Tác giả: Luật gia Trương Hồng Quang - ThS. Trần Thị Quang Hồng
Số trang: 260 trang
Giá tiền: 37.000 đồng
Trong nền kinh tế thị trường, con người đều phải chịu sự chi phối bởi thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, với sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường thì các khách hàng, người tiêu dùng luôn có nguy cơ bị xâm hại bởi nhiều cách thức muôn hình vạn trạng. Bảo vệ quyền của người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ và sự nỗ lực của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế trong những giai đoạn gần đây, các quyền của người tiêu dùng được đưa lên vị trí hợp pháp và được quốc tế công nhận. Năm 1983, Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 15 tháng 3 hằng năm là “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” và kêu các quốc gia trên thế giới cùng nhau hành động để bảo vệ các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Hai năm sau, vào ngày 9 tháng 4 năm 1985, Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn bản hướng dẫn của Liên Hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng toàn thế giới, theo đó các quyền của người tiêu dùng đã được đưa lên vị trí hợp pháp và được quốc tế công nhận, đó là: Quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục và quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế những quyền đó vẫn bị coi nhẹ.
Ở nước ta, Luật bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17-11-2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27-10- 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-1- 2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16- 3- 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện nay số lượng người tiêu dùng hiểu hơn về quyền lợi chính đáng của mình, chủ động tìm hiểu thông tin, quy định Nhà nước và vận dụng các kiến thức vào việc tự bảo vệ hoặc đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức xã hội hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tăng lên. Các cơ quan chức năng cũng tập trung tuyên truyền, giới thiệu nội dung của Luật đối với xã hội, liên tục và trên diện rộng để nhấn mạnh quyền lợi người tiêu dùng cũng như khuyến cáo doanh nghiệp cần tự giác tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể thấy, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng xã hội. Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cuốn sách: Hỏi - đáp Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, gồm 6 phần:
I. Những vấn đề chung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
II. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng
III. Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
IV. Tổ chức xã hội tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
V. Trách nhiệm quản lý nhà nước và các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
VI. Bảo vệ người tiêu dùng trong một số lĩnh vực cụ thể.
Thông qua 110 câu hỏi và trả lời cuốn sách sẽ cung cấp những nội dung cơ bản của Luật bảo vệ quyền lợi năm 2010 và các văn bản khác có liên quan, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của tiêu dùng.