Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ

Ngày đăng: 07/03/2014 - 15:03

     Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa1.

Hồ Chí Minh

Hồ chủ tịch rất quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ Năm 1956 người căn dặn các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc  đoàn kết chặt chẽ ra sức tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ. Năm 1956 người căn dặn các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc đoàn kết chặt chẽ ra sức tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quyền bình đẳng của phụ nữ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, được học tập và nuôi dưỡng trong truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc; từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã cảm nhận được những tình cảm của gia đình và triết lý nhân sinh của dân tộc. Cùng với những giá trị văn hóa Đông, Tây, tất cả tạo nên những viên gạch đầu tiên xây nền đắp móng cho một tư tưởng lớn: giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ.

Từ nỗi đau của một người dân mất nước, khi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh đã chứng kiến tình cảnh và nỗi đau khổ của người phụ nữ bản xứ. Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, thăm tượng thần Tự do, Người đã đặt câu hỏi: Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới? Trong các lãnh tụ cách mạng ở thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là người viết nhiều nhất để tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, bênh vực quyền cho phụ nữ và cảnh tỉnh nhân loại về thói dâm bạo của bọn thực dân. Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa”2. Bổ sung định nghĩa về chế độ thực dân, Người nêu rõ: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người”3.

Dưới ánh sáng cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở nhận thức về sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, về những người phụ nữ bị hạ nhục về tinh thần và thể xác, mà quan trọng hơn là “cải tạo thế giới”, tức là giải phóng phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng tiến bộ và phát triển.

Vị trí, vai trò và khả năng của phụ nữ

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, khả năng của phụ nữ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người chỉ rõ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”4. Người rất tôn trọng phụ nữ. Đối với những người đã khuất, thường vào dịp 8-3, Người “kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc”5. Trong các buổi nói chuyện, Người thường “thưa các bà, các chị” trước. Nói chuyện với cán bộ làm công tác lễ tân, Người dặn phải chú ý giữ phép lịch sự khi tiếp xúc với khách quốc tế, đặc biệt là giữ phép lịch sự với phụ nữ.

Có thể nói, trong lời nói và việc làm của Người đều luôn tỏ rõ sự tôn trọng, bảo vệ, tôn vinh, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ. Theo Người, muốn nam nữ bình quyền thực sự thì phải bắt đầu từ những phép lịch sự tối thiểu đối với giới nữ.

Giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng

Mục tiêu cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ba cuộc giải phóng đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó có nội dung giải phóng phụ nữ. Giải phóng phụ nữ là một sự nghiệp cách mạng to lớn, với nhiều nội dung. Trước hết phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn rằng phụ nữ chưa được giải phóng thì nhân loại chưa được giải phóng, chưa thể nói đến chủ nghĩa xã hội. Bởi vì phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Giải phóng phụ nữ trước hết phải xóa bỏ ách áp bức dân tộc, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, đem lại hạnh phúc, tự do, dân chủ cho con người.

Ngay khi Đảng ta vừa ra đời, Hồ Chí Minh đã khẳng định, một trong những nhiệm vụ của Đảng là thực hiện “nam nữ bình quyền”. Muốn giải phóng phụ nữ, mang lại hạnh phúc thực sự cho phụ nữ thì phải thực hiện bình đẳng, bình quyền. Bác Hồ rất coi trọng và đã có những đóng góp lớn trong xây dựng Luật hôn nhân và gia đình. Người coi gia đình là hạt nhân của xã hội. Thực hiện nghiêm túc Luật hôn nhân và gia đình là một yêu cầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm thực hiện bình đẳng, bình quyền, thật sự giải phóng phụ nữ. Luật hôn nhân và gia đình không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà liên quan tới mọi người dân trong nước, đến tương lai gia đình, xã hội, nòi giống Việt Nam. Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Người căn dặn phải luôn quan tâm đến chị em phụ nữ. Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”6.

Nói đi đôi với làm để thật sự giải phóng phụ nữ

 

    "Trong số những lãnh tụ (...), chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như nam giới. Chỉ có Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa... Chỉ có Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về phụ nữ".

Jonsephine Stenson (Mỹ)

Để giải phóng phụ nữ thật sự, theo Hồ Chí Minh, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng, luật pháp, và điều quan trọng là đưa pháp luật vào cuộc sống. Người nêu rõ, phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Không thể dùng vũ lực mà đấu tranh. Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa, pháp luật. Muốn vậy phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em tham gia lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia được tốt. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Vì vậy, chị em phải tự ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ. Không ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Chị em phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Phụ nữ cần xung phong trong công việc xây dựng đời sống mới, xây dựng gia đình con cái tốt. Phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng đạo đức, tác phong mới.

Một biện pháp quan trọng là cùng với giải phóng phụ nữ đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến của người đàn ông. Người dạy, đàn ông phải kính trọng phụ nữ, không được khinh rẻ phụ nữ, đánh vợ, chửi vợ. Các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng phải chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song những quan điểm, những lời căn dặn của Người về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền vẫn luôn tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chúng ta đang sống trong một bối cảnh mới. Vấn đề phụ nữ và gia đình được đặt ra trong phạm vi toàn nhân loại. Đây là lĩnh vực cực kỳ quan trọng và hết sức nhạy cảm vì con người là vốn quý nhất. Điều cần thiết nhất hiện nay là vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đây thực sự là một cuộc cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, mọi tổ chức và gia đình nhằm thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ về mọi mặt, tạo điều kiện cho người phụ nữ Việt Nam giải quyết hài hòa, tốt đẹp nhất thiên chức người mẹ và công tác xã hội, vì một tương lai phát triển tốt đẹp của đất nước, xã hội, gia đình và cá nhân con người.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

*****

1, 2, 3, 4, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 300; t.1, tr.114; t.2, tr.115; t.7, tr. 340, 339; t.15, tr.617.

 

 

 

 

Bình luận