Những phân tích sâu sắc, những bằng chứng điều tra được tập hợp từ khắp nơi trên thế giới, những dự báo về những biến đổi kinh tế, chính trị và đặc biệt là văn hoá tạo nên giá trị của cuốn sách Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa.
Tác giả cuốn sách, Giáo sư xã hội học trường Đại học Michigan (Mỹ), Ronald Inglehart là Chủ tịch Hiệp hội Điều tra giá trị thế giới. Điều tra giá trị thế giới là cuộc điều tra lớn nhất được thực hiện để tìm hiểu về quan điểm, giá trị và niềm tin của người dân trên toàn thế giới.Tác phẩm này chủ yếu dựa trên kết quả của Dự án Điều tra giá trị thế giới tiến hành vào những năm cuối thế kỷ XX ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Liên Xô trước đây, Đông Á và Nam Phi, do tác giả làm Giám đốc.
Nội dung chính của cuốn sách bàn về hai thời kỳ phát triển gần đây của xã hội chủ yếu dưới góc độ phát triển văn hoá, phân tích quá trình xã hội vận động từ hiện đại sang hậu hiện đại. Xã hội hiện đại chuyển sang hậu hiện đại bắt đầu từ vài thập kỷ cuối thế kỷ XX, có thể manh nha từ những năm 1960-1970. Dưới góc độ các biến đổi văn hoá, hậu hiện đại được hiểu là đề cao các giá trị mới, lối sống mới, đa dạng dân tộc, sự lựa chọn lối sống của cá nhân, v.v.. Sự chuyển đổi xã hội đưa đến một sự chuyển dịch từ các giá trị truyền thống, thường là mang tính tôn giáo, sang những giá trị thế tục - hợp lý và từ những giá trị sống còn sang các giá trị hạnh phúc (chất lượng sống, sự tự khẳng định bản thân, bao gồm động cơ thành đạt, an sinh xã hội, tự do, hạnh phúc…).
Cuốn sách này lập luận rằng phát triển kinh tế, biến đổi văn hóa và biến đổi chính trị luôn đi cùng nhau trong những mô hình gắn kết và thậm chí trong một chừng mực nào đó có thể tiên đoán được, đồng thời cuốn sách này cũng chứng minh rằng có những mối liên kết mạnh giữa các hệ thống niềm tin và các biến số chính trị và kinh tế - xã hội như nền dân chủ hoặc nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Tác giả cuốn sách đã dành nhiều trang nói tới giá trị dân chủ: quá trình hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa là quá trình tiệm cận dần tới giá trị dân chủ.
Viết Lời giới thiệu cho cuốn sách này, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc - Giám đốc Dự án Điều tra thế giới ở Việt Nam cho biết: “Tôi gặp Giáo sư Ronald Inglehart mùa Hè 2001 ở Nam Phi, và giáo sư đã tặng tôi cuốn sách này. Sau khi đọc qua, tôi thấy có nhiều điều bổ ích…”. Giáo sư Phạm Minh Hạc cũng lưu ý, cuốn sách cung cấp nhiều số liệu được tính toán theo phương pháp thống kê, trong đó nhiều chỗ đòi hỏi có tri thức về thống kê mới hiểu được, nhưng về đại thể, nếu không có những tri thức đó độc giả vẫn có thể nắm được các ý chính của cuốn sách.
Đây là một công trình nghiên cứu điều tra xã hội học có giá trị tham khảo đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sách gồm 604 trang, giá 110.000đ.
GIAO LINH