Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

Ngày đăng: 19/08/2014 - 09:08

Hiến pháp năm 2013 được ban hành đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Để đưa Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp.

8779356 l

Ngày 28-11-2013, với 97,59% số phiếu tán thành, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng có ý nghĩa lịch sử, mở ra một thời kỳ mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Quá trình xây dựng, ban hành bản Hiến pháp 2013 đã thể hiện một cách tập trung nhất ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ lịch sử lập hiến của Nhà nước ta cho thấy, qua việc ban hành các bản hiến pháp, từ bản hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 đến nay, đều gắn với các dấu mốc phát triển lớn trong lịch sử quốc gia, dân tộc. Nếu quan niệm Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, thì Hiến pháp năm 2013 là một sự tiếp nối mạnh mẽ, sâu sắc hơn, thực sự đóng vai trò là “nhân tố để nước ta vững bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế”1.

Có thể khẳng định, những điều chỉnh quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 là nền tảng hiến định quan trọng cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 không phải chỉ là sản phẩm của hoạt động lập hiến đơn thuần mà là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố. Nội dung bản Hiến pháp được xác lập trên cơ sở quán triệt, thể chế hóa sâu sắc các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa kết quả tổng kết thực tiễn gần 30 năm đổi mới đất nước và thực tiễn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992; kế thừa và phát huy những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây của Nhà nước ta, cũng như tiếp thu có chọn lọc những giá trị lập hiến tiến bộ chung của nhân loại. Vì vậy, những định hướng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 cũng phải được đặt ra trên nền tảng đó, nhằm tiếp tục tạo nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc, liền mạch và thống nhất cho việc thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới. Để thực hiện mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian tới cần tập trung vào các nội dung sau đây:

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Thứ nhất, đổi mới và không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cụ thể hóa đầy đủ nguyên tắc hiến định: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Chú ý bảo đảm tính thống nhất của Hiến pháp trong việc thể chế hóa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, không làm triệt tiêu quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Điều cần lưu ý là không chỉ căn cứ vào các quy định của Hiến pháp về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương, v.v. mà còn cần chú ý đến toàn bộ các nguyên tắc mang tính nền tảng của Hiến pháp khi hoàn thiện pháp luật nhằm điều chỉnh các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Giữ vững bản chất, đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong quá trình này.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân (bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước). Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền giám sát kiểm tra của công dân đối với hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Tạo cơ chế, điều kiện cho người dân tham gia thực chất vào hoạt động quản lý nhà nước, từ việc tham gia ý kiến trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật đến việc tham gia giám sát cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân

Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, củng cố cơ sở pháp lý nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, gắn kết giữa việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tự do dân chủ; phát huy nhân tố con người, tăng cường đồng thuận xã hội để tiếp tục thể chế hóa một cách thực sự sâu sắc các chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân cần được quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, có tính khả thi.

Thứ hai, củng cố cơ sở pháp lý nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm, tổ chức thực thi pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, trong đó có tòa án và các cơ quan hữu quan khác trong việc bảo vệ các quyền đó. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ của công dân để xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện quy định tại Điều 14 Hiến pháp: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của công dân trong việc tiếp cận pháp luật và hệ thống tư pháp với mục tiêu cải cách sâu rộng quan hệ giữa Nhà nước với người dân, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, chú ý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm cụ thể hóa những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp như về vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, và về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác… Việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này một mặt cần thể hiện được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Hiến pháp năm 2013 cơ bản kế thừa những nội dung về từng lĩnh vực này trong Hiến pháp năm 1992 nhưng đã thể hiện một cách tổng quát, mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề và chính sách cụ thể sẽ do luật định (các điều 57, 58, 59, 60, 61, 62 và 63). Hiện nay, nhiều văn bản luật liên quan đã điều chỉnh các vấn đề này; có thể rà soát, chú ý thêm đối với những nội dung mới trong Hiến pháp, chú ý đến các điểm cụ thể về chính sách lao động; chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách xã hội; chính sách văn hóa; chính sách giáo dục; chính sách khoa học và công nghệ; chính sách bảo vệ môi trường. Chú ý việc xây dựng cơ chế bảo đảm và có thể kiểm soát được tính thực thi trong việc thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời, cần gắn kết với các nội dung về kinh tế của Hiến pháp.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ Tổ quốc cần chú ý:

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng - an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; thể chế hóa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nội hàm mới về bảo vệ Tổ quốc; nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh, v.v. trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân; về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ Tổ quốc; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống khủng bố, đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia...

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế

Trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có nội dung mới về chính sách đối ngoại theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế cần chú ý:

- Tiếp tục xem xét ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các hiệp định tương trợ tư pháp... Hoàn thiện pháp luật cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài; cải tiến phương thức thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI, ODA, đầu tư gián tiếp, tín dụng thương mại và các nguồn vốn khác, nâng cao hiệu quả sử dụng và có kế hoạch trả nợ đúng hạn; duy trì tỷ lệ vay nợ nước ngoài hợp lý, an toàn…

- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp và giải quyết tranh chấp kinh tế phù hợp với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế. Đẩy mạnh việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, chú trọng việc ký kết, gia nhập các công ước đa phương về tương trợ tư pháp và về giải quyết tranh chấp kinh tế, đầu tư, các điều ước liên quan tới việc công nhận và thực thi các bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài nước ngoài.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, luôn chú trọng đến nguyên tắc, một mặt bảo đảm đến mức tối đa lợi ích quốc gia, mặt khác vẫn phù hợp, tuân thủ các cam kết quốc tế.

PGS. TS. Đinh Xuân Thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội


 *****

1. Nguyễn Sinh Hùng: Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới, http://vpqh.gov.vn/portal/page/portal/vpqh/


 

 

Bình luận