Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trước hết phải đổi mới triết lý giáo dục

Ngày đăng: 25/12/2014 - 07:12

doimoicanbantoandien

Làm thế nào để chuẩn bệnh cơ bản của nền giáo dục nước ta? Đây là vấn đề rất khó. Cách đây hơn 10 năm, một đoàn chuyên gia rất đông người nước ngoài cử sang để chuẩn đoán bệnh giáo dục Việt Nam. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, họ đưa ra báo cáo 27 điểm về những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, sau đó rút xuống còn 7 điểm như cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ yếu kém, chương trình giảng dạy lạc hậu, v.v.. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hiện tượng chứ chưa phải bản chất. Do đó, với tư cách là người trong cuộc, chúng ta phải tự mình nghiên cứu kỹ mới tìm ra được căn bệnh cơ bản của nền giáo dục Việt Nam để khắc phục.

Thực tế cho thấy, phải nhận thức đúng triết lý về giáo dục. Triết lý giáo dục gồm ba bộ phận:

- Thứ nhất là sứ mạng của giáo dục. Đảng ta đã nêu rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu. Từ mô hình kinh tế phát triển bằng tăng vốn, bằng lao động rẻ, bằng khai thác tài nguyên, chuyển sang phát triển bằng mô hình năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ thì vấn đề đội ngũ những người tài, đội ngũ lao động trở thành vị trí chủ đạo để phát triển, điều đó mặc nhiên một cách tất yếu là xác định vai trò của giáo dục. Giáo dục phải tạo ra một lực lượng, một sức mạnh mới của quốc gia  để phát triển theo mô hình mới.

- Thứ hai là tính chất của nền giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục đại chúng, bao gồm cả giáo dục đại học chứ không chỉ giáo dục phổ thông, việc phổ cập giáo dục của chúng ta phải rộng rãi và thực chất, đặc biệt cần có chính sách khuyến khích loại hình giáo dục ngoài công lập.

- Thứ ba là mô hình nhân cách. Xét cho cùng thì cấu trúc của mô hình nhân cách không có gì thay đổi, cũng là tri thức, là kỹ năng và thái độ nhưng quan điểm về nội hàm lại khác nhau rất nhiều. Từ giáo dục phổ thông trở lên tuyệt đại bộ phận thời gian chúng ta dành cho đào tạo tri thức, trong đó nhiều tri thức không được sử dụng dùng trong thực tế. Tri thức là luôn đổi mới, thay đổi. Một kho tri thức vĩ đại như vậy chúng ta không thể dồn ép đưa vào chương trình phổ thông dẫn đến tình trạng chương trình phổ thông cực kỳ nặng nề, căng thẳng. Trong khi đó, các “kỹ năng sống” được xem là quyết định hơn 60% thành công của con người khi bước ra xã hội thì chúng ta chỉ đưa vào dạy ngoại khóa trong ít thời gian, v.v.. Trong chương trình chính khóa dường như ít dạy về kỹ năng thí dụ như phương pháp học, phương pháp đặt vấn đề, phương pháp giải quyết vấn đề, xây dựng sơ đồ tư duy, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và những kỹ năng mềm khác.

Về mặt lý thuyết thì triết lý giáo dục có ba nội hàm, tuy nhiên trên thực tế nếu triển khai thì thay đổi rất nhiều về mặt nội dung chương trình và phương pháp.

Làm thế nào để thay đổi phương pháp của nền giáo dục? Xu hướng của thế giới là rút ngắn thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nhưng ở nước ta thì lại tiếp tục kéo dài. Trừ một số ngành như ngành y (tối thiểu 6 năm), các ngành khác không cần kéo dài thời gian học đến 4, 5 năm. Nói chung các nước trên thế giới rút ngắn thời gian học đại học, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để tiếp đó là học tập suốt đời, tăng thời gian làm việc ngoài xã hội.

Vấn đề đầu tư cho giáo dục: Cần huy động lực lượng xã hội và ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, tập trung đầu tư có trọng điểm, nâng mức đầu tư cho từng sinh viên. Phải tạo sự chia sẻ giữa Nhà nước, người học, gia đình cùng với người sử dụng lao động.

Vấn đề giáo viên: Không có đội ngũ giáo viên giỏi thì không thể có nền giáo dục tốt. Trong đó có vấn đề lớn là chính sách giáo viên. Phải bắt đầu từ vấn đề  chính sách đối với giáo viên, sau đó phải có một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Hiện nay chính sách về hưu của chúng ta cực kỳ lãng phí. Có trường đại học trong một năm cho về hưu 11 giáo sư, bằng hơn một nửa số giáo sư của trường đó trong khi các giáo sư 60 tuổi vẫn dồi dào sức lực (tuổi thọ bình quân của con người Việt Nam hiện nay là 72.8).

Vấn đề quản lý giáo dục: Phải trao quyền tự chủ, xóa cơ chế chủ quản, phải có phân cấp quản lý để tạo ra sự chủ động và sáng tạo đối với các cơ sở. Nếu chúng ta quản lý để nhằm tạo ra một trật tự giống như cơ quan quản lý mong muốn thì đó là trật tự thiếu sinh khí, trật tự mà bản thân các tế bào trong hệ thống quản lý chung ta lại không có những động lực tự thân, là trật tự trì trệ. Nếu chúng ta quản lý tạo ra động lực tự thân của từng tế bào thì sẽ đưa tất cả đơn vị giáo dục hoạt động trong một hành lang rộng để sáng tạo và chủ động.

GS.TS. Trần Hồng Quân

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đao tạo

Trích trong “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc qua - Sự thật, 2014.



Bình luận