Thôn, tổ dân phố là nơi cộng đồng dân cư tham gia bàn bạc dân chủ một cách trực tiếp về các hoạt động tự quản trong nội bộ cồng đồng dân cư như: đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong đời sống, sinh hoạt; giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng; bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội. Trong sinh hoạt thôn, tổ dân phố, các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở được phát huy thực sự, từ đó nhân dân nắm rõ hơn, thực hiện tốt quyền dân chủ của mình, mạnh dạn góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của thôn và tổ dân phố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 6-12-2002 về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố. Quy chế đã xác định rõ, thôn, tổ, dân phố là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nhằm phát huy tích cực của nhân dân trong thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thì công tác quản lý địa bàn dân cư cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thôn, tổ dân phố. Hầu hết các thôn, tổ, dân phố đều có các loại sổ sách quản lý như: danh sách các hộ trong thôn, tổ dân phố; sơ đồ khu dân cư; sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ của gia đình; sổ nhân khẩu thường trú, tạm vắng, hoàn cảnh gia đình của từng người…, những thông tin này đã góp phần quan trọng cho các cấp chính quyền trong việc quản lý, phát triền kinh tế-xã hội của địa phương.
Cuốn sách Hỏi – đáp về thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố sẽ giải đáp một số vấn đề cụ thể về thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố.
Cuốn sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Hỏi – đáp một số quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố
Phần thứ hai: Một số văn bản tham khảo về việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố.
Tống Việt Hạnh