Hào khí Thăng Long tỏa sáng
Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2020)
“...Có một Thăng Long huyền thoại
Rồng lên từ phía sông Hồng
Có một Thăng Long áo mỏng
Gió đùa quanh tấm lưng ong...”
(Thơ Đỗ Trung Lai)
Cách đây 21 năm (ngày 16/7/1999), Hà Nội là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Tính theo niên lịch, mùa Thu này Hà Nội tròn 1010 năm tuổi. Khi Tổ quốc Việt Nam ra đời, các Vua Hùng đóng đô ở Việt Trì - Phú Thọ, cùng với năm tháng dựng xây và phát triển, đánh giặc và giữ nước đã tạo nên một thời đại vững trãi, trải qua 18 đời vua. Khi Âu Lạc hình thành, Kinh đô được dời về Cổ Loa với Loa Thành kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm chống giặc ngoại xâm, nhưng rồi thế nước suy vi, giặc kéo sang xâm lấn. Bắt đầu từ đấy, nước ta bị đô hộ và trải dài ngót nghét một nghìn năm. Một nghìn năm Bắc thuộc ấy, nhân dân ta vẫn bất khuất đứng lên đấu tranh để giành độc lập. Đến năm 938, bằng chiến thắng quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang, Ngô Vương Quyền mới rửa hận nghìn thu cho dân tộc ta, giành lại độc lập thật sự cho nước nhà.
Cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai là thời điểm nước ta chuẩn bị bước sang một vận hội mới. Lịch sử đã trao cho vương triều Lý một sứ mệnh lớn lao không chỉ giữ yên bờ cõi, giang sơn mà phải đẩy nhanh tiến trình dựng xây đất nước, làm cho nước nhà cường thịnh. Vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Từ cuộc dời đô lịch sử ấy, Thăng Long - Hà Nội, vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi” đã trở thành biểu tượng linh thiêng cao đẹp, hào hùng của dân tộc anh hùng; mảnh đất “địa linh nhân kiệt” tiêu biểu cho truyền thống ngàn năm văn hiến.
Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Thánh Gióng mà còn là quê hương của hai Bà Trưng - người đã “phất cờ Mê Linh” năm xưa. Thăng Long ngày ấy với huyền thọai nỏ thần đã làm cho quân giặc biết bao điêu đứng. Cũng chính nơi đây đã sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt với bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, bằng những vần thơ hào sảng bên dòng sông Như Nguyệt: “Nam quốc sơn hà, nam đế cư....”. Huyền thọai Thăng Long không chỉ một lần mà đã ba lần chứng kiến vua tôi nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên - Mông; với Hội nghị Diên Hồng đi vào lịch sử. Trang sử vàng ngày ấy cũng còn ghi dấu ngày cuối mùa đông năm 1427, khi bè lũ bại binh Vương Thông lếch thếch kéo nhau ra phía Cửa Nam thành Thăng Long, tuyên thệ trước người anh hùng Lê Lợi và nhân dân chiến thắng, xin rút quân về nước. Hào khí Thăng Long còn gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Chắc trong chúng ta chưa ai quên được trận chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, xuân lửa Thăng Long đã đốt cháy trại giặc Thanh, giải phòng hoàn toàn đất nước.
Hồ Gươm - một biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến (ảnh Internet)
Truyền thống Thăng Long lại được hun đúc và tỏa sáng trong thế kỷ XX, bắt đầu từ Kỷ nguyên mới của dân tộc ta/Thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Hà Nội đã vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ ngót tám mươi năm. Cũng tại Thủ đô Hà Nội tối 19/12/1946 đã nổ phát súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc. Sáu mươi ngày đêm khói lửa năm ấy của đồng bào Thủ đô cũng đã để lại biết bao huyền thoại với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc. Khí phách ấy, tinh thần ấy lại được phát huy cao độ vào Tháng Chạp năm 1972 với một trận “Điện Biên phủ trên không”, Hà Nội ta đã bẻ gục nhiều pháo đài bay B52 của giặc Mỹ, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên khắp năm châu.
Hào khí Thăng Long năm xưa vẫn luôn được người dân Thủ đô phát huy tích cực trong xây dựng cuộc sống hôm nay. Sau hơn bốn thập kỷ chấm dứt chiến tranh, nhất là thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã từng bước đổi thay, từng ngày lớn mạnh. Từ một Thủ đô nghèo nàn, lạc hậu và đổ nát sau chiến tranh với sức mạnh thần kỳ, Hà Nội đã vươn mình đứng dậy. Tăng trưởng kinh tế hơn ba thập kỷ qua, liên tục đạt từ 8 đến 12%/ năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển quan trọng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó công nghiệp tăng từ 29,2% (năm 1990) lên trên trên 66,7 % (năm 2018). Năm 2014, vốn đầu tư toàn xã hội của Thủ đô đạt 174.814 tỷ đồng (tăng 22,2% so với năm 2008); đầu tư nước ngoài vào Hà Nội từ chỗ hầu như chưa có gì vào cuối những năm 80 (thập kỷ XX) thì đến đầu thế kỷ 21 đã tăng rất mạnh (có năm lên đến hơn 10 tỷ USD, với hàng trăm dự án lớn nhỏ). Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thành phố đẩy mạnh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 83,9%, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch. Cùng với phát triển kinh tế, thành phố chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội ẩm thực v.v. được tổ chức thường xuyên, tạo sức hút cho du lịch của Thủ đô; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo. Việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, đường phố ngày càng khang trang hơn, thông thoáng và sạch đẹp, hiện đại hơn.
Một góc Thủ đô Hà Nội hiện đại hôm nay (Ảnh Internet)
Trải qua hơn ba thập kỷ xây dựng và phát triển của thời kỳ đổi mới (1986-2020), Hà Nội hiện nay vừa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999, cho đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu cao qúy này. Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến như một nơi đặc biệt an toàn và hấp dẫn du khách bởi bề dày lịch sử hơn nghìn năm tuổi với những cảnh quan kiến trúc độc đáo, di sản văn hóa phong phú (như một điểm đến của văn hóa và sáng tạo), trong đó phải kể đến sự kiện đặc biệt thu hút cả thế giới, đó là Hà Nội vừa được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai (vào tháng 2/2019) và nhiều hội nghị quốc tế quan trọng khác.
Chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, nhân dân Thủ đô đang cùng với các ngành, các cấp nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhất là Nghị quyết 11–NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011-2020”, để sao cho: “Trong 10 năm tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực và thế giới, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình” mà UNESCO đã vinh danh và trao tặng cho Hà Nội năm 1999.
Những mốc lịch sử đáng nhớ của 1010 năm Thăng Long - Hà Nội - Mùa Thu năm 1010, Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, lấy tên là Thăng Long - Kinh đô của nước Đại Việt. - Triều đại Nhà Trần, bắt đầu từ năm 1226, Thăng Long vẫn là Kinh đô của nước Đại Việt. - Năm 1397 (cuối đời Trần), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông dời đô vào Thanh Hóa, đóng ở thành mới xây gọi là Tây Đô. -Triều đại Nhà Hồ (1400-1407) đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hóa), do vậy Thăng Long trở thành Đông Đô. - Từ năm 1407 đến năm 1427, dưới ách đô hộ của Nhà Minh (Trung Quốc), Đông Đô được đổi thành Đông Quan. - Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh được 3 năm, vào năm 1430, Thái tổ Lê Lợi đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh, để phân biệt với Lam Kinh (tức Kinh thành Lam Sơn ở Thanh Hóa). Tuy vậy, tên Thăng Long vẫn thường được dùng. - Dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), thành Đông Kinh tức Kinh đô Thăng Long được gọi là Phủ Trung Đô, rồi phủ Phụng Thiên. - Năm 1527, dưới triều đại Nhà Mạc trở lại tên gọi Thăng Long. - Dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh, Kinh đô vẫn có tên gọi Thăng Long. - Mùa xuân năm Kỷ Hợi 1789 với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dẫn đại quân chiếm lại Thành Thăng Long, đánh tan 28 vạn quan xâm lược Nhà Thanh, giải phóng đất nước. - Triều đại Nhà Tây Sơn (1789-1802), Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế), gọi Thăng Long là Bắc Thành. - Năm 1831, Vua Minh Mạng (Nhà Nguyễn) thành lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hòa Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân và tỉnh lỵ đóng ở Phủ Hoà Đức, trong đó có Thành Thăng Long cũ. Thành Thăng Long được gọi là Thành Hà Nội. - Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Thành Hà Nội lần thứ nhất. Quan Tổng đốc Thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương lâm nạn và tuẫn tiết. - Năm 1882, thực dân Pháp lại đánh chiếm Thành Hà Nội lần thứ hai. Tổng đốc Hoàng Diệu sau khi không cầm cự được với giặc đã tự vẫn. - Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. - Ngày 02/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó, tại Quốc hội khóa I năm 1946, Hà Nội được lấy làm Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. - Ngày 19/12/1946, Hà Nội nổ súng mở màn cho cuộc Kháng chiến toàn quốc chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. - Ngày 10/10/1954, hơn 80.000 quân cách mạng của “bộ đội Cụ Hồ” tiến về tiếp quản Thủ đô. - Tháng 12/1972, với 12 ngày đêm ngoan cường, Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, làm nức lòng quân dân cả nước. - Năm 1976, tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa IV (thống nhất từ ngày 24/6 đến 3/7/1976), Hà Nội lại vinh dự được chọn làm Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến ngày nay. - Tháng 7 năm 1999, tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc đã trao tặng Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. |
Ths. Nguyễn Hữu Giới
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực