Việt Nam là một dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm phát triển, song có một thực tế là cho đến nay, vấn đề Việt Nam có triết học hay không đã và đang là một câu hỏi.Có thể nói, xuyên suốt lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam cũng chính là sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam – trong đó có triết học.
Ở mỗi thời lỳ lịch sử, những tư tưởng triết học Việt Nam được hình thành từ những trường phái tư tưởng khác nhau như sự kết hợp giữa Nho – Phật – Lão cùng với những tư tưởng truyền thống đã làm phong phú và sinh động thêm bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố ngoại lai và những yếu tố bản địa đã hình thành nên một hệ tư tưởng triết học rất đặc trưng của Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các triều đại phần lớn đều sử dụng tư tưởng triết học Việt Nam mà việc định hướng cho sự phát triển đất nước, trong đó phải kể đến tư tưởng triết học Nho giáo và Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam (Thiền Trúc Lâm Yên Tử).
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với việc tiếp thu những luồng tư tưởng của văn minh phương Tây và thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng triết học Việt Nam phát triển thêm một bước mới với việc xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng có xu hướng cách tân, đặc biệt là tư duy triết học Hồ Chí Minh. Những tư tưởng của Người cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng và dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Với mục đích giúp bạn đọc tìm hiểu và nghiên cứu những giá trị của tư tưởng triết học Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Đại cương lịch sử triết học Việt Nam của GS, TS. Nguyễn Hùng Hậu. Tác giả bước đầu hệ thống hóa, đánh giá những giá trị và hạn chế trong tư tưởng triết học Việt Nam qua các triều đại khác nhau. Từ đó có thể thấy rằng, sự hình thành và phát triển tư tưởng triết học Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên một hệ tư tưởng riêng của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác đổi mới tư duy lý luận, xác định hệ thống tư tưởng nói chung cũng như tư tưởng triết học nói riêng nhằm định hướng phát triển đất nước theo con đường bằng chính những giá trị tư tưởng của mình. Vì vậy, việc nghiên cứu những tư tưởng triết học trong lịch sử là vô cùng cần thiết nhằm khái quát một cách cụ thể, làm sáng tỏ tư tưởng triết học Việt Nam. Và cuốn sách Đại cương lịch sử triết học Việt Nam sẽ góp phần thực hiện được công việc đã nêu ở trên.