Hai đất nước - Một trái tim
Tên tuổi của V.I. Lênin vô cùng thân thiết đối với hàng triệu triệu người trên thế giới. Lênin đã hiến dâng cả cuộc đời, trí tuệ thiên tài, tri thức rộng lớn, nghị lực vô tận của mình cho sự nghiệp vĩ đại - sự nghiệp đấu tranh giải phóng những người lao động khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức xã hội, cho hòa bình và tương lai tươi sáng của các dân tộc trên toàn thế giới. Về mặt lý luận, người đã phát triển toàn diện chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăngghen sáng lập; về mặt thực tiễn, Lênin là người đầu tiên tổ chức thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đầu thế kỷ XX.
1. V.I. Lênin: Cách mạng là sáng tạo.
Bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, V.I. Lênin đã chứng minh cho cả thế giới: Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước là đêm trước của cách mạng vô sản. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mô hình chủ nghĩa xã hội mà Lênin tìm kiếm, xây dựng thực chất là một khai phá đầy sáng tạo. Lênin viết: Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống… Khởi đầu công việc hòan toàn mới mẻ ở nước Nga là xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa, V.I. Lênin đã chủ trương thực hiện kế hoạch xây dựng nền kinh tế phi hàng hóa, phân phối sản phẩm và tự quản. Chính sách “Cộng sản thời chiến” hay chính sách “Kinh tế mới” được áp dụng trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước Nga thời bấy giờ chính là minh chứng cho tính đúng đắn và sự sáng tạo tuyệt vời của V.I. Lênin trong quá trình đấu tranh cách mạng.
V.I. Lênin trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917
Từ những luận điểm lý thuyết, mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lênin đã thể hiện sự vận dụng tài tình những tư tưởng của học thuyết Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga lúc đó. Lênin tìm mọi biện pháp để phát triển lực lượng sản xuất, chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước bên trong nhà nước chuyên chính vô sản, v.v.. Tiếc thay, sau khi Lênin qua đời, mô hình chủ nghĩa xã hội do người phác họa những nét ban đầu không được kế thừa đúng đắn và phát triển sáng tạo. Mặt khác, theo học thuyết Mác - Lênin, để xây dựng thành công một phương thức sản xuất cao hơn chủ nghĩa tư bản, thì tất yếu phải là một công việc đầy khó khăn và lâu dài, đòi hỏi tính tự giác cao và không ngừng sáng tạo một cách có nguyên tắc. Nhưng thực tế chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu vào những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX có lúc đã không sáng tạo, thậm chí ở giai đoạn tồn tại cuối cùng của nó (thập kỷ 80, đầu 90 thế kỷ XX), những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin còn bị phá vỡ nghiêm trọng. Thiếu sáng tạo hoặc nhân danh sáng tạo mà từ bỏ nguyên tắc, đều là những nguyên nhân trong rất nhiều nguyên nhân làm đổ vỡ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cuối thế kỷ XX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Lăng V.I.Lênin ngày 16/7/1957
Trong cuộc trường chinh của dân tộc ta, nhất là kể từ khi tiếp cận chân lý Mác - Lênin, Đảng ta - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - không hề coi chủ nghĩa Mác - Lênin là một “khuôn vàng, thước ngọc” sẵn có, một “bộ sách tra cứu” nằm lòng, có thể mở ra là áp dụng được mọi điều cho các cuộc đấu tranh cách mạng trên thế giới. Trái lại, với phép biện chứng của duy vật lịch sử và tư duy năng động, Đảng và Bác Hồ kính yêu luôn biết vận dụng một cách sáng tạo nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống xâm lược và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới trên đất nước ta trong suốt 90 năm qua là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Tuân theo di huấn của V.I. Lênin, Đảng ta hiểu rằng: Sáng tạo cách mạng chính là giữ vững nguyên tắc và mềm dẻo về phương pháp; giữ vững mục đích và mềm dẻo khi sử dụng phương tiện. Nguyên tắc cao nhất của V.I. Lênin là xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân - hạt nhân lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mục đích là điện khí hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhưng phương tiện, giải pháp sử dụng để thực hiện luôn luôn phải linh hoạt và mềm dẻo. Nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến đổ vỡ và thất bại.
2. Hai đất nước - Một trái tim
Có thể nói, mặc dù Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) và Việt Nam là hai đất nước cách xa nhau hàng vạn dặm, song kỳ lạ thay, trong suốt gần một thế kỷ qua, hai đất nước đã có sự gắn bó và tình hữu nghị thủy chung, son sắt hiếm thấy trên trường quốc tế. Có thể hình dung, hai đất nước như hai anh em cùng gắn bó với một nhịp đập trái tim, trải qua cuộc đấu tranh cách mạng của cả hai dân tộc, mà điểm khởi phát như một cuộc gặp của lịch sử: Từ cuộc đời gian khổ, gian truân, bôn ba đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, trải qua hơn 30 năm, đi qua 30 nước, khắp năm châu, bốn biển, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã tìm được ánh sáng chân lý để giải phóng cho dân tộc mình. Đó là vào giữa năm 1920, khi đang hòa mình trong cuộc đấu tranh sôi nổi của Đảng Xã hội Pháp để tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin (thường được gọi tắt là Luận cương của V.I. Lênin hay Sơ thảo luận cương. Đây là 1 trong những văn kiện được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7/1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên Tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14/7/1920 và trên báo Nhân đạo (L’ Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp ngày 16 và 17/7/1920. Người đón nhận Luận cương của V.I. Lênin với niềm phấn khởi và tin tưởng của một người chiến sĩ cách mạng sau nhiều năm nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn đấu tranh cách mạng. Luận cương của V.I.Lênin đã ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Sau này, khi đã là thành viên của Quốc tế Cộng sản, chính Nguyễn Ái Quốc và nhiều cán bộ ưu tú của Đảng ta như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, v.v. đã học tập và nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin tại Trường Đại học Phương Đông (Mátxcơva - Liên Xô) và có một điều ít người Việt Nam biết rằng: trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941-1945), đã có 06 chiến sĩ Việt Nam khi ấy đang học tập ở Mátxcơva, cũng tình nguyện gia nhập Hồng quân. Ngày 07/11/1941, các chiến sĩ Việt Nam cùng các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã có mặt tại Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh lịch sử của quân đội Xôviết nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngay sau cuộc duyệt binh lịch sử này, các quân nhân đã lập tức ra mặt trận (trong đó có 06 chiến sĩ Việt Nam) và trong số họ, 3 chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam là: Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hy sinh trong trận chiến với phátxít Đức ở cửa ngõ thủ đô Mátxcơva vào tháng 12/1941.
Đặc biệt, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, với tình hữu nghị vĩ đại của Việt Nam và Liên Xô - mà những người đặt nền móng là lãnh tụ Hồ Chí Minh và lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô anh em, Liên Xô đã giúp đỡ Nhân dân Việt Nam rất nhiều cơ sở vật chất, vũ khí, khí tài, đưa hàng nghìn chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực: quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, v.v. sang giúp đỡ để Nhân dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1).
Nhìn rộng ra trên bình diện quốc tế, rõ ràng là Đảng và nhân dân Liên Xô những năm tháng ấy đã luôn luôn sát cánh, giúp đỡ Nhân dân ta hết sức vô tư, trong sáng, để chúng ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh trong thế kỷ XX. Sau khi chiến tranh chống đế quốc Mỹ kết thúc, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng đất nước với nhiều công trình thế kỷ mang dấu ấn Việt-Xô, như: Cầu Thăng Long, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… Đó là biểu tượng tình bạn, tình đồng chí anh em xã hội chủ nghĩa thắm thiết, trách nhiệm, cao thượng và đầy đủ nhất, vượt cả không gian và thời gian, đã làm nên trang sử vàng của tình hữu nghị các dân tộc xã hội chủ nghĩa anh em.
Không chỉ có vậy, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã cử hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, sinh viên sang Liên Xô đào tạo, học tập, công tác để phục vụ cho cuộc đấu tranh giữ nước và xây dựng hòa bình hôm nay. Rất nhiều cán bộ trong số đó đã và đang phát huy được vai trò, vị trí, sở trường của mình trong việc tham gia quản lý và điều hành đất nước từ Trung ương tới địa phương - nhất là công cuộc đổi mới hôm nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “V.I. Lênin là người thày đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Người còn nói: “Lênin, người thày vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”.
Nhân dịp kỷ niệm 150 ngày sinh V.I. Lênin năm nay, chúng ta thêm niềm tự hào về tình hữu nghị thủy chung, son sắt giữa nhân dân Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga) với nhân dân Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới của đất nước ngày nay, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - trách nhiệm của mỗi chúng ta là càng phải làm cho tinh thần Lênin, sức sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn sống động và tỏa sáng. Cách mạng phải sáng tạo. Đó là bài học của hôm qua, hôm nay và mai sau.
--------------------------------------------------------------------------
(1) Trong chiến tranh Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ ngày 11/7/1965 đến ngày 31/12/1974 đã có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu; trong số đó, có 13 người đã hy sinh tại Việt Nam. Vì lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình, sự hy sinh cao cả và những đóng góp to lớn đối với Nhân dân Việt Nam, từ năm 1965 đến năm 1973, 2.190 chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000 chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nguyễn Hữu Giới
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực