Hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, hiệu quả

Ngày đăng: 22/07/2014 - 08:07

Cùng với khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động hiệu quả, việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí theo hướng hợp lý để xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại là yêu cầu cần thiết trong tình hình hiện nay.

Số lượng báo chí: Nhiều nhưng chưa thật sự mạnh

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 178 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá. Ngoài ra, trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ 4,4 triệu thuê bao trên toàn quốc.

Bên cạnh những thành tích, đóng góp to lớn không thể phủ nhận, vài năm gần đây, một số cơ quan báo chí, nhất là báo mạng và một bộ phận nhà báo đã đi chệch hướng, để xảy ra những sai phạm đáng tiếc khiến dư luận xã hội phiền lòng. Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2011 đến nay đã xử lý 62 lượt báo mạng, trong đó đã đình chỉ 2 tờ báo mạng, khiển trách 4 tổng biên tập, thu hồi 2 thẻ nhà báo, đình chỉ công tác một số biên tập viên và thư ký tòa soạn vì thực hiện không nghiêm quy trình làm báo và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

bao chi 19-7

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-2014.
Ảnh: MINH TRƯỜNG

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nhà báo, TS. Nguyễn Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo ViệtNam, cho biết: Thời gian qua có khá nhiều tờ báo na ná giống nhau về nội dung, hình thức thể hiện, thậm chí là có sự “xào xáo” của nhau. Số lượng ấn phẩm báo chí “quá tải” cũng dẫn tới sự cạnh tranh thông tin không lành mạnh, khiến cho thông tin sai sự thật, thông tin không có nguồn gốc, không được kiểm chứng có xu hướng gia tăng, làm giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Trong 7 nhóm sai phạm trong hoạt động báo chí đã thống kê năm 2013, có 17/49 trường hợp thông tin sai sự thật, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các sai phạm.

Trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận: “Do những bất cập trong quy hoạch báo chí dẫn đến trùng lặp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính, nhất là trong lĩnh vực truyền hình”.

Quy hoạch để nâng cao chất lượng báo chí

Hướng tới xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, khuyết điểm của báo chí trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch hệ thống báo chí Việt Nam đến năm 2020”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc quy hoạch báo chí vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Trong quy hoạch này xác định nhiều nhiệm vụ, ngoài việc xem xét, giảm số lượng báo chí trùng lắp về tôn chỉ, mục đích và nội dung, điều quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để xây dựng đội ngũ báo chí có số lượng hợp lý, chất lượng cao, thực sự là một đội ngũ tinh thông trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Nói về ý nghĩa của việc quy hoạch báo chí, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết: Quy hoạch báo chí không có nghĩa là hạn chế quyền hoạt động của báo chí, mà ngược lại, là tăng cường vị trí, vai trò của báo chí bằng cách sắp xếp lại cơ quan báo chí cho hợp lý hơn, xây dựng đội ngũ nhà báo tinh nhuệ hơn, bảo đảm cho các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động tốt hơn, đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc và xã hội.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, quy hoạch sẽ theo hướng một cơ quan báo chí có thể có nhiều ấn phẩm khác nhau và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có thể có ít nhất 2-3 cơ quan báo chí (gồm 1 tờ báo Đảng, 1 đài phát thanh - truyền hình và 1 tờ báo văn hóa - văn nghệ).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, tuy chưa dùng từ “quy hoạch báo chí”, nhưng Người đã có lời huấn thị sâu sắc: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ”.

Muốn thực hiện tốt lời Bác dạy và để báo chí thực sự phát huy hiệu quả, chúng tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nhà báo các cấp cần nhanh chóng rà soát chất lượng, kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những tờ báo đã mắc nhiều sai phạm về tôn chỉ, mục đích, cố tình thương mại hóa, “lá cải hóa”, không tuân thủ Luật báo chí, làm phương hại đến nền báo chí cách mạng và giảm sút uy tín của báo giới. Cùng với đó, phải sớm xây dựng những cơ chế, chính sách thuận lợi để giúp các cơ quan báo chí chính thống đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật làm báo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để các cơ quan báo, đài này thực sự trở thành lực lượng chủ công trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

“Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả… Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ chế đầu tư theo hướng ưu tiên các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu; nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người ViệtNam”.

(Trích Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”).

Thiện Văn

Theo Báo Quân đội nhân dân


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả