Hơn 2.200 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội: Cử tri rất quan tâm tình hình trên Biển Đông

Ngày đăng: 21/05/2014 - 10:05

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp từ 2.216 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, nổi bật nhất là sự quan tâm của người dân cả nước về tình hình phức tạp đang diễn biến ở Biển Đông.

11111111111111111111


"Nóng" với chủ đề về Biển Đông

Nhân dân cả nước rất bất bình về việc Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar ngày 11-5-2014 và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 14-5-2014.

Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giữ ổn định ở khu vực, bảo đảm tự do hàng hải quốc tế, giữ gìn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân cũng kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.

Nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cử tri cũng rất băn khoăn, lo lắng về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống hằng ngày. Hiện nay thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại; trong khi đó hiệu quả xử lý và ngăn chặn của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Từ đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương có giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; có các biện pháp, chế tài mạnh đối với các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông, lâm, thủy hải sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi gây thiệt hại cho đất nước và bản thân nông dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng những biểu hiện bất thường trong việc thu mua hàng hóa của thương lái nước ngoài để có biện pháp xử lý.

Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Các kiến nghị đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quan tâm đánh giá tác động trực tiếp của các chính sách đối với nông nghiệp và nông dân; tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi; nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tăng cường quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sản xuất và sức khỏe của nhân dân.

Cử tri và nhân dân nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành hữu quan tiếp tục quan tâm đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, cần có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời bố trí hợp lý, kịp thời nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng.

Mặt khác, trong những năm gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo vệ rừng xảy ra ở nhiều nơi. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng trong tình hình hiện nay.

Với nhân dân làm nghề đánh bắt hải sản, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải tạo, hoán đổi tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nâng cao năng lực ngành đường sắt

Cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông; kịp thời xử lý các dự án giao thông thực hiện chậm tiến độ; có cơ chế quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương tiện quá trọng tải gây xuống cấp công trình giao thông; quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng giao thông ở các vùng nông thôn, đồng thời sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đang còn dở dang, nhằm tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm tập trung nâng cao năng lực vận tải của ngành giao thông đường sắt, cải thiện lộ trình đưa tàu khách, tàu hàng đạt tốc độ cao, đẩy mạnh đổi mới chất lượng dịch vụ và tạo hình ảnh thân thiện với khách hàng.

Hiệu quả phòng, chống dịch - bệnh chưa cao

Thời gian qua, nhiều dịch, bệnh diễn ra liên quan đến công tác y tế dự phòng, như: dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Cử tri cho rằng, đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu như làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh. Công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao, việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện chưa tốt dẫn đến số tử vong do sởi và liên quan tới sởi cao. Vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Cử tri đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tổ chức kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho nhân dân; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vaccine gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc.

Bên cạnh đó, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ; thực hiện luân chuyển các bác sĩ có chuyên môn cao xuống làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới, kết hợp với đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, góp phần giảm áp lực và tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Về giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa, theo đó, việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng để có sự thống nhất, đồng bộ, bảo đảm chất lượng; không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72 nghìn người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội.

Hoàn thiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi hoàn thiện các quy định về giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường

Cử tri và nhân dân một số địa phương lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, các làng nghề và một số cơ sở sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Vẫn còn có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lén lút xả chất thải độc hại chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất; có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống nước hợp vệ sinh tại các khu vực dân cư bị ô nhiễm nguồn nước, địa bàn vùng cao, vùng khó khăn để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng còn diễn ra ở một số địa phương nhưng việc xử lý, ngăn chặn còn nhiều hạn chế. Nhân dân bức xúc về nạn các tàu, thuyền khai thác cát trái phép ngang nhiên ở các dòng sông, gây sạt lở hai bờ sông, cản trở giao thông đường thủy nội địa, làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn thu của ngân sách, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Các hoạt động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và bức xúc đối với nhân dân ở nhiều địa phương, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền và các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, kiên quyết xử lý và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các qui định của pháp luật.

Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư; xử lý nghiêm các dự án treo và các tổ chức, cá nhân sử dụng lãng phí đất đai; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai (sửa đổi) để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

NGÂN ANH (ghi)

Theo Nhân dân


Bình luận