Hoài Thanh - nhà phê bình văn học tài hoa bậc nhất Việt Nam thế kỷ XX

Ngày đăng: 21/08/2014 - 14:08

“Di sản của Hoài Thanh là một khối đồ sộ những ký thác và tin tưởng, thật đáng tự hào. Tài sản của Hoài Thanh đã đi vào lịch sử. Một tài sản lấp lánh biết bao vẻ đẹp của một nhà văn hóa và nhà phê bình văn học tiêu biểu...”. Đó là nhận định hết sức xác đáng của nhà thơ Hữu Thỉnh khi viết về Hoài Thanh - nhà phê bình văn học lớn và tài hoa bậc nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.

12 2anh131

Nhà phê bình vănhọc Hoài Thanh và bìa một tác phẩm của ông


Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15-7-1909, trong một gia đình có truyền thống Nho học ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học và các phong trào yêu nước. Ngay từ hồi học trung học, Hoài Thanh đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Năm 1927, ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1930, ông bị bắt, bị kết án treo, rồi bị trục xuất khỏi Hà Nội và giải về quê. Năm 1931, ông vào Huế sắp chữ cho Nhà in Đắc Lập đồng thời vừa dạy học, viết văn, làm báo.

Năm 1945, Hoài Thanh tham gia Tổng khởi nghĩa của Việt Minh cướp chính quyền ở Huế rồi sau đó giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc ở Huế; ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam (1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); giảng dạy tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Từ năm 1958-1969, ông là đại biểu Quốc hội khóa II, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa I, II. Từ năm 1959-1969, ông giữ chức Phó Viện trưởng Viện Văn học kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học (sau là Tạp chí Văn học). Từ năm 1969-1975, ông giữ chức Chủ nhiệm Báo Văn nghệ. Hoài Thanh mất ngày 14-3-1982 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi.

Hoai-Thanh-2-210x300Trong suốt hơn 50 năm cầm bút, Hoài Thanh đã để lại một gia tài tác phẩm đồ sộ và có những đóng góp lớn cho nền phê bình văn học nói riêng và lịch sử văn học dân tộc nói chung. Các tác phẩm gồm: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (viết chung với Hoài Chân, 1941), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949), Nhân văn Việt Nam (1949), Xây dựng văn hóa nhân dân (1950), Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), Nam Bộ mến yêu (1955), Quê hương và thời niên thiếu của Bác (viết chung với Thanh Tịnh, 1960), Phê bình và tiểu luận (3 tập, 1960-1971), Phan Bội Châu (1978), Chuyện thơ (1978), Tuyển tập Hoài Thanh (2 tập, 1982-1983), Di bút và di cảo (1993), Hoài Thanh toàn tập (4 tập, 1998)…

Một đời đi tìm cái hay, cái đẹp

Hoài Thanh tổng kết về hành trình làm phê bình của mình trong sự ngậm ngùi và không kém phần kiêu hãnh: Một đời làm văn tôi chỉ tìm cái hay, cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của tôi. Vậy mà tôi đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí tôi còn bị vu cáo, bị nói oan. Tôi biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà tôi có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là tôi đã sống và viết hoàn toàn trung thực1.Ông đến với phê bình bằng công trình Văn chương và hành động xuất bản năm 1936 nhưng bị thực dân Pháp tịch thu vì trong đó thể hiện những tư tưởng yêu nước và chống đối với chính quyền Pháp. Sau khi lên án hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến “ối a ba phèng” (theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân), cuối tác phẩm là một bày tỏ đanh thép: “Là một người Việt Nam ở thời bây giờ trên vai ta mang nặng những trách nhiệm không thể từ chối được... Trước tình hình như vậy, vòng tay đứng nhìn là một tội ác... Chúng tôi nhận rằng nhà văn cũng phải hành động như mọi người: hành động bằng việc làm và hành động bằng ngòi bút”.

Những năm 1935-1936, Hoài Thanh nổi lên trong cuộc tranh luận đầy ấn tượng giữa một bên là “Nghệ thuật vị nghệ thuật” do ông làm chủ soái với bên kia là “Nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều đứng đầu. Khi tuyên bố “Văn chương trước hết là văn chương” và “trong văn chương cái quan trọng nhất là một chữ Tài”, ông đã ít nhiều thể hiện tuyên ngôn của mình trong phê bình văn chương. Nhưng tất cả tinh hoa phê bình của ông nằm trong công trình viết chung với em trai mình Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam (1932-1941). Cuốn phê bình vào hàng kinh điển này đã khái quát nên diện mạo khá đầy đủ về một phong trào thơ ca lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX: Phong trào thơ mới (1932-1945). Giá trị của Thi nhân Việt Nam được khẳng định bởi nghệ thuật viết phê bình của một giọng văn tài hoa, cuốn hút mang âm hưởng tâm tình, âm điệu nhẹ nhàng, câu từ duyên dáng, đôi khi dí dỏm nhưng toát lên những nhận định hết sức tinh tế và sắc sảo về các nhà thơ mới. Dẫu vẫn còn một số hạn chế lịch sử nhất định nhưng Thi nhân Việt Nam là một công trình biên khảo có giá trị cao về nghiên cứu, phê bình và tuyển thơ. GS. Đặng Thai Mai khi đánh giá về công trình này cho rằng: “Hoài Thanh (và Hoài Chân) cũng đã đọc hộ chúng ta trong ngoài một vạn bài thơ và bao nhiêu bài văn nữa; dầu sao thì qua gần 400 trang sách ấy chúng ta cũng đã bắt gặp khá nhiều ấn tượng, khá nhiều suy nghĩ về nghệ thuật thơ mới. Riêng về phần tôi sau khi đọc tác phẩm và đặc biệt là sau khi xem lại bài tựa cuốn sách, tuy tôi không đồng ý với hai tác giả về một số điểm nhưng quả tình tôi vẫn để ý đến nhiều đoạn văn thật sự hấp dẫn. Và một điều khá lạ, là ngay từ hồi ấy cảm tưởng của tôi là tập sách trong khi có vẻ như tán dương cuộc thắng lợi của thơ mới cũng đã cho thấy một ít dấu hiệu về sự kết thúc một thời kỳ khi cái mới đang trở thành cái cũ”. Có thể nói, tất cả những gì tinh hoa nhất trong sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh trước Cách mạng Tháng Tám đều tập trung ở Thi nhân Việt Nam. Từ công trình này đã gợi mở cho nhiều công trình khoa học lớn có giá trị về phong trào thơ mới nói chung và các thi sĩ thơ mới nói riêng sau này.

Gắn bó với bước trưởng thành của văn học cách mạng

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoài Thanh gần như nhập cuộc ngay với đời sống văn học trong thời kỳ mới dù phải gánh vác một khối công việc bề bộn, với nhiều chức vụ quan trọng nhưng ông luôn bao quát sự vận động của hơn nửa thế kỷ văn học, với những biến động to lớn trong đó ông đã sống và viết một cách trung thực, nhiệt thành. Cuốn Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) là tập hợp những bài nói chuyện về thơ kháng chiến chống Pháp của Hoài Thanh. Trong cuốn sách, Hoài Thanh đã phác họa chân dung những con người mới, nhân vật công nông binh, đồng thời ông chọn lọc và giới thiệu những bài thơ kháng chiến tiêu biểu: Viếng bạn (Hoàng Lộc), Nhớ (Hồng Nguyên), Bài ca vỡ đất (Hoàng Trung Thông), Người dân quân xã (Vĩnh Mai), Lượm, Lên Tây Bắc (Tố Hữu)… Ông cũng đã nhận ra và khẳng định “nội dung của thơ ca kháng chiến là tình yêu nước, và không có gì ngoài tình yêu nước, không có gì ngoài những phương diện của tình yêu nước”, đồng thời Hoài Thanh cũng nhiệt tình ủng hộ khuynh hướng đại chúng trong hình thức biểu hiện. Đây là một công trình có tính tiên phong nghiên cứu và phê bình thơ kháng chiến ngay sau Cách mạng Tháng Tám, nó có tính chất vừa như công trình tổng kết, đánh giá vừa mang tính gợi mở, định hướng tới khuynh hướng sáng tác của các nhà thơ giai đoạn này.

Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hoài Thanh đều đi theo bước đường phát triển và trưởng thành của nền văn học cách mạng. Đặc biệt, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thơ Hồ Chí Minh và Tố Hữu - hai nhà thơ cách mạng tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn đối với nền văn học cách mạng Việt Nam. Hoài Thanh luôn có ý thức “học tập Bác qua thơ Bác” để đi sâu khám phá vẻ đẹp con người và phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh. Với Tố Hữu, ông cũng thường xuyên viết các bài phê bình theo từng chặng đường thơ Tố Hữu thời kỳ sau cách mạng từ tập Việt Bắc đến Gió lộng, Ra trận rồi cả Máu và hoa và đưa ra những nhận định hết sức xác đáng và tinh tế về thơ Tố Hữu. Chẳng hạn ở tác phẩm Nước non ngàn dặm, Hoài Thanh đã nhận ra “giọng tâm tình” là giọng điệu chủ đạo và làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Ông viết: “Bài thơ dài trên ba trăm câu mà gần như không một lần lỡ nhịp ngang cung. Bài thơ ngọt lịm, đúng là một tiếng ru. Một tiếng ru day dứt không thôi. Bởi ru đây không phải là ru để ngủ, để quên, mà để đừng quên”. Ngoài ra, Hoài Thanh còn viết về các cây bút trẻ mới xuất hiện trong thời đại mới như Anh Đức, Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ... bằng sự nâng niu, trân trọng và với “con mắt xanh” của nhà phê bình tài hoa bậc nhất, ông đã phát hiện và làm cho chất kim cương trong thơ họ tỏa sáng lấp lánh. Một đời cầm bút và sáng tạo, Hoài Thanh đã để lại trong văn chương dấu ấn thật khó phai mờ. Dấu ấn độc đáo đó thể hiện trong quan niệm nghệ thuật, phương pháp phê bình ấn tượng và ở giai đoạn nào trong sự nghiệp, Hoài Thanh cũng sống hết mình cho văn chương nghệ thuật và giúp cho nhiều cây bút trưởng thành.

Hơn trăm năm đã trôi qua nhưng những di sản phê bình của Hoài Thanh vẫn còn mãi với thời gian. Những thế hệ các nhà phê bình sau ông đã và đang phát huy cũng như tiếp bước con đường mà ông đã để lại. Đây đó vẫn còn những tranh cãi, dù đồng ý hay không đồng ý với quan điểm phê bình của Hoài Thanh nhưng các nhà nghiên cứu cùng thời và sau này đều thống nhất cho rằng ông là nhà phê bình lớn và tài hoa bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Vì những đóng góp cho nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, năm 2000, Hoài Thanh đã được Đảng và Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nguyễn Hương Chi

 

*****

1. Phạm Khải: Nhà phê bình văn học Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ, Báo Công an nhân dân, chuyên đề An ninh thế giớiVăn nghệ Công an, ngày 23-7-2009.


Bình luận