Hội thảo khoa học "Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam"

Ngày đăng: 10/10/2012 - 16:10

hoithaokhoadoc

Chiều 8/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam”.

 Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: Văn hóa đọc – một bộ phận cấu thành nền văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành và phát triển của con người mới, những công dân có hiểu biết và trí tuệ, để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại- xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực- nhân tố quyết định mọi thành công. Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Pa-ri (ngày 25/10-16/11/1995) Tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới”, trong đó xác định rõ mục tiêu là tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ, đồng thời là dịp để khuyến khích tất cả mọi người nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc. 

Ở nước ta trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, trước năm 1975, cả nước xuất bản hàng năm chưa đầy 4.000 tên sách, đến này số lượng sách xuất bản gần 25.000 tên sách/năm, tăng hơn 6 lần, đạt mức hưởng thụ bình quân 3,2 bản sách/người/năm. Việc phát triển của văn hóa đọc còn thể hiện ở các thư viện tư nhân, dòng họ, gia đình với những bộ sưu tập sách có giá trị, phong phú ngày càng phát triển. Chỉ trong hơn 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện trong đời sống xã hội những điểm bưu điện văn hóa xã, những điểm đọc báo, tạp chí mới tại nhiều vùng nông thôn, khu công nghiệp…Xuất hiện nhiều nhà sách với chuỗi cửa hàng bán sách kết hợp với các mặt hàng văn hóa phẩm khác, được tổ chức theo mạng lưới liên kết, trong đó phải kể đến những siêu thị sách hiện đại. 

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có những chương trình giới thiệu về các tác giả, tác phẩm mới; các chương trình hướng dẫn đọc thường xuyên hơn. Các Hội chợ sách trong nước và quốc tế, các phố sách cũng đã được tổ chức ở các thành phố lớn. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của các thư viện điện tử trên mạng Internet đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Với những thuận tiện này đã góp phần tạo thành thói quen, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, văn hóa đọc của ViệtNamvẫn còn có những hạn chế nhất định như: Chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng cùng tham gia phát triển văn hóa đọc. Mức hưởng thụ đọc của người dân giữa thành thị và nông thôn còn mất cân đối. Văn hóa đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch….lấn át. Xu hướng đọc của người dân ít nhiều có biểu hiện lệch lạc… 

Do đó, Hội thảo lần này nhằm thực hiện mục tiêu của Đảng, Chính phủ là xây dựng một xã hội học tập, hướng tới đề xuất trình Chính phủ công nhận "Ngày đọc sách ViệtNam". 

Sau thời gian dài chuẩn bị, Hội thảo đã tập hợp được 20 bài tham luận của các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về văn hóa tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thực trạng văn hóa đọc hiện này và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; Xu hướng phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới; Những cơ sở lý luận, thực tiễn để chọn “Ngày đọc sách Việt Nam”. 

Cùng với những bài tham luận này, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất cần phải lựa chọn một ngày là “Ngày đọc sách ViệtNam”. Nếu được công nhận, ngày này sẽ chính thức trở thành ngày hội khuyến khích đọc, tôn vinh sách, tác giả, tác phẩm, tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh những người làm nghề xuất bản, phát hành, thư viện….Qua đó để hướng tới việc xây dựng định hướng đọc vì một mục tiêu cao cả: Đọc sách vì ngày mai tươi sáng! Đọc sách cho xã hội tốt đẹp hơn! 

Kim Thoa

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận