hóa chưa thực sự đi đôi với phát triển kinh tế; trong việc phát triển văn hóa, chúng ta đã nói nhiều hơn làm - đó chính là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng rối loạn hiện nay.

Qua thời đột biến rồi

PV: Bối cảnh trong và ngoài nước hiện nay có những yếu tố gì mới ảnh hưởng đến với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam so với 15 năm trước đây, thưa Giáo sư?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Có thể nói là có khá nhiều yếu tố mới. Trong nước, 15 năm trước đây, chúng ta mới bước vào kinh tế thị trường, chủ yếu là mới thấy sức mạnh thần kỳ của nó. Nhà nước và nhân dân đua nhau làm giàu. Nói xây dựng văn hóa thì biết vậy, chưa thấy sâu sắc, chưa thấy thấm thía. Nay sau 15 năm, mới thấy sự phát triển về kinh tế không đơn giản. Qua thời đột biến rồi, muốn phát triển nữa mà chỉ có tài nguyên không đủ, có nhân công giá rẻ không đủ. Ngay cả có tiền đi vay và khoa học kỹ thuật nữa cũng vẫn là không đủ. Một khi yếu tố cốt lõi cho phát triển là con người mà vẫn giữ những con người với những tính cách, phẩm chất, năng lực, nhận thức như hiện nay thì càng đổ nhiều tiền của vào cho phát triển bao nhiêu thì nợ của quốc gia càng tăng nhanh, tài nguyên càng sớm cạn, đất nước càng nhanh kiệt quệ bấy nhiêu.

Trong khi đó, 15 năm qua, những mặt trái của kinh tế thị trường đã gây ảnh hưởng tiêu cực và trong điều kiện mới, văn hóa làng, xã truyền thống cũng bộc lộ những bất hợp lý trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hai thứ đó kết hợp với nhau khiến cho con người Việt Nam biến chất nhanh chóng; cộng với quản lý bị buông lỏng, pháp luật không nghiêm đã tạo nên những hạn chế về thực tiễn vừa nêu trên. Có thể nói là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa đã bị đẩy tới mức giới hạn.

Ở ngoài nước, trong 15 năm qua, những mặt mạnh và mặt yếu của phát triển, những mặt trái của kinh tế thị trường và cả kinh tế tri thức cũng bộc lộ ngày càng rõ hơn. Các vấn đề môi trường suy thoái, khí hậu biến đổi, tài nguyên cạn kiệt ngày càng trở nên gay gắt. Những bài học phát triển về văn hóa trong quan hệ với kinh tế của các nước gần ta như Xingapo, Thái Lan, Malaixia ở Đông Nam Á; Hàn Quốc, Trung Quốc ở Đông Bắc Á cũng được nhận thức rõ hơn; giúp ta có cái nhìn hợp lý hơn trong việc định hướng cho phát triển văn hóa ở Việt Nam.

“Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”

PV: Quan điểm của Giáo sư về định hướng và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Về định hướng và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, theo tôi, việc đầu tiên là phải từ bỏ cách nhìn coi văn hóa là phép cộng đơn thuần của bảy lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức và lối sống; giáo dục và khoa học; văn học và nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với nước ngoài; thể chế văn hóa; thiết chế văn hóa. Xây dựng văn hóa trước hết là phải tập trung xây dựng con người. Sự suy thoái trong tính cách của người Việt hiện nay là hậu quả sự kết hợp những thói hư tật xấu của người Việt có nguồn gốc từ trong quá khứ của một nền văn hóa tiểu nông khép kín trong làng xã với những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường. Nó có đất phát triển là do buông lỏng quản lý, luật pháp không nghiêm, năng lực tổ chức kém. Một khi tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, tính cách... mà lệch lạc thì chúng sẽ phá nát tất cả. Nguồn gốc tham nhũng, móc ngoặc là từ đây. Suy giảm lòng tin là từ đây. Các vụ việc như Vinashin, Tiên Lãng, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, v.v. đều có nguồn gốc từ đây.

Mà xây dựng cái văn hóa con người này thì không thể dừng lại ở chỗ bằng lòng với những nhận xét cảm tính của lối ứng xử làng xã, những hiểu biết hời hợt nông cạn của tầm nhìn tiểu nông, những tư tưởng chắp vá thiếu hệ thống của một dân tộc có truyền thống trọng văn chương thơ phú. Cần xác định được một quan niệm đầy đủ về khái niệm văn hóa, một cấu trúc hợp lý về vị trí và các thành tố của văn hóa, một hệ giá trị thích hợp để phát huy được những điểm mạnh và hạn chế những thói hư tật xấu, chọn lọc tiếp nhận đúng những phẩm chất của một nền văn hóa công nghiệp - đô thị mà người Việt Nam còn thiếu, để rồi, trên cơ sở đó xây dựng được một khung lý thuyết khoa học, sâu sắc, không mâu thuẫn và mang tính hệ thống cao.

Trong thời đại toàn cầu hóa này, muốn chọn lọc tiếp nhận những phẩm chất tinh hoa thì chỉ có một con đường là không khép cửa đối phó mà phải mở cửa hội nhập hơn nữa với nhân loại. Để hội nhập, cần thực sự cầu thị và khoa học trong tư duy, tránh căn bệnh giáo điều với việc lạm dụng các sáo ngữ đao to búa lớn, các tên tuổi thiêng liêng. Để hội nhập hiệu quả, còn phải cùng lúc “trở về” với dân tộc nhiều hơn theo phương châm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (Think globally, act locally). Hành động địa phương ở đây được hiểu là xuất phát từ đặc trưng văn hóa dân tộc và khu vực.

PV: Và đâu là khâu mấu chốt có tính đột phá?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người; mà để xây dựng con người thì khâu mấu chốt có tính đột phá bao gồm hai việc:

Thứ nhất là xác định được một hệ giá trị cho Việt Nam hiện tại và tương lai. Ý tưởng về một hệ giá trị như vậy đã được đề cập đến trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996): “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Nó chỉ có thể hình thành trên cơ sở nghiên cứu kỹ những cái được và chưa được trong hệ giá trị Việt Nam truyền thống để phát huy bản sắc, kết hợp với những cái được và chưa được trong những hệ giá trị mà công cuộc hội nhập và toàn cầu hóa đang đưa vào để tiếp nhận tinh hoa nhân loại.

Thứ hai là phải đưa được hệ giá trị đó vào cuộc sống. Việc này phải do một tổ chức siêu bộ (được thành lập bởi cơ quan quyền lực cao nhất) chủ trì thực hiện, bởi lẽ chỉ có một tổ chức như thế với quyết tâm cao, mới có thể khắc phục được những tệ nạn như luật pháp không nghiêm, buông lỏng quản lý, năng lực tổ chức kém... tạo môi trường lành mạnh cho những phẩm chất tinh hoa của truyền thống có điều kiện phát triển; những phẩm chất mới, tiến bộ có điều kiện hình thành và củng cố.

PV: Giáo sư có nghĩ rằng, bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, điều quan trọng và cũng là sứ mệnh của chúng ta là phải tiếp tục sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới làm cho “vốn” văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển và tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa nhân loại?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Giá trị văn hóa có nhiều loại (văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần) và nhiều cấp độ (cốt lõi, phổ thông). Việc sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất phổ thông là nhiệm vụ mà chúng ta phải thường xuyên thực hiện để đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của xã hội. Còn sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi không phải là việc đơn giản và dễ dàng. Ở mức cao hơn, sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi để đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa nhân loại thì không phải là dân tộc nào, lúc nào cũng làm được.

Cần khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân hơn là đề cao tính tập thể cào bằng

PV: Để sáng tạo nên những giá trị mới, nhân tố con người có vai trò quyết định. Theo Giáo sư, làm thế nào để giải phóng tiềm năng sáng tạo của mọi người dân?

GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Người Việt Nam thực sự là có phẩm chất “thông minh, sáng tạo” như lâu nay vẫn nói. Nhưng sự sáng tạo này chủ yếu là sáng tạo vặt kiểu Trạng Quỳnh mà ít có sáng tạo lớn mang tính phát minh. Điều này có nguyên nhân ở truyền thống văn hóa nông nghiệp làng xã coi trọng ổn định hơn là phát triển, đề cao tính cộng đồng cào bằng hơn là khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân, đề cao người tiên phong đi đầu; có nguyên nhân ở nền giáo dục coi trọng khuôn mẫu đào tạo “trò giỏi con ngoan” (“giỏi” được hiểu là thuộc bài, “ngoan” được hiểu là dễ bảo) chứ không khuyến khích trò thông minh, con sáng tạo vượt mọi khuôn mẫu; có nguyên nhân ở thói quen quản lý xã hội thích người dưới dễ bảo, biết vâng lời hơn là người sắc sảo, có tư duy phản biện...

Do vậy, việc thực sự giải phóng tiềm năng sáng tạo của người dân đòi hỏi một hệ thống các giải pháp được thực hiện một cách kiên trì. Trong nhà trường phải thay đổi chuẩn đánh giá, khuyến khích trò nêu những ý tưởng mới lạ, độc đáo hơn là thuộc bài, làm văn theo mẫu. Trong gia đình cần phát huy dân chủ, khuyến khích phản biện, thực sự theo phương châm “con hơn cha là nhà có phúc”. Trong quản lý xã hội cần thay đổi nhận thức, coi người lãnh đạo giỏi không phải là người biết tổ chức mọi người làm theo ý mình mà là người biết tập hợp nhân tài, tạo điều kiện cho mọi người có thể phát huy tối đa năng lực của họ để đóng góp cho xã hội. Về hệ giá trị văn hóa chuẩn cần khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân hơn là đề cao tính tập thể cào bằng... Nếu làm được như vậy thì có thể hy vọng sau một vài thế hệ chúng ta mới có thể đạt đến thời đại của những nhân tài...

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS. VS. TSKH. Trần Ngọc Thêm về cuộc trao đổi này!

Hoàng Cơ (thực hiện)

 

 

Bình luận