Công tác quản lý sử dụng tài sản nhà nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, như: ý thức trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước đã có chuyển biến tích cực; vai trò kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước, cũng như sự giám sát của các tổ chức và nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được nâng lên rõ rệt. Các nguyên tắc quản lý được đổi mới theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đang từng bước phát huy tác dụng, khẳng định sự phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thống nhất quản lý tài chính quốc gia không chỉ đối với nguồn tài chính tập trung mà cả đối với nguồn tài chính tiềm năng từ tài sản nhà nước. Việc đổi mới cơ chế quản lý trụ sở làm việc, cơ sơ hoạt động sự nghiệp thông qua việc bố trí, sắp xếp lại đã phát huy tác dụng rõ rệt tại một số bộ, nghành, địa phương triển khai tốt quy định này, bảo đảm tài sản phục vụ hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tạo điều kiện phát huy giám sát, kiểm soát từ phía các cơ quan, tổ chức cũng như cán bộ, quần chúng, nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn một số hạn chế.
Thứ nhất, đó là việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn tình trạng lãng phí, không đúng tiêu chuẩn, nhất là đối với ô tô công tại một số đơn vị sự nghiệp.
Thứ hai, tiến độ thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cũng như di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn chậm, chủ yếu mới tập trung thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, tổ chức bộ máy thực hiện công tác quản lý công sản từ Trung ương đến địa phương còn mỏng, phân tán tại nhiều bộ phận khác nhau trong cùng một đơn vị, riêng đối với tuyến huyện thì hầu hết chưa có cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý tài sản nhà nước mà chỉ kiêm nhiệm. Những hạn chế nêu trên làm cho công tác triển khai thực hiện luật bị hạn chế, thiếu đồng bộ.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách: Hỏi – đáp về Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của tác giả Lan Anh. Cuốn sách gồm 153 câu hỏi và trả lời và được đưa vào các mục cụ thể như sau:
I. Các quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
II. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản nhà nước
III. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước
IV. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài
V. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân
VI. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và đơn vị công lập chưa tự chủ tài chính
VII. Quản lý sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chứ chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp
VIII. Quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc
IX. Các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước