Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) tạo khí thế mới, niềm tin mới trong Đảng và trong nhân dân

Ngày đăng: 17/10/2012 - 11:10

Chiều 15/10, ngay sau khi bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã trả lời phỏng vấn của báo chí về những cảm nhận sâu sắc, những điều tâm đắc của mình về Hội nghị.

 

 Đồng chí Phạm Quang Nghị,
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
 

* Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), mỗi người tham dự cảm thấy mình như vừa trải qua một lớp học chính trị đặc biệt, ngắn ngày. Đó là lớp học về công tác xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình. Đặc biệt thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quán triệt kết quả, tinh thần ấy đối với tập thể Ban Chấp hành Trung ương thì mỗi cán bộ, đảng viên đều cảm nhận một trách nhiệm rất lớn trước toàn Đảng, trước nhân dân. Chúng ta làm tất cả những việc có thể để sớm khắc phục, sửa chữa những thiếu sót khuyết điểm, kể cả những thiếu sót, khuyết điểm đã tồn tại kéo dài trước kia đã nhiều lần kiểm điểm, phê bình nhưng khắc phục chưa được triệt để. Lần này, chúng ta cũng làm những việc đó, nhưng làm với tinh thần cương quyết hơn, tập trung hơn, sâu sắc hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn. Chúng ta đứng trước thời điểm mà yêu cầu đòi hỏi bản thân công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn chúng ta trong thời gian ngắn phải tạo ra được những chuyển biến rõ nét. Có nghĩa là những khuyết điểm, tiêu cực như vừa rồi chúng ta phải được ngăn chặn, đẩy lùi, không để nó tái diễn. Đây là nhận thức bao trùm mà mỗi đồng chí ủy viên Trung ương từ Hội nghị này trở về đều thấy được. 

Nhận thức thứ hai rất sâu sắc là tấm gương tự phê bình và phê bình hết sức nghiêm túc, dân chủ, cầu thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cơ quan lãnh đạo thường xuyên và cao nhất của Đảng ta, đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của đất nước, của nhân dân. Đứng trước tình trạng trong Đảng còn tồn tại những yếu kém, khuyết điểm như vậy, Bộ Chính trị tự nhận về mình trách nhiệm cao nhất, tự phê bình sâu sắc nhất, tự xin Ban Chấp hành Trung ương có hình thức kỷ luật nào đó trước tình hình không ngăn chặn được yếu kém vừa qua. Nhưng trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, sâu sắc, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đồng ý là không nên xử lý kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị, nhưng đồng thời rất mong muốn, đòi hỏi Bộ Chính trị và cá nhân từng ủy viên phải bằng công việc cụ thể sớm khắc phục sửa chữa yếu kém, khuyết điểm không chỉ của riêng Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà của Đảng.

Nhận thức sâu sắc thứ ba là cán bộ, đảng viên đang rất trông chờ kết quả Hội nghị Trung ương 6 lần này. Một Hội nghị vừa giải quyết những việc cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược rất lâu dài, trong đó có vấn đề xây dựng Đảng. Những kết quả bước đầu đạt được của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp tỉnh, thành và có nơi đang triển khai xuống các cấp quận, huyện thực sự đang tạo được các chuyển biến tích cực từ tập thể đến từng cán bộ, đảng viên, tự soi, sửa lại mình, tiếp thu các ý kiến phê bình của đồng chí mình để sửa chữa, khắc phục.

Trong thời gian vừa qua, Đảng bộ Thành phố Hà Nội cũng giống như các đảng bộ trực thuộc Trung ương trong cả nước đã triển khai rất nghiêm túc theo hướng dẫn của Trung ương về các bước, cách làm, các nội dung cần kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong cấp ủy của mình. Cho đến thời điểm hiện nay, Đảng bộ Thành phố đang triển khai về cơ bản gần như là khắp các đảng bộ trực thuộc (khối, các quận, huyện, sở, ngành). Không khí nói chung là hết sức nghiêm túc. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ có quy mô, đảng viên rất lớn với trên 34 vạn đảng viên, chiếm gần 1/10 số đảng viên cả nước. Yêu cầu đối với của Trung ương đối với cả nước đã rất cao, đặc biệt đối với Đảng bộ Thành phố Hà Nội yêu cầu đó càng được đặt ra hết sức nghiêm túc. Chúng tôi nhận thức được yêu cầu ấy nên công tác chuẩn bị, tổ chức tự phê bình và phê bình trong Ban Thường vụ vừa rồi và hiện nay đang triển khai tới các đảng bộ trực thuộc đều toát lên tinh thần trách nhiệm rất là cao. Mọi người đều thấy rằng hoạt động tự phê bình, phê bình lần này không chỉ đóng góp vào sự vững mạnh trong sạch chung của từng tổ chức Đảng và toàn Đảng mà mà nó cần thiết đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.

Sắp tới đây, Đảng bộ Hà Nội một mặt thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của Trung ương. Mặt khác, chúng tôi sẽ tập trung làm thật tốt hai vấn đề. Đó là chuyển tải sao cho được kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương về tính nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, xây dựng đến tất cả cán bộ, đảng viên. Thứ hai, tạo được chuyển biến thật sự trên thực tế. Đây là điều cốt yếu nhất, là thước đo đánh dấu việc kiểm điểm này có kết quả hay không, kết quả nhiều hay ít. Bản kiểm điểm của mỗi người, của tập thể sâu sắc là quan trọng nhưng sau bản kiểm điểm ấy phải là sâu sắc trên việc làm, sâu sắc trong hoạt động thực tiễn, sâu sắc trong sửa chữa yếu kém, khuyết điểm...

 

 Đồng chí Lê Thanh Hải,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

* Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Với trách nhiệm được phân công, tôi đã kiểm điểm trong tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi báo cáo kiểm điểm tập thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo cho Ban Chấp hành Trung ương được góp ý sâu sắc, trách nhiệm, bằng trí tuệ tập thể của Trung ương làm cho tôi thấy hết sức sâu sắc, hết sức thấm thía về những mặt làm được và những khuyết điểm. Đặc biệt là thấm thía về những thiếu sót không chỉ với trách nhiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh mà trách nhiệm là thành viên Bộ Chính trị, phải đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới cho cả trách nhiệm bản thân mình mà còn cả gia đình. Chúng tôi nghĩ rằng, là người cán bộ đảng viên khi trách nhiệm ngày càng cao, việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, quy định của Đảng, đòi hỏi phải làm gương, hy sinh không chỉ cho bản thân mà cả gia đình để thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng phân công.

Qua kiểm điểm cho thấy, việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, trước khi tiến hành kiểm điểm tự phê bình là cách làm có ý nghĩa rất tích cực. Đây cũng là điểm mới so với tất cả những lần trước đây. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhận được các ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí đã nghỉ hưu với một tinh thần trách nhiệm rất cao, rất tâm huyết, với mong muốn Đảng ta vững mạnh, từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong sáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao được uy tín. Đây là một kênh thông tin quan trọng, cho thấy nếu có sự lắng nghe tốt, cầu thị tốt, bản thân mỗi cá nhân sẽ tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ. 

Kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đạt được theo yêu cầu Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra là khắc phục được một cách căn bản kiểm điểm tự phê bình và phê bình không phải là chỉ thấy khuyết điểm, yếu kém của người khác, chỗ khác, thể hiện tinh thần nghiêm túc, dân chủ, cầu thị, tính tự giác cao của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là biểu hiện nêu gương cụ thể cho cấp dưới học tập và noi theo.


 Đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng,
 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

* Đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Hội nghị lần này có rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Quốc hội. Ví dụ như vấn đề về đất đai, sắp tới Quốc hội sẽ cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương trong vấn đề xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật về đất đai. Đó là trách nhiệm trực tiếp của Quốc hội và của Đảng đoàn Quốc hội. Chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ này do Trung ương đã giao. Hay là vấn đề về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Đó là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ mà sắp tới phải làm cụ thể hóa.

Về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng thì chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương khóa XI theo kế hoạch. Đảng đoàn Quốc hội cũng sẽ có cuộc họp để đánh giá toàn diện hơn nữa trên cơ sở kết quả kiểm điểm của Bộ Chính trị. Đảng đoàn Quốc hội căn cứ gợi ý đó để làm rõ thêm và hoàn thành tốt hơn việc kiểm điểm này. Chúng tôi còn làm một bước nữa là ở các đồng chí đảng viên chuyên trách làm công tác Quốc hội cũng phải tham gia góp ý tích cực.

Qua đợt kiểm điểm lần này, chúng tôi thấy có trách nhiệm rất lớn: là người đại biểu Quốc hội thì phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội nói chung và đặc biệt là trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội với nhân dân và đất nước. Ví dụ, chúng tôi làm công tác dân tộc trong lĩnh vực của Quốc hội thì chúng tôi phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, khảo sát tình hình, cùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để làm sao truyền được những tâm tư, tình cảm đó, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, những khó khăn đó đến Quốc hội để Quốc hội cụ thể hóa giúp đỡ những vấn đề khó khăn cho đồng bào dân tộc.

Đề cập đến vấn đề chất vấn trong Đảng, đồng chí Ksor Phước cho biết: Vấn đề này, bắt đầu từ Trung ương khóa X đã có chủ trương là tổ chức chất vấn trong Đảng. Cần tăng cường hoạt động chất vấn trong Ban Chấp hành Trung ương vì Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan do Đại hội bầu, chịu trách nhiệm giữa hai kỳ đại hội về vấn đề lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội. Các quyết sách quan trọng nhất của các cơ quan nhà nước đều phải thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, chất vấn là vấn đề rất đúng và chất vấn phải ở tầm của Ban Chấp hành Trung ương.

Chất vấn trong Trung ương không chỉ là chất vấn các đồng chí có chức vụ trong Đảng mà là chất vấn cả các đồng chí ủy viên Trung ương, bất cứ vị trí nào, từ Tổng Bí thư trở xuống đều nằm trong đối tượng được chất vấn. Tôi thấy chủ trương này rất đúng, tôi cho đó là quyết tâm cao của Bộ Chính trị và làm được cái này là rất tốt.

Vừa rồi, mới chỉ làm được một số vấn đề thôi, nhưng tôi cho rằng, đây là cái mở đầu tốt, hy vọng là các hội nghị sau, việc chất vấn sẽ trở thành vấn đề bình thường trong Đảng, trở thành nét thực sự dân chủ, phát huy trách nhiệm của từng đồng chí Ủy viên Trung ương đối với các vấn đề chung của Ban Chấp hành Trung ương.

 

 Đồng chí Lương Ngọc Bính, 
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

* Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình: Hội nghị lần này đã để lại một ấn tượng hết sức sâu sắc đối với mỗi đại biểu tham dự. Đây là một Hội nghị diễn ra dài ngày nhất, bàn bạc nhiều nội dung, ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận nhất của Ban Chấp hành Trung ương. Trong số đó, nhiều nội dung liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển con người, đảm bảo an ninh quốc phòng và những vấn đề liên quan đến quy hoạch cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương. Những vấn đề được Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo lần này có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đến tiến trình phát triển của Cách mạng.

Trong các nội dung của Hội nghị, đồng chí Lương Ngọc Bính đặc biệt tâm đắc với phần thảo luận về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện lĩnh vực giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đồng chí Lương Ngọc Bính, đây là Đề án được Trung ương thảo luận, bàn bạc rất kỹ. Đây cũng là một trong số những đề án nhằm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới mục tiêu đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đồng chí Lương Ngọc Bính cho biết, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức quán triệt và tiếp thu một cách nghiêm túc những nội dung mà Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận và thông qua nhằm nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ và đảng viên. Qua đó góp phần thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các Kế hoạch, Chương trình hành động để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Hội nghị. Đồng thời, lựa chọn những vấn đề then chốt, bức xúc để ưu tiên triển khai thực hiện và coi đây là những biện pháp mang tính chất đột phá nhằm đưa những nội dung của Hội nghị Trung ương 6 vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả