Hồ Chí Minh - Cái nhìn văn hóa xuyên thế kỷ

Ngày đăng: 15/01/2015 - 07:01


hcmcainhinvanhoaxuyenthekyTrong hoạt động của Hồ Chí Minh những năm 1941-1945 có một việc tưởng như ngẫu nhiên. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (1941) họp ở Pác Bó, Bác đi Trung Quốc. Thời gian Bác bắt đầu xuất phát được ghi là 13-8-1942. Ngày 27-8-1942 bị nghi là gián điệp, Bác bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giam ở Túc Vinh (Quảng Tây). Hơn một năm trong tù, Bác đã làm nhiều bài thơ kiệt tác và tập hợp lại thành tập Nhật ký trong tù như mọi người đều biết. Khép lại Nhật ký trong tù, ở trang cuối phần "Mục đọc sách", Bác ghi ý nghĩa của văn hóa: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa"1. Bác còn nêu năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. Đây là sự tình cờ hay là một suy nghĩ liên tục của Bác trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta hồi đó sau Hội nghị Pác Bó? Vì chính thời gian Bác ở tù tại Quảng Tây, trong nước diễn ra hai sự kiện lớn về văn hóa. Đó là Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội văn hóa cứu quốc và đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Hoàn cảnh của đất nước ta những năm 1941 - 1945 hết sức đen tối, một cổ hai tròng; cùng với nạn đói khủng khiếp là sự đàn áp tàn nhẫn của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với mọi tư tưởng yêu nước trong lúc thuyết Đại Đông Á của phát xít Nhật được truyền bá như "ngọn cờ cứu nước" làm bao người lầm lạc. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta chủ trương đường hướng cho nền văn hóa dân tộc - lấy dân tộc, khoa học, đại chúng làm phương châm, lấy độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu. Lịch sử Đảng không ghi những cuộc bàn bạc của Bác với Tổng Bí thư Trường Chinh hay với Thường vụ Trung ương về đấu tranh văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, nhưng rõ ràng những suy nghĩ, những chủ trương của những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng không phải là riêng rẽ mà là nhất quán, liên tục. Những tư tưởng văn hóa của Bác những năm 40 đã bắt đầu nảy sinh từ những năm 20 của thế kỷ XX, từ Bản án chế độ thực dân Pháp, những bài báo sắc sảo trên báo Người cùng khổ đến những truyện ngắn, kịch ngắn của Nguyễn Ái Quốc. Những tư tưởng ấy tiếp tục được phát huy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với những phương châm hành động thấm vào lòng người "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"2, "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"3, "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà..."4, văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, v.v..

Từ ngày thành lập Đảng đến nay, trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã đặt được ba cái mốc quan trọng: Năm 1943, Đảng đưa ra Đề cương văn hóa Việt Nam; năm 1948, Hội nghị văn hóa toàn quốc thông qua Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam; Ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ra Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Cả ba văn kiện đều thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi thời điểm của cách mạng, qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, chúng ta lại phát hiện những điểm mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) hoạch định phương hướng chiến lược văn hóa cho sự chuyển mình của đất nước từ nông nghiệp lạc hậu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi những vấn đề đặt ra cho hôm nay trên mặt trận văn hóa. Quan điểm xây dựng của Hồ Chí Minh từ góc độ văn hóa được xem xét ở thời điểm hôm nay thật sắc sảo và sáng suốt. Ý tưởng "Đảng là đạo đức, là văn minh", "... văn hóa soi đường cho quốc dân đi"5 là cốt lõi của văn hóa Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Lênin đã nêu ra những tiêu chuẩn cho một đảng kiểu mới là Đảng Cộng sản, nhiều lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới đã nói nhiều về Đảng, nhưng chỉ có Hồ Chí Minh nói "Đảng là đạo đức" và từ đạo đức, Người đề cập lối sống, nếp sống, những biểu hiện cụ thể của đạo đức. Theo Mác, lối sống không chỉ là hành vi, cách xử sự của con người với con người, mà trước hết phải là sự phản ánh trung thực của một phương thức sản xuất nhất định. Mác gọi đó là "phương thức sống" phải ăn khớp với phương thức sản xuất, bao gồm cái được sản xuất ra, cách làm ra của cải vật chất và trình độ sản xuất. Hình ảnh của một xã hội tiêu thụ phương Tây rất hấp dẫn, tự nó không phải là cái gì xấu, nhưng chạy theo hướng tiêu thụ bất chấp hoàn cảnh cụ thể của đất nước vô tình khuyến khích lối sống xa hoa, lãng phí được mệnh danh là "hiện đại", nhất là đối với lớp người cầm quyền, những người "cầm cân nẩy mực" trong quản lý xã hội thì sẽ là một tai họa đối với đất nước. Hai tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (bút danh X.Y.Z) và Đời sống mới (bút danh Tân Sinh) viết từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp lại trở thành vấn đề thời sự cho hôm nay. Hai tác phẩm đó giải đáp cho chúng ta nhiều điều nhức nhối hiện nay nếu chúng ta kiên quyết tiến công mạnh mẽ vào nạn quan liêu, nạn tham nhũng, tiến công mạnh mẽ vào sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trên các mặt tư tưởng đạo đức và lối sống. "Lối làm việc" và "đời sống mới" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nằm trong phạm trù "phương thức sống" của Mác mà có một thời các nước xã hội chủ nghĩa đã đưa ra thảo luận, coi như một vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội hiện thực. Điều đáng chú ý là Hồ Chí Minh đã thấy vấn đề này rất sớm, từ trong chiến tranh gian khổ, lúc mà lối sống đua đòi, sự phân hóa giàu nghèo chưa đặt ra. Tư tưởng Hồ Chí Minh nhìn từ góc độ văn hóa về xây dựng Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thể hiện khá đậm nét trong Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII). Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành thực chất là tiến hành xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa trong Đảng, xây dựng đạo đức của Đảng, nếp sống của Đảng, là sự soi mình vào tấm gương cộng sản Hồ Chí Minh. Một lối sống cần, kiệm để xây dựng đất nước; một lối sống hiện đại bắt nhịp với tiến độ công nghiệp, thông tin hóa nền sản xuất đang đặt ra cấp thiết như một mệnh lệnh của cuộc sống hôm nay.

Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, vấn đề đặt ra là có hay không xu thế toàn cầu hóa về văn hóa? Nếu toàn cầu hóa là san bằng ranh giới quốc gia, xóa nhòa chủ quyền quốc gia thì khái niệm toàn cầu ấy khó mà áp dụng vào văn hóa. Trong lúc giao lưu, tiếp thu lẫn nhau giữa các nền văn hóa là quy luật tất yếu để phát triển của mỗi nền văn hóa, thì giữ gìn và bảo vệ bản sắc dân tộc lại là điều kiện chủ yếu để một nền văn hóa tồn tại. Đó chính là sự đa dạng của văn hóa thế giới. Văn hóa có thể chấp nhận các khuynh hướng như "chủ nghĩa đa văn hóa" (multi-culturalism), "chủ nghĩa liên văn hóa" (inter-culturalism), "chủ nghĩa xuyên văn hóa" (cross-culturalism) do tác động của toàn cầu hóa kinh tế, nhưng không bao giờ chấp nhận sự thống trị của một nền văn hóa này đối với nền văn hóa khác. Thống trị dẫn đến bạo lực và xâm lược, những biểu hiện được gọi là phản văn hóa hay "dưới văn hóa". Gần đây, nhà văn hóa học người Mỹ Huntington đưa ra luận thuyết "sự xung đột giữa các nền văn minh" cố ý giải thích cho sự thống trị về văn hóa trên toàn cầu. Sự phân chia tuyệt đối các nền văn hóa đâu có gì mới. Cách đây hơn thế kỷ, nhà văn người Anh Joseph Rudyard Kipling đã từng lên tiếng: "Ôi! Đông là Đông, Tây là Tây, hai bên không bao giờ gặp nhau". Nhận định ấy của một nhà thơ lớn ở một nước thực dân già cỗi nhất thế giới xuất hiện đúng vào năm cậu bé Nguyễn Sinh Cung ra đời (1890), người mà sau này từ phương Đông đi tìm con đường cứu nước ở phương Tây, rồi lại trở về phương Đông, đứng chắc trên mảnh đất của dân tộc mình thực hiện chân lý được rút ra từ chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946) tại Hà Nội, Người nói: "Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Đông phương và Tây phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ"6. Một cái nhìn xuyên thế kỷ, một cái nhìn của một con người mà từ năm 1923 mới gặp lần đầu, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã nhìn thấy ở chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ấy tỏa ra một nền văn hóa tương lai. Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh đang soi sáng con đường đi của nhân dân ta, chủ động và tự tin hội nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới. Văn hóa tương lai, đó là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, một nền văn hóa không thể có được ở thời kỳ phát triển nào khác ngoài thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong cái nhìn bao quát về văn hóa, độc đáo mà gần gũi với những quan điểm tiến bộ nhất thế giới, Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức và lối sống, trong nhận thức về tính đặc thù của văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt nó trong quan hệ với thế giới, với nhân loại tiến bộ. Những kết luận của Hồ Chí Minh về văn hóa là sự tổng kết cả một quá trình lăn lộn trong thực tiễn, suy ngẫm lâu dài trong hoạt động chính trị - xã hội. Càng tiến vào xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng đi sâu vào cơ chế thị trường, để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta càng thấy sự cấp bách của việc xây dựng đạo đức và lối sống thích hợp, đồng thời thấy hết sự cấp bách của việc tiếp thu cái hay, cái tốt cũng như loại trừ những cái dở, cái xấu của các nền văn hóa thế giới. Xã hội ta đang có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và lối sống, xu hướng vọng ngoại, tôn sùng phương Tây là có thật đang ngày càng tăng lên. Đối với một số cán bộ, đảng viên, căn cứ vào tiêu chí quy định thành phần giai cấp, người dân bình thường đặt câu hỏi: Các vị là ai? Chắc là các vị khó trả lời.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 (khóa VIII), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kêu gọi toàn Đảng, toàn dân nâng cao ý chí cách mạng, cùng xông ra trận như thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước, quyết tâm đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Trong chiến đấu, chúng ta đã từng làm nên những huyền thoại của thế kỷ XX, trong xây dựng, để có những huyền thoại của thế kỷ XXI, hãy bắt đầu từ đạo đức và lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cần, kiệm xây dựng Tổ quốc, tạo dựng một nếp sống mới cho xã hội công nghiệp hiện đại tương lai.

 

HÀ XUÂN TRƯỜNG

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản,

Trích trong cuốn “Văn hóa Hồ Chí Minh”,

 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.

----------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.458.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.1; t.7, tr.246; t.5, tr.157.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.XXV.

6. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Sđd, tr.20.



 

 

 

Bình luận