Hiểm họa từ tiếng ồn giao thông

Ngày đăng: 30/07/2013 - 09:07

Ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại các nước đang phát triển và ngày càng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của con người. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trong những nguồn gây tiếng ồn chính ở đô thị, gồm hoạt động công nghiệp - sản xuất, giao thông, xây dựng - dịch vụ và sinh hoạt thì tiếng ồn từ các hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất và gây ra những tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe của con người.

 Hiem hoa tu tieng on giao thong

Các công trình xây dựng là một trong những nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn - Một dạng ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, việc nghiên cứu và đưa ra những giải pháp ngăn ngừa cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn chưa thực sự được quan tâm như các dạng ô nhiễm khác: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn đất, nước…, mặc dù những hệ quả mà nó mang lại là hết sức đáng báo động.

Mức độ ô nhiễm tiếng ồn được xác định bằng cường độ âm thanh. Đơn vị đo cường độ âm thanh là decibel (dB). Theo một số tài liệu, hơi thở của chúng ta phát ra âm thanh có cường độ 10 dB, tiếng lá rơi là 20 dB, tiếng nói chuyện bình thường là 30 dB, tiếng máy giặt hoạt động là 50 dB, động cơ xe hơi, xe máy là 55-80 dB, tiếng ồn ngoài đường phố khoảng 70 dB, công trường xây dựng hay tiếng còi inh ỏi tạo nên tiếng ồn ở mức 90-100 dB, còn máy bay cất cánh thì tạo ra tiếng ồn lên tới 120-140 dB…

Khi tiếng ồn ở mức 50 dB đã gây phiền; ở mức 55-80 dB gây khó chịu, mệt mỏi; mức 90 dB khiến người ta cảm thấy rất khó chịu; mức 100 dB tiếng ồn đã ở mức nguy hiểm, gây nhức tai; vượt mức 130dB thì người nghe có cảm giác đau tai, có thể gây tổn thương tâm trí; còn khi cường độ âm thanh lên tới 160-170dB có thể gây điếc.

Những thương tổn do tiếng ồn gây ra không chỉ được đánh giá dựa trên độ ồn, mà còn phụ thuộc vào thời gian chịu ồn và khoảng cách với vị trí phát sinh tiếng  ồn. Ví dụ với độ ồn ở mức dưới 80 dB, chúng ta có thể chịu đựng được mà không cần thiết bị chống ồn. Nhưng ở mức 90 dB, không mang bảo vệ, mỗi ngày sức ta chỉ chịu tối đa một giờ. Nếu phải chịu 100dB thì mỗi ngày chỉ tối đa 15 phút. Ở mức trên 105 dB thì mỗi ngày con người chỉ có thể chịu tối đa 5 phút.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT, đối với khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính...), tiếng ồn trong giới hạn cho phép từ 6 giờ đến 21 giờ là 70 dB, từ 21 giờ đến 6 giờ là 55 dB. Đối với khu vực đặc biệt (những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác...), tiếng ồn cho phép từ 6 giờ đến 21 giờ là 55 dB, từ 21 giờ đến 6 giờ là 45 dB1. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta thường xuyên phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép. Theo kết quả quan trắc năm 2011 của Tổng cục Môi trường, con số các điểm đo ồn vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là rất lớn. Cụ thể tại khu vực phía Bắc, tiếng ồn tại tất cả 11/11 điểm quan trắc của trục đường nội thị và 5/11 điểm quan trắc tiếng ồn tại các trục đường lớn vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 15/16 điểm đo tiếng ồn tại các đô thị miền Trung vượt quá Quy chuẩn. Tại các đô thị miền Nam, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nhẹ hơn nhưng cũng có tới 7/8 điểm tại các trục đường lớn, 5/7 điểm tại các trục đường nội thị vượt chuẩn.

Tiếng ồn giao thông - điểm những nguyên nhân

Tiếng ồn giao thông tạo nên bởi sự cộng hưởng từ hoạt động của các công trình xây dựng, khu vực tập trung đông người như nhà ga, trường học, quảng trường, khu phố thương mại… nhưng chủ yếu vẫn đến từ hoạt động của các phương tiện vận tải như tiếng còi xe, rú ga, tiếng phanh xe, đóng mở cửa xe, tiếng ồn do động cơ, do ống xả, tiếng ồn do rung động các bộ phận xe, do sự tương tác giữa lốp xe và mặt đường, nhiều lúc cả tiếng la hét của phụ xe đã gây giật mình hốt hoảng cho người đi đường v.v..  

Ở nước ta hiện nay, lượng phương tiện tham gia giao thông đang tăng chóng mặt với mật độ lưu thông ngày càng lớn. Tại các đô thị thì xe máy vẫn là phương tiện chính trong giao thông đường bộ, ngoài ra, còn một lượng không nhỏ các loại xe cơ giới và xe thô sơ: ô tô con, xe tải, các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi...

Vấn đề đáng nói trước tiên là chất lượng của các phương tiện tham gia giao thông. Chỉ bằng quan sát thông thường cũng dễ dàng nhận ra rằng hiện nay có quá nhiều phương tiện kém chất lượng vẫn được tham gia lưu thông hằng ngày, thậm chí nhiều phương tiện đã cũ nát. Những phương tiện này không chỉ là tác nhân gây nên những tiếng ồn khó chịu mà còn xả khói đen, rò rỉ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường, không khí. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong tổng số 177.438 lượt phương tiện cơ giới được kiểm định tháng 4-2013, số lượt không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường chiếm 17,91%. Tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn theo từng nhóm hạng mục kiểm tra cụ thể như sau: hệ thống phanh: 53,00%; hệ thống lái: 29,30%; bánh xe: 9,90%; khí xả: 54,50%. Qua những con số thống kê, có thể thấy tình trạng kỹ thuật xe có tác động rất lớn đến việc tạo nên tiếng ồn. Nếu xe được bảo dưỡng tốt, tình trạng máy hoàn hảo, tình trạng thùng xe và khung xe chắc chắn, độ giảm xóc tốt thì tiếng ồn sẽ giảm.

Một nguyên nhân lớn gây ô nhiễm tiếng ồn nữa là việc lạm dụng còi xe của những người tham gia giao thông. Luật giao thông đường bộ quy định những hành vi bị cấm liên quan đến việc sử dụng còi bao gồm: bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi; lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng2. Mặc dù luật pháp đã quy định như vậy, nhưng trên thực tế, việc chấp hành những quy định trên còn rất kém.

Gần đây người ta đã nói đến “văn hóa bấm còi” vì sự bấm còi “vô tội vạ” của người điều khiển phương tiện: đường đông - bấm còi; đèn đỏ vừa chuyển sang xanh, người phía trước còn chưa kịp đi - bấm còi; tắc đường - bấm còi; đi ngược chiều - bấm còi; thậm chí, một mình một đường - cũng bấm còi… Nhiều người còn tự trang bị còi hơi, dù đây là loại còi đã bị cấm và đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do lái xe sử dụng loại còi này.

Anh chàng Dâu Tây, người được đạo diễn Lê Hoàng đánh giá là “một chàng Tây viết hay hơn ta”, đã có những miêu tả rất dí dỏm nhưng cũng rất… đúng về “các tay còi Việt Nam”. Dâu hình tượng hóa việc sử dụng còi và hình dung tất cả giống như một “dàn nhạc đường phố Việt Nam”: Kẻ “cài còi to vào chiếc xe nhỏ” được Dâu gọi là tay còi giả hay tay còi lừa đảo; tay còi khản là kẻ “bóp còi nhiều đến mức không còn còi để bóp”; tay còi liên thanh được Dâu gán cho những kẻ coi “cái còi của mình là súng chống máy bay và các xe đi trước đều là B52 hết”; rồi tay còi suốt thì “thay vì bóp nhiều lần liên tiếp, hắn bóp một phát dài”…

Phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông, trong đó không ít vụ có nguyên nhân do chất lượng phương tiện không đảm bảo và sử dụng còi xe không hợp lý, chung quy có thể thấy hầu hết đều bắt nguồn từ ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông. Theo kết quả phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông năm 2010 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu như số vụ tai nạn do phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật chiếm 11,5%, do kết cấu hạ tầng và các nguyên nhân khác chiếm 18,2%, thì số vụ tai nạn bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển phương tiện chiếm tới tận 70,3%.

Những hậu quả đối với cuộc sống con người

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, ở Việt Nam, khi hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng còn chưa được quy hoạch một cách khoa học, hợp lý, các quy định pháp luật về giao thông, các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông còn chưa đầy đủ, đồng bộ, nghiêm minh thì vấn đề ô nhiễm tiếng ồn giao thông đang trở nên ngày càng bức xúc, gây nhiều phiền toái và hệ lụy đối với người dân và cả với chính những người tham gia giao thông. 

Hậu quả hiện hữu có thể nhận thấy rõ là nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên khắp cả nước do chất lượng phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo hay do tiếng còi xe quá to gây giật mình, mất lái cho người đi đường. Tuy nhiên, có những hậu quả không đến ngay lập tức, nó đang từng ngày, từng giờ tác động dần lên sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của con người.

Ảnh hưởng tới thính giác: Tùy thuộc vào tần số, cường độ ồn và thời gian tiếp cận với tiếng ồn, hậu quả đối với cơ quan thính giác có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Những người tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài, thính giác sẽ bị giảm dần rồi đưa tới điếc hoàn toàn. Tiếng động mạnh có thể gây điếc tức thì hoặc vĩnh viễn.

Tác động xấu tới hệ tim mạch, huyết áp, dạ dày: Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn sẽ đưa tới sự thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi. Đối với hệ tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim và sự tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn có thể khiến rối loạn quá trình tiết dịch và tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày. Một nghiên cứu của TS. Wolfgang Babisch, Đức cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70 dB có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Rối loạn giấc ngủ: Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn từ 35dB trở lên đã đủ để gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường, khiến việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn, giấc ngủ chập chờn, không được sâu và dài nên khi thức dậy, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất khả năng tập trung.

Đau đầu, chóng mặt, suy nhược, giảm tuổi thọ: sống trong môi trường ồn, con người dễ bị đau đầu, lâu dần thành chứng bệnh kinh niên, dẫn đến stress, căng thẳng thần kinh, dễ cáu giận, nóng nảy, mất khả năng kiềm chế..., hoặc có tâm lý hay nghi ngờ, lo sợ, khó tiếp xúc với người khác.

Tác động đến trẻ em: Tiếng ồn giao thông có thể tác động tới não của trẻ trong những giai đoạn phát triển quan trọng, làm tăng nồng độ các hoóc môn gây căng thẳng hoặc giảm khả năng ngủ và tập trung, tăng nguy cơ tăng động ở trẻ. Tiếng ồn còn có thể ảnh hưởng tới bào thai còn trong bụng mẹ.

Giảm thiểu tiếng ồn giao thông

Để hạn chế những tác động tiêu cực của tiếng ồn tới sức khỏe con người, có thể thực hiện nhiều giải pháp:

Trước hết, phải tăng cường kiểm soát nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Đối với  các phương tiện giao thông vận tải, tăng cường kiểm tra và cấm lưu hành các phương tiện không bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đưa kiểm định bộ phận còi vào quy trình đăng kiểm.

Hạ tầng giao thông cũng cần được nâng cao, ngoài việc trang bị các thiết bị chống ồn cho đường cao tốc như tường cách âm, kính cách âm, rào cách âm thì cũng có thể sử dụng các vật liệu làm đường có thể hấp thụ, triệt tiêu tiếng ồn. Thiết kế các điểm giảm tốc, cua kẹo hợp lý góp phần giảm thiểu tiếng ồn. Tăng cường thực hiện các đề tài nghiên cứu các thiết bị lắp cho phương tiện giao thông để hạn chế tiếng ồn.

Cải thiện công tác quy hoạch, cần cách ly các khu vực đường cao tốc, đường có mật độ phương tiện cao với khu vực dân cư, trường học, bệnh viện; bố trí hợp lý các dải cây xanh có độ dày, số lớp tương ứng với mức ồn chung của dòng xe.

Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị vận tải, kinh doanh cũng như người dân trong việc: cải thiện chất lượng phương tiện, thay thế, bảo dưỡng kịp thời các bộ phận hư hỏng, sử dụng đúng loại còi, hạn chế bấm còi xe, dừng xe tắt máy… cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn.

Giao Linh

_______________

1. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

2. Luật giao thông đường bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 18.

Bình luận