Hội thảo về bảo vệ nguồn tin trong hoạt động báo chí phòng chống tham nhũng

Ngày đăng: 18/10/2012 - 08:10

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật này được cho rằng có thể tạo nên “rào cản” đối với hoạt động báo chí.

Hoi thao bao ve nguon tin 

Hội thảo "Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”. (Ảnh: TH)

Trong khuôn khổ các thảo luận về khung pháp lý cho hoạt động báo chí phòng chống tham nhũng (PCTN), ngày 15/10, tại Hà Nội, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “ Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”.

Bảo vệ nguồn tin vừa là pháp lý, vừa là đạo lý

Theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

 Trên thực tế, nguồn tin là nguồn nuôi dưỡng sự sống của tờ báo. Thu thập nguồn tin là vấn đề rất thiết thân và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với thể loại báo chí điều tra chống tiêu cực, tham nhũng. Vì vậy, bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc hết sức quan trọng cần phải được bảo đảm trong hoạt động báo chí. Bản chất của cạnh tranh báo chí chính là cạnh tranh nhau về nguồn tin. Nếu có nguồn tin tốt, nhanh, chính xác và bảo vệ nguồn tin này chặt chẽ thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng xã hội cao.

 Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Trưởng Ban Kinh tế báo Tiền Phong, đây được coi là một trong những quy định tiến bộ, khá chặt chẽ giúp phóng viên bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ nguồn tin. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 101 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Theo ông Kiên, quy định trên không chỉ trái với Luật Báo chí hiện hành mà còn trái với với chính Luật PCTN. Vì, Luật này quy định người tố cáo tham nhũng có quyền đến cơ quan nhà nước hoặc đến cơ quan báo chí để tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, nên việc đòi hỏi cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin là mâu thuẫn, hơn thế cản trở cuộc chiến chống tham nhũng. 

Thực tế trên cho thấy, việc mở rộng đối tượng được yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin là cực kỳ nguy hiểm cho chính người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Do đó, trong điều kiện hiện nay, khi báo chí được đánh giá ngày càng có vai trò trong công tác PCTN thì thay vì mở rộng nên thu hẹp bớt đối tượng được yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin.

 Ông Hoàng Nghĩa Nhân, Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội cũng đặt vấn đề: Cơ quan có thẩm quyền ở đây cụ thể là những cơ quan nào, cấp thẩm quyền nào? “Thông tin, tài liệu” mà cơ quan pháp luật, cơ quan PCTN cần được cung cấp là thông tin mà báo chí đưa về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hay nguồn tin mà dựa vào đó báo chí phát hiện vấn đề? Quy định như dự thảo có phù hợp không? Nếu có độ vênh với luật chuyên ngành báo chí như vậy, hậu quả pháp lý là gì?...

 TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần phải xác định cho rõ việc cung cấp thông tin quý báu vừa là quyền, nghĩa vụ thiêng liêng của công dân. Bảo vệ nguồn tin vừa là pháp lý, vừa là đạo lý.

 Rào cản?

 Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định không rõ như trên sẽ dẫn đến khả năng cơ quan báo chí, nhà báo phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị những cơ quan tự nhận là “có thẩm quyền” truy vấn và can thiệp dẫn đến cản trở việc đấu tranh chống tham nhũng của những đối tượng này. Điều này cũng đã được đại diện của báo Tiền phong phản ánh khi một số phóng viên và cán bộ của báo đã bị cơ quan điều tra triệu tập để truy hỏi về nguồn thông tin lấy khi đăng bài một số vụ án kinh tế lớn. Và như vậy, theo Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh niên), quy định này đã vô hình chung “trói tay” báo chí, qua đó giảm hiệu lực đấu tranh chống tham nhũng.

 dao duc nghe bao-infonet

Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: infonet.vn)


 Phân tích tác động của Điều 101 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đối với người tố cáo tham nhũng thông qua báo chí, Luật sư Mai Lương Việt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt và Cộng sự) cũng đồng tình với cách đặt vấn đề của ông Nghĩa Nhân - Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh;  đồng thời, đặc biệt lưu ý Luật PCTN nên có quy định tương tự như quy định hiện hành của Điều 7 Luật Báo chí. Tuy nhiên, theo Luật sư Mai Lương Việt, nếu không đưa vào Luật thì các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể.

Tại hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng, cần coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ “đặc biệt”, theo đó có cơ chế bảo vệ, đồng thời xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những hành vi gây khó khăn, cản trở cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

 Hơn thế, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong dự thảo Luật PCTN theo hướng rõ ràng, minh bạch, tránh trường hợp pháp luật lại trở thành rào cản đối với hoạt động báo chí; coi đây là công cụ quan trọng để khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng.

 

 

Điều 101: Vai trò và trách nhiệm của báo chí (Trích Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi)

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng.

2. Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

3. Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

5. Cơ quan báo chí, phóng viên phải đưa tin trung thực, khách quan. Tổng biên tập, phóng viên chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.


Thu Hằng

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam


Bình luận