Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW

Ngày đăng: 20/11/2014 - 10:11

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định 6 thành tựu to lớn của sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ 10 hạn chế, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra mục tiêu và 9 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

b4c0ce668f27e9232ef41bf719c0f01b images992688 Ph m V  Lu n

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

  Trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra mục tiêu cụ thể là “Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
   Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều công việc đồng thời trên hai hướng:
   Thứ nhất, xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
   Thứ hai, tiếp tục triển khai đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá đối với các khóa học sinh đang học theo chương trình hiện hành để các nhà trường chuyển dần từ nền giáo dục chú trọng mục tiêu truyền thụ kiến thức một chiều hiện nay sang nền giáo dục chú trọng hình thành, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.


1- Chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai một số công việc sau:

  - Tổng kết đánh giá chương trình và bộ sách giáo khoa hiện hành so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X và yêu cầu mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm nhận diện đúng thực trạng, thành tựu và hạn chế của công tác biên soạn và tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong giai đoạn vừa qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khoa học, khả thi để xây dựng và triển khai chương trình và sách giáo khoa mới.

  Công việc này được triển khai một cách nghiêm túc và công phu qua các đợt đánh giá định kỳ hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều đợt giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa khác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam..., đánh giá giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (năm 2012) và một số hội thảo khoa học về vấn đề này do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cùng tổ chức.
- Tổng kết kinh nghiệm xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam từ trước đến nay, kể cả của miền Nam trước năm 1975, đặc biệt là qua ba cuộc cải cách giáo dục (1950; 1957; 1982) và lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X.
- Tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và quản lý phát triển chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu dạy học theo hướng tiếp cận năng lực: Với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Vùng Uônlơni Brúcxen (Wallonie - Bruxelles, Vương quốc Bỉ) và bộ giáo dục một số nước có nền giáo dục phát triển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các nhóm nghiên cứu các bộ chương trình và sách giáo khoa nước ngoài, tập trung vào 13 nước có nền giáo dục phát triển hoặc có điều kiện tương đồng với Việt Nam1; mời 6 đoàn chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để trao đổi, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên gia trong nước về thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông và đưa các nhóm chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi khảo sát, học tập ở các nước tiên tiến.

  Trên cơ sở kết quả thu được từ các công việc trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu khoa học trong cả nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ, ngành liên quan. Chính phủ cũng đã dành thời gian thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện Đề án. Hiện nay, Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông đã được Chính phủ trình lên Quốc hội khóa XIII để xem xét tại kỳ họp thứ 8.
- Đồng thời với việc biên soạn và hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học sư phạm lớn trong nước chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện (từ mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp đến cách thức kiểm tra, đánh giá) nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa mới; tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu phát triển năng lực (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia, bài giảng mẫu...).


2 - Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông có các nội dung chính như sau:
   Quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
   Quán triệt đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW và các nghị quyết khác của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiến pháp (Điều 61) và của Luật Giáo dục.

  Kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm thành công của nền giáo dục Việt Nam, đồng thời tham khảo, học hỏi một cách có chọn lọc và có hệ thống kinh nghiệm, thành tựu giáo dục của nước ngoài, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển và có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

  Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực để phát triển phẩm chất và năng lực người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, ý thức tự học; chú trọng và tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

  Bảo đảm tiếp nối, liên thông giữa chương trình cấp học và lớp học, giữa các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.


  Mục tiêu, yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

  Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; chuyển từ dạy chữ, đối phó với thi cử sang kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi người.
  Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học, thi và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; trên cơ sở đó khắc phục tình trạng quá tải, dạy thêm học thêm tràn lan; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.


   Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

  Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng khoa học, phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh; tăng cường các hoạt động thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.
  Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng thành một chỉnh thể nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, tương ứng với hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).
  Giáo dục cơ bản thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học thuộc lĩnh vực khoa học để tạo thành môn học tích hợp và chủ đề liên môn, qua đó chương trình giáo dục giảm được kiến thức hàn lâm và số lượng môn học, tránh được hiện tượng chồng chéo nội dung mà vẫn bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng và đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở.
  Giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phân hóa mạnh học sinh: Mỗi học sinh chỉ học một số môn học và tham gia một số hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại được tự lựa chọn các môn học và chuyên đề học tập khác theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường. Các chuyên đề học tập tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao hoặc mở rộng kiến thức các môn học, cung cấp những kỹ năng ban đầu của các ngành, nghề lao động, qua đó giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Hướng tới việc tổ chức dạy học theo tín chỉ để giúp học sinh có thể chuyển đổi giữa các bậc học, các chương trình giáo dục bằng cách tích lũy tín chỉ.
  Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với quá trình phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của các trường phổ thông. Nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và thời lượng dạy học: Học cả ngày ở cấp tiểu học, nhưng có hướng dẫn cụ thể cho những trường/điểm trường chỉ có điều kiện dạy học một buổi trong ngày; học một buổi trong ngày ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nhưng có hướng dẫn cho những trường có điều kiện dạy học hai buổi trong ngày.
 

Đổi mới công tác biên soạn sách giáo khoa.
  Hiện nay chúng ta đang có một chương trình giáo dục phổ thông và một bộ sách giáo khoa, nên chương trình và sách giáo khoa thường được hiểu là một hoặc có giá trị pháp lý như nhau trong quá trình dạy và học. Trong lần đổi mới tới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông và nhiều sách giáo khoa, trong đó chỉ chương trình mới có tính pháp lý.
  Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông thống nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
  Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành nhằm quy định thực hiện thống nhất trong cả nước các yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt của mỗi cấp học, các lĩnh vực và các nội dung giáo dục bắt buộc, đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.
  Sách giáo khoa là tài liệu dạy học quan trọng, có nhiệm vụ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, định hướng về phương pháp dạy học và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nhưng không mang tính pháp lý bắt buộc trong chỉ đạo dạy và học.
  Việc biên soạn sách giáo khoa sẽ do các nhà giáo, nhà khoa học hoặc các tổ chức khác thực hiện trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả các cuốn/bộ sách giáo khoa sẽ do Hội đồng quốc gia bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn công khai theo những tiêu chí chặt chẽ tổ chức thẩm định. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét và phê duyệt cho phép sử dụng.
  Việc lựa chọn sử dụng sách giáo khoa sẽ do các trường phổ thông tổ chức thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình dạy và học, giáo viên và học sinh có thể tham khảo sách giáo khoa và các tài liệu dạy học từ nhiều nguồn khác nhau.
  Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về cấu trúc sách giáo khoa, về các tiêu chí đánh giá, quy trình thẩm định sách giáo khoa và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh để chủ động triển khai chương trình giáo dục mới.
 

  Đổi mới phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy và học.
  Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; chú ý bồi dưỡng phương pháp tự học, tạo hứng thú học tập, tăng cường kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập cho học sinh. Đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, đồng thời coi trọng cả dạy học trên lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngoài nhà trường. Chú ý các hoạt động xã hội và làm quen với nghiên cứu khoa học của học sinh. Tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ đổi mới công việc lựa chọn, thiết kế nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học.

  Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
  Việc đánh giá chất lượng giáo dục phải được đổi mới căn bản theo hướng phản ánh mức độ đạt được các yêu cầu của chương trình (cấp học, môn học); cung cấp thông tin đúng, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh, hướng dẫn hoạt động dạy và học, từng bước hỗ trợ và nâng cao dần năng lực, phẩm chất của học sinh.
  Thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh dựa vào chương trình giáo dục phổ thông. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực trong đánh giá năng lực học sinh và cung cấp thông tin chính xác cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
  Ngoài việc đánh giá năng lực của cá nhân học sinh, cần bổ sung các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia, cấp địa phương và tham gia các kỳ đánh giá của quốc tế để có căn cứ đề xuất các chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
3 - Cùng với việc chuẩn bị xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên đây, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai trên thực tế việc đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW đối với các khóa học sinh đang học theo chương trình hiện hành:
- Chủ động rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
- Giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy học: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng diễn đàn trực tuyến để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các nhà trường, thực hiện tập huấn và hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời tạo môi trường học tập tích cực, chủ động và sáng tạo cho học sinh trong cả nước.

- Tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trong nước (VSEF) và cử học sinh tham dự các cuộc thi quốc tế2. Việc tổ chức thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã góp phần phát huy tính sáng tạo, hình thành phong cách học tập và làm việc khoa học, tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh phổ thông, đồng thời thu hút, gắn kết các giảng viên đại học, các nhà khoa học với các học sinh và giáo viên phổ thông.
- Mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học: Triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”3 ở tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở trong toàn quốc từ năm học 2014 - 2015; triển khai dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm ở 63/63 tỉnh/thành phố với 2.508 trường và 746.000 học sinh tiểu học tham gia, triển khai thí điểm mô hình VNEN cấp trung học cơ sở trong năm học 2014 - 2015; triển khai rộng rãi chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục từ năm học 2014 - 2015 ở 42 tỉnh với 379.057 học sinh của 3.971 trường tiểu học tham gia.
  Việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và mô hình trường học mới đã làm thay đổi các hoạt động sư phạm trong nhà trường từ tổ chức quản lý lớp học với sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng đến cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá, đồng nghĩa với việc từ bỏ được tư duy và cách làm cũ đã ăn sâu bám rễ. Việc áp dụng chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục cho thấy năng lực tiếng Việt của học sinh tăng lên, học sinh biết chữ nhanh, viết đúng chính tả, không tái mù chữ sau kỳ nghỉ hè và năm học sau.
- Tham gia các chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập của học sinh (PISA và PASEC)4; tách bạch việc đánh giá chất lượng với kết quả thi của cá nhân từng học sinh nhằm khắc phục căn bản bệnh thành tích, tạo động lực thường xuyên đổi mới cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh và điều chỉnh chính sách giáo dục.
- Tiếp tục đổi mới từng bước cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28-8-2014, về Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo nguyên tắc: Đánh giá về năng lực và phẩm chất của học sinh, như khả năng tự phục vụ, tự quản; giao tiếp và hợp tác; tính chăm chỉ, tự tin, tự chịu trách nhiệm... không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
- Đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hướng tăng cường giao quyền chủ động cho các địa phương và cơ sở đào tạo cùng với việc nâng cao tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Việc đổi mới cách ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức gắn với các vấn đề thực tiễn, không yêu cầu học thuộc lòng một cách máy móc mà tạo điều kiện để học sinh thể hiện tình cảm, tư duy riêng đã tạo hứng thú cho học sinh trong học tập và làm bài thi, góp phần khắc phục được tình trạng học đối phó, học lệch và đã làm giảm rất nhiều số lượt vi phạm quy chế thi của các thí sinh.
   Kết quả thu được từ việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá ở giáo dục phổ thông và triển khai ngày càng rộng rãi các mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học đã làm cho phương pháp dạy và học trong nhà trường dần được đổi mới, tính chủ động và sáng tạo của học sinh được nâng cao, từng bước khắc phục được tình trạng quá tải, dạy thêm học thêm tràn lan và thực trạng nặng dạy chữ, nhẹ dạy nghề và dạy người; nặng lý thuyết, nhẹ kỹ năng thực hành hiện nay.
  Trong quá trình đổi mới này, đội ngũ thầy cô giáo từng bước được tập huấn trên thực tế về đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
   Ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng có những hoạt động cụ thể để sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai nhiều công việc đã làm, đã có kết quả rõ rệt, để chuẩn bị cho việc triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và đào tạo đang tích cực tiến hành một số công việc cần thiết sau:
   Chuẩn bị đội ngũ tác giả biên soạn chương trình và sách giáo khoa, tích cực chuẩn bị nội dung tập huấn (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia...) về chương trình và sách giáo khoa theo yêu cầu phát triển năng lực.
   Tập trung chỉ đạo đổi mới toàn diện các trường sư phạm (mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá...) để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện nay cũng như đội ngũ giáo viên mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới.

GS, TS. Phạm Vũ Luận

Ủy viên Trung ương Đảng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Theo Tạp chí Cộng sản)

 

*****

(1) Bao gồm: Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Xingapo, Malaixia, Côlômbia.
(2) Tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF năm 2013 và 2014 Việt Nam đều đoạt 2 giải Tư; 01 dự án được giải đặc biệt do tổ chức Open Hearts của U-crai-na trao tặng. Tại triển lãm sáng chế quốc tế dành cho thanh, thiếu niên năm 2014 (IYIE 2014) tổ chức tại Đài Loan, đoàn Việt Nam cũng đã đạt thành tích xuất sắc: 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 01 huy chương Đồng. Ngoài ra, 1 sáng chế của Đoàn Việt Nam được nhận giải đặc biệt do Hiệp hội sáng chế Hồng Kông trao tặng. Lần đầu tiên tham dự kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2014), đoàn học sinh Việt Nam đã đem vinh quang về cho đất nước với 10 huy chương (3 huy chương Vàng và 4 huy chương Đồng môn Toán; 4 huy chương Đồng môn Khoa học).
(3) Phương pháp hướng dẫn học sinh học tập, tiếp thu kiến thức dựa trên các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm, tìm tòi khoa học, không học tập thụ động, máy móc theo lối truyền thống.
(4) PISA là Chương trình quốc tế đánh giá học sinh do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, với 70 nước tham gia, bao gồm khối OECD (hơn 30 nước) và các nước ngoài khối trên tự nguyện đăng ký. Chương trình PISA khảo sát học sinh lứa tuổi 15 đang theo học ở tất cả các loại hình trường. Kết quả: Về lĩnh vực toán học, học sinh Việt Nam đứng thứ 17/65; lĩnh vực đọc hiểu: 19/65, lĩnh vực khoa học: 8/65. Với kết quả này, Việt Nam đứng trong nhóm 20 nước có điểm các lĩnh vực cao nhất và cao hơn điểm trung bình của các nước phát triển.
PASEC là Chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Hội nghị các bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 2 và lớp 5 ở 2 môn Toán và tiếng Việt vào đầu năm học và cuối năm học. Hiện nay có khoảng 24 nước tham gia. Kết quả cho thấy tất cả học sinh Việt Nam, ngay cả học sinh yếu nhất, đều làm chủ được các năng lực ở cấp độ thấp và cao được đánh giá qua các bài kiểm tra tiếng Việt và Toán.

 

Bình luận