Đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

Ngày đăng: 03/07/2013 - 08:07

Công tác cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng.

Doi moi cong tac can bo

Ảnh minh họa - Duy Tường

Thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII thông qua, công tác cán bộ của Đảng đã có những đổi mới, tiến bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, việc đổi mới công tác cán bộ chưa toàn diện và còn chậm so với đổi mới kinh tế - xã hội. Bên cạnh những mặt mạnh và ưu điểm, trong đội ngũ cán bộ đang bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm, nổi bật là cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý, việc chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo chưa được chuẩn bị chu đáo; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả một số cán bộ cấp cao, diễn ra nghiêm trọng, kéo dài; chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, công tác cán bộ trong thời gian qua tiếp tục có những đổi mới, cải tiến, đem lại một số chuyển biến bước đầu. Để xây dựng đội ngũ cán bộ các loại, các cấp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp:

Một là, quán triệt sâu sắc các quan điểm và mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, phải đặc biệt quan tâm và thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Cần ý thức sâu sắc rằng, làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ thoái hóa, biến chất, mới củng cố được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác cán bộ phải tiến hành đầy đủ, có chất lượng trong tất cả các khâu, với mục tiêu xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; khắc phục cho được tình trạng hẫng hụt cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đến năm 2020.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, cần đặc biệt chú ý đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức thành viên khác trong hệ thống chính trị. Tiếp tục cải tiến quy trnh công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, không rườm rà, hình thức. Mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm Quy chế chất vấn trong Đảng, trong đó có chất vấn về công tác cán bộ. Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến về cán bộ thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Ba là, đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ trên cơ sở xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ. Đánh giá cán bộ một cách toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác, quan hệ với nhân dân; cả ở nơi công tác, trong các mối quan hệ xã hội và ở nơi cư trú; cả quá khứ, hiện tại và triển vọng phát triển. Thực hiện có chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng làm cơ sở để đánh giá đúng cán bộ và tiến hành tốt hơn công tác cán bộ. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Thực hiện tốt quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không ch hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải có đủ phẩm chất và năng lực. Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm ba độ tuổi, có tính kế thừa và phát triển, tỷ lệ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đúng thực chất, có tính khả thi, không hình thức, đối phó.

Tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với quy hoạch cán bộ và yêu cầu của chức danh cán bộ đảm nhiệm. Đổi mới toàn diện, đồng bộ về chương trình, nội dung, phương thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định động cơ, thái độ đúng đắn, tự giác và phát huy tính tích cực trong học tập, không chạy theo bằng cấp.

Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên. Cần phân biệt rõ giữa luân chuyển cán bộ với điều động cán bộ; giữa luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với luân chuyển để tránh tiêu cực. Trong luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần đưa cán bộ đến những địa bàn, lĩnh vực quan trọng, có nhiều khó khăn để thử thách, giúp cán bộ tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm xử lý các tình huống thực tế phức tạp. Trong luân chuyển để tránh tiêu cực, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển và cấp ủy, cơ quan có cán bộ luân chuyển đến.

Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo yêu cầu tăng cường chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong bố trí, sử dụng cán bộ. Phát hiện, tuyển chọn đúng người, đúng thời điểm các cán bộ có phẩm chất và năng lực tốt, tuổi đời còn trẻ để bố trí đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Kiên quyết không bổ nhiệm những cán bộ không đủ đức, đủ tài, có biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ trì ở cấp dưới. Tiếp tục thực hiện thí điểm một số chủ trương: bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; sơ kết để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư có số dư; giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; chế độ tiến cử; chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; người dự kiến bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương và các tiêu cực khác của cán bộ, trong công tác cán bộ.

Cải cách hệ thống chính sách cán bộ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công bằng giữa các loại cán bộ, các cấp, các ngành, các địa phương. Gắn chính sách cán bộ với tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Có chính sách khuyến khích cán bộ giỏi, cán bộ công tác ở địa bàn khó khăn, ở cơ sở.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ.

Gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; với phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới trong việc giáo dục, quản lý cán bộ và thực hiện công tác cán bộ. Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành trong sinh hoạt đảng. Từng cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiêm túc kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

PGS. TS. Trần Khắc Việt

Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận